Khi tôi về đến đầu ngõ, cả khu Mã Lạng bỗng tắt điện bất ngờ. Tôi nghe tiếng người nói ồn ào ở rạp Quốc Thanh. Hồi sáng, khi chạy xe ngang, tôi thấy rạp dựng bảng đoàn kịch Kim Cương trình diễn vở Dưới Hai Màu Áo. Có lẽ khán giả đang bực mình vì vở diễn bị ngưng nên túa ra trong vòng cửa sắt hút thuốc, uống nước, tìm chút không khí. Tôi tắt máy xe, dắt bộ xuống con hẻm. Hai dãy nhà ngó mặt nhau trong đêm với những cánh cửa sổ như được mở đồng loạt khiến tôi có cảm tưởng là mình đang bị những cặp mắt vô hình theo dõi, soi mói. Dựng xe ở hiên nhà, tôi ngạc nhiên thấy cửa không đóng. Phòng khách tối, nhưng bên trong, nơi được dùng làm phòng ăn và buồng ngủ, tôi thấy ánh sáng leo lét của một ngọn đèn dầu.
“Ảnh về kìa!” Tôi nghe tiếng Quỳnh nói. “Vô đây anh.”
“Chào chú mày!” Tôi nghe tiếng nói của một người đàn ông, giọng cứng và lạnh.
Tôi đến cửa hông, dừng lại.
“Chào ông.” Tôi trả lời, hơi bỡ ngỡ không hiểu người đó là ai.
“Anh Mười. Đây là Thăng, chồng em.” Quỳnh giới thiệu tiếp, “Anh Mười Tân, là con ông bác của em!”
“Thưa anh.” Tôi chào nhưng tôi không hiểu gì. Tôi nhớ lần trước, Quân nói, ông Mười Tân là con ông bác của hắn mà! Tôi bối rối.
“Đi đâu cả ngày bây giờ mới về, mậy?”
Bất ngờ, tôi nghe tiếng nói của Quân. Hắn ngồi trong ghế sát cửa sổ, mở ra sàn nước, nhưng vì ngọn đèn dầu không đủ ánh sáng, nên tôi không nhìn ra hắn.
“À, đi lăng quăng…” Tôi trả lời.
Ông Mười Tân vẫn ngồi yên, chỉ có đốm lửa đỏ trên đầu điếu thuốc sáng rực lên và dịu xuống từng lúc.
“Chắc mày không hiểu mối liên hệ gia đình phải không? Hôm trước anh Mười dặn tao nói anh Mười là con ông bác tao là muốn để bất ngờ cho Quỳnh và mày đó con à! Anh Mười chính là bà con chú bác của Quỳnh, ảnh muốn coi bọn mày sống ra sao?”
Ông Mười Tân một nhân vật quyền lực của chế độ mới là con của ông bác Quỳnh, thế nhưng ba của Quỳnh thì mới vừa bị đưa vào trại cải tạo sau khi nhà cửa bị niêm phong? Tôi không hiểu.
“Tại sao xin nghỉ dạy?” Ông Mười Tân hỏi tôi một câu trống trơn.
Tôi ngồi xuống mép giường. Tôi chưa biết trả lời sao cho ông Mười Tân rõ. Tôi biết người đang nói chuyện với tôi là một đảng viên Cộng sản, một nhân vật quyền lực của chế độ mới. Tôi cũng biết, theo như cách nói của Hiên, hiệu trưởng của nhà trường “cách mạng”, Mười Tân là “thủ trưởng của thủ trưởng” của y nữa kia. Có lẽ, Mười Tân đã được báo cáo về trường hợp xin nghỉ của tôi, theo một cách nào đó như kiểu tờ trình của Hiên gửi lên Sở Giáo Dục Thành Phố mà Sự đã cho tôi một bản sao. Tôi không nghĩ là ông ta đang nói như một người anh họ của người đàn bà đang sống với tôi. Ông Mười Tân đang nói như chính cái chế độ của ông nói:
“Thưa anh,…” tôi chậm lại, “tôi thấy công việc dạy học không thích hợp với tôi.”
“Không thích hợp tại sao trước đây chọn nó?” Mười Tân tiếp tục hỏi trống trơn, giọng nhẹ nhàng.
“Chắc mày dạy cái môn triết lý bá láp này cũng hơn mười năm rồi phải không?” Quân chen vào. “Duy tâm! Duy tâm! Hỏng hết!”
“Em không hiểu sao anh Quân hồi này nói năng lung tung quá!” Quỳnh đứng dậy đặt con vào nôi, vừa buông màn vừa nói, “Ở đời ai chẳng chọn lựa, chọn sai thì đổi, có sao đâu!”
Mười Tân không nhìn tôi. Ông vừa liếc mắt về phía Quỳnh vừa châm thêm một điếu thuốc. Có vẻ ông là người ghiền thuốc hạng nặng.
“Em có biết là cái thái độ xin nghỉ việc của chồng em trong tình hình củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng là một thái độ mang ý nghĩa phản kháng chế độ này hay không?” Mười Tân nói giọng nhỏ nhẹ mềm mỏng hơn. “Vả lại,” ông đột nhiên dịu giọng, “rồi tụi bây sẽ làm gì để sống trong những ngày sắp tới?”
“Em sẽ đi buôn bán như hồi má em còn sống!” Quỳnh trở lại giường, ngồi sát chỗ tôi.”
“Hừ! Buôn bán! Chế độ này không có chỗ cho cái bọn con buôn cân thừa bán thiếu đâu. Bây giờ mà má em còn sống, má em cũng phải dẹp tiệm chứ đừng nói em!” Quân nói như thuộc lòng.
“Thế còn cái tiệm vàng của ba má anh ở trên đường Thủ Khoa Huân thì sao? Anh quên cái bọn con buôn cân thừa bán thiếu kia lâu nay nuôi anh ăn học ra trường như thế nào sao?” Quỳnh bất ngờ xẵng giọng. “Anh theo cách mạng hồi nào vậy?”
“Thôi em!” Tôi choàng tay qua vai Quỳnh.
“Thì anh cũng để em nói với ảnh một lần cho ảnh biết chớ!”
Khi mới quen Quỳnh, tôi không mấy rõ về gia đình cô. Lần đầu hẹn nhau ở Givral, chúng tôi vừa gọi cà phê thì Quỳnh bỗng nhìn tôi lo lắng. “Có lẽ mình phải đi quán khác đi anh.” “Tại sao?” Quỳnh không trả lời. Cô nhích ghế đứng dậy. Tôi vẫn không hiểu gì hết. “Đi, anh!” Quỳnh thúc. Cà phê chưa mang ra. Tôi đặt tiền trên bàn, bước theo Quỳnh. Nhưng đúng lúc cửa kính mở, một người đàn ông tóc bạc trắng, bước vào. Theo sau là mấy phóng viên nhà báo, trong đó có Lý, ký giả tờ Chính Luận, bạn tôi. Quỳnh nói với tôi: “Ba em kìa anh!” Đó là lần đầu tiên tôi giáp mặt ba của Quỳnh, một nghị sĩ vẫn thường được báo chí nhắc đến như một nhân vật đối kháng.
Mười Tân ngồi im lặng khá lâu, bập bập điếu thuốc trên môi. Tôi thấy mắt ông ngó xuống mặt bàn, những ngón tay ông gõ nhịp đều đặn trên thành gỗ. Tôi có dịp nhìn kỹ ông. Một mái tóc gần như đã bạc trắng. Một khuôn mặt nhô xương. Hai con mắt vẫn còn sáng. Một vết sẹo lớn trên trán kéo xuống tận mắt trái chẻ ngang đường chân mày.
“Về trường hợp của chú”, ông Mười Tân ngừng lại một lúc, “anh muốn nói ba của em, việc học tập cải tạo là rất cần thiết. Đồng chí Bí Thư Tỉnh Ủy Phú Khánh là bạn của anh, nhưng anh không muốn can thiệp vụ này. Muốn làm việc lớn người ta phải biết đặt tình cảm cá nhân qua một bên. Vả lại đối với cách mạng chú còn nhiều lợn cợn cần phải làm cho sạch. Chánh sách nhà nước là luôn luôn khoan hồng đối với những ai biết nhận ra lẽ phải…” Tiếng nói ông Mười Tân dịu mà mạnh. Tôi thấy rõ mắt ông tiếp tục chiếu thẳng về phía Quỳnh.
“Vậy theo anh Mười thì điều anh Quân nói là đúng hay sao? Buôn bán là một tội lỗi à? Cả cái thế giới này đều là tội lỗi hết trơn hết trọi sao? Còn mấy người trong sạch sống với ai?” Quỳnh nói.
“Tất nhiên buôn bán không phải là cái tội. Nhưng vấn đề là buôn bán như thế nào, buôn bán cái gì, ai buôn bán, buôn bán với ai, thì mới có thể nói là có tội hay không có tội. Dù sao tư sản đã là có tội. Nhưng thôi…” Ông Mười Tân ngập ngừng, “chẳng lẽ anh phải nói là chính em cũng nên đi học tập cho thông suốt đường lối chính sách của Nhà Nước.”
“Em đã vào sinh hoạt trong Hội Trí Thức Yêu Nước. Em tin là em hiểu rõ đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước.” Quân nói chen vào, “còn mày, Thăng, tại sao tao không thấy mày xuống Hội sinh hoạt với anh em?”
“Tôi à?” Tôi cố nhướng to mắt nhìn xem Quân nói với một vẻ mặt như thế nào, nhưng bóng tối đã cho hắn chiếc mặt nạ quá tốt. “Bộ anh nghĩ tôi xứng đáng là một người trí thức sao?”
“Đây không phải là lúc để cãi nhau.” Ông Mười Tân ngừng gõ tay lên mặt bàn, lấy điếu thuốc ra khỏi môi. “Anh nghĩ là Quân chưa biết gì về chính sách Đảng và Nhà Nước ta đâu. Chính mấy ông Chủ Tịch và Phó chủ tịch của Hội cũng cần phải sinh hoạt nhiều mới nắm được đường lối chính sách của Đảng ta. Nhưng thôi…”, đột nhiên ông Mười Tân đổi giọng, “hôm nay anh đến đây cốt để thăm cháu, để xem mấy đứa bây sinh sống ra sao. Anh mừng vì thấy Quỳnh không dính líu gì với chế độ ngụy, không phản động, không …” Ngừng một đỗi, ông tiếp, “nhưng trường hợp Thăng, tôi muốn nói một điều…” ông đổi giọng, bất ngờ xưng là tôi, “đời sống của Thăng là không tốt. Tôi có trong tay báo cáo đầy đủ về mối liên hệ của Thăng và gia đình tên Phan, một trong mấy tay phản động gộc của ngụy quyền. Nhưng tôi không nghi ngờ hành vi của Thăng. Một người như cậu Thăng đây không làm được cái tích sự gì ngoài cái thẩm mỹ học của cậu đâu…”
Tôi không hiểu ông Mười Tân ám chỉ điều gì khi nói đến chữ thẩm mỹ học, “Quân có nói với tôi về đám bạn bè văn nghệ của Thăng. Thật tình, tôi không hiểu tại sao đi dạy học mà chỉ chơi với đám văn nghệ là thế nào? Và bây giờ sao tự nhiên xin nghỉ dạy? Đã có một việc làm gì khác chưa? Hay là muốn đi kinh tế mới?” Ông Mười Tân bất ngờ đứng dậy ngay khi vừa dứt câu, “Có lẽ tôi phải đi. Tôi có một buổi nói chuyện ở Thành đoàn.”
Quân cũng đứng dậy đi theo ông Mười Tân.
“Ừ, hay là mày đi kinh tế mới đi!” Quân đập tay lên vai tôi.
“Anh không cần nói tôi cũng biết anh nghĩ gì mà!” Quỳnh mỉa mai. Cô đứng dậy kéo tay tôi đi theo. Đến cửa, ông Mười Tân quay lại phía chúng tôi.
“Rất tiếc! Rất tiếc!”
Và ông quày quả bỏ đi. Quân lọt tọt theo sau. Ngay lúc đó, tôi thấy có hai bóng đen ở cuối ngõ hẻm đi nhanh tới, một người lách ra trước ông Mười Tân, và một người đi sau lưng ông. Như một yếu nhân của một chế độ, Mười Tân được bảo vệ quá cẩn mật. Và bỗng nhiên chữ “rất tiếc!” của Mười Tân vọng lại làm tôi nổi da gà.
“Thôi vào nhà đi em!” Tôi ôm vai Quỳnh.
Quỳnh vẫn nắm chặt tay tôi.
“Em lo quá anh à! Liệu nhà mình có phải đi kinh tế mới không?”
“Đi thì đi. Nhưng đừng lo! Anh đang tìm một việc làm ở công trường An Biên.”
“An Biên? Anh làm gì ở đó? Sao em không nghe anh nói chuyện này với em!”
“Anh chưa nói với em vì chiều nay anh mới nói chuyện với một người trung gian. Anh sẽ làm tài xế lái xe ủi đất...”
“Lái xe ủi đất? Anh lái xe ủi đất và anh bỏ mẹ con em ở nhà một mình sao?”
Quỳnh nhắc lại chuyện tối qua, khi cả xóm bị khích động bởi tiếng kêu la giữa khuya của căn nhà đâu lưng bên kia hẻm. Một phụ nữ và một thanh niên bị trói thúc ké dẫn về đồn công an. Cả hai không một mảnh vải che thân. Người ta nói công an đã xông vào nhà bắt khi hai người này đang làm tình, vì họ không phải là vợ chồng. Chế độ mới nhân danh đạo đức, bài trừ tệ đoan xã hội, nhưng người ta nói chính tên công an áo vàng theo tán tỉnh người phụ nữ kia không được, nên quyết tâm theo dõi tìm cách trả thù người đàn bà này. Quỳnh nhắc lại chuyện tuần trước khi tôi chở hai mẹ con đi bác sĩ bị một tên công an bắt ngừng xe chĩa súng vào đầu hỏi chứng minh nhân dân. Chờ cho hắn ngưng nạt nộ, Quỳnh hỏi tại sao xét giấy chúng tôi, tên công an trả lời: “Bởi vì anh đeo kính đen. Ngụy quá!”
Tôi nghe hơi thở rất nhẹ của Quỳnh. Mùi bồ kết trên tóc em tràn ngập khứu giác tôi. Tôi nhớ mẹ tôi. Bầu trời đêm tối đen không một ánh sao. Tôi ước gì ngay bây giờ một trận mưa thật lớn dội xuống con hẽm này để được nghe tiếng gọi của bà con cả xóm ra tát nước.
Cả khu Mã Lạng vẫn còn chìm trong đêm Saigon thiếu điện.
Tôi không nhìn thấy chút ánh sáng nào.
Bụi & Rác – Chương Sáu
* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.