Việc cầm quyền của ông Vladimir Putin ở Nga vẫn vững chắc bất chấp những thất bại quân sự ở Ukraine, một cuộc động viên chắp vá, và đấu đá chính trị nội bộ, theo tám nguồn thạo tin, nhưng một số người nói rằng điều đó có thể thay đổi nhanh chóng nếu có dấu hiệu bị đánh bại hoàn toàn.
Hầu hết trong số này nói rằng Tổng thống Nga đang ở một trong những điểm khó khăn nhất trong hơn hai thập niên cầm quyền vì vấn đề Ukraine, nơi các lực lượng xâm lược của ông đã bị đẩy lùi ở nhiều địa điểm bởi một Kyiv được phương Tây vũ trang.
Nhưng các nguồn tin này, trong đó có các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ phương Tây đương nhiệm và tiền nhiệm, cho biết không có mối đe dọa sắp tới nào rõ ràng từ các giới thân cận, quân đội, hoặc cơ quan tình báo của ông Putin.
Ông Anthony Brenton, cựu đại sứ Anh tại Nga, nói: “Hiện tại, ông Putin vẫn còn giữ vững được.”
Ông nói ông tin rằng nhà lãnh đạo Nga hy vọng đàm phán về Ukraine, có thể là với người Mỹ, và hy vọng vận may chiến trường đang suy yếu của Moscow sẽ tăng lên bất chấp những gì phương Tây nói là thiếu nhân lực, khí tài và thậm chí là cả phi đạn.
Lên nắm quyền từ năm 1999, ông Putin đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng và chiến tranh trong nước, và hơn một lần đối mặt với các cuộc biểu tình lớn trên đường phố trước khi loại bỏ bất kỳ phe đối lập thực sự nào một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của người đàn ông 70 tuổi này ở Ukraine kể từ ngày 24/2 năm nay đã tạo ra cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng nhất kể từ cuộc khủng hoảng phi đạn Cuba năm 1962 và gây nên các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất của phương Tây đối với Nga chưa từng có từ trước đến nay.
Quân đội của Putin đã chịu những cuộc rút lui nhục nhã cũng như tổn thất nặng nề, và hàng trăm nghìn người Nga đã phải trốn ra nước ngoài để tránh đi lính. Ông Putin cũng đã đe dọa dùng hạt nhân mà một số người coi là dấu hiệu của sự tuyệt vọng.
Một số đồng minh - từ nhà lãnh đạo Chechnya được Điện Kremlin hậu thuẫn, cho đến người đứng đầu một tổ chức lính đánh thuê - đã cáo buộc các chỉ huy quân sự Nga xử lý sai cuộc chiến.
Ông Brenton cho biết không có lời chỉ trích công khai nào đối với ông Putin từ giới chính trị hoặc giới kinh doanh ưu tú hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có động thái chống lại Putin, nhưng điều đó có thể không kéo dài.
“Nếu họ tiếp tục rút lui vào mùa xuân, đến tháng 3/tháng 4 năm sau, thì tôi nghĩ tại thời điểm đó mọi thứ sẽ trở nên thực sự rắc rối cho ông Putin - không phải ở cấp độ công chúng bình dân, mà ở cấp độ những thành phần ưu tú.”
‘Các lập luận’
Các cuộc biểu tình phản đối lệnh động viên, lời thề của Ukraine không giao tiếp với ông Putin, và lời khẳng định rõ ràng không được sửa soạn trước và đã nhanh chóng được rút lại từ Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông Putin không được phép tiếp tục nắm quyền, đã làm dấy lên những đồn đoán về tương lai của Putin.
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, nói với tờ Washington Post trong tháng này rằng một thành viên trong vòng nội bộ của ông Putin đã đối đầu với ông về cuộc chiến rằng “hoàn toàn không đúng” nhưng cho biết có một cuộc tranh luận chính sách thẳng thắn.
Ông Peskov nói với các phóng viên: “Có những lập luận đang được đưa ra: về kinh tế, về việc tiến hành hoạt động quân sự.” “Đó không phải là dấu hiệu của bất kỳ sự chia rẽ nào.”
Điện Kremlin cho biết ông Putin được đa số người Nga ủng hộ và đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc tái tranh cử vào năm 2018.
Hệ thống chính trị của Nga nổi tiếng không rõ ràng mặc dù trước khi Nga xâm lược Ukraine, Mỹ đã cho thấy có thể nhìn ra các kế hoạch của Moscow.
Một quan chức cấp cao của phương Tây, người theo sát tình hình và từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của chủ đề, cho biết cho đến nay chưa có hiện tượng đào ngũ đáng kể.
Có những dấu hiệu tranh chấp nội bộ và ban hành quyết định chậm chạp nhưng quan chức này nói “Không có dấu hiệu nào cho thấy ông mất quyền kiểm soát.”
Một quan chức Mỹ giấu tên vì lý do tương tự cho biết Washington và các đồng minh cho rằng vị thế của ông Putin an toàn. “Nhiều hành động gần đây của ông ấy - bao gồm cả lệnh động viên - cho thấy rõ ràng ông Putin đang ở thế lùi”.
Với các dịch vụ tình báo hùng mạnh làm nền tảng cho một hệ thống chính trị sử dụng những người trung thành được giám sát chặt chẽ, sẽ rất khó và nguy hiểm cho bất kỳ ai chống lại ông ta.
Ông Andrew Weiss, một chuyên gia nghiên cứu về ông Putin tại Viện Carnegie, nói rằng mặc dù “mọi thứ đều có thể xảy ra” ở Nga, nhưng ý kiến người dân ở đó ít quan trọng hơn ở phương Tây, các đối thủ thực sự đã bỏ trốn hoặc bị bỏ tù và chung quanh ông Putin là những người trung thành.
“Hãy chỉ cho tôi người sẽ phát biểu trong văn phòng của ông Putin rằng ông đã hết thời. Ai có thể đủ can đảm để làm điều đó?” ông Weiss nói. Ông Weiss đã có nhiều vai trò chính sách khác nhau trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và đã viết một cuốn sách về ông Putin.
Ông cho rằng nhà lãnh đạo Nga có thể bị lật đổ thông qua một cuộc đảo chính cung điện, một cuộc nổi dậy của giới ưu tú, hoặc giới bình dân “xông vào ngục Bastille”, đồng thời lưu ý rằng nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein từng cai trị hơn một thập niên sau khi cuộc xâm lược Kuwait năm 1990 của ông bị thất bại .
‘Sợ hãi ngự trị’
Bà Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích R.Politik, nói ông Putin sẽ gặp rắc rối nếu ông hết các lựa chọn để leo thang xung đột.
Trong trường hợp đó, giới ưu tú sẽ cố gắng thuyết phục ông Putin từ chức, bà dự đoán, nói thêm rằng chưa có dấu hiệu nào về loại đảo chính từng lật đổ nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào năm 1964 hay nhắm vào ông Mikhail Gorbachev vào tháng 8/1991.
“Nếu ông có thể ... hoàn thành các nghĩa vụ bất thành văn của mình trước giới thượng lưu và dân chúng - ổn định, hòa bình, lương hưu và lương bổng - thì sẽ không có gì đe dọa được ông ấy”, bà Stanovaya nói.
“Nhưng nếu ... quân đội Nga bị đẩy lùi về biên giới cũ của Nga trước khi sáp nhập, nếu quân đội Ukraine tiếp tục tấn công xa hơn ... và nếu ngân sách không thể đối phó và lương hưu bị trì hoãn ...các tầng lớp ưu tú sẽ dần dần đứng dậy cùng nhau.”
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận ở Nga cho thấy sự lo lắng ngày càng tăng của công chúng, một nguồn tin ngoại giao Pháp nói họ nghĩ rằng ông Putin, người thống trị các phương tiện truyền thông nhà nước có ảnh hưởng, có thể duy trì sự kìm kẹp của mình.
“Chúng ta đừng quên rằng nỗi sợ hãi đang ngự trị”, nguồn tin này nói. “Tôi vẫn nghĩ rằng đa số người Nga sẽ ủng hộ ông Putin về bất cứ điều gì ông ấy quyết định.”
Một quan chức cấp cao của châu Âu nói rằng ông Putin sẽ phải thua cuộc chiến một cách rõ ràng mới bị lật đổ. Nếu chuyện đó xảy ra, người kế nhiệm của Putin khó có thể là bạn của phương Tây, theo cựu đại sứ Anh Brenton.
“Những người đưa ra quyết định là những người trong giới quân đội hay an ninh cứng rắn. Chúng ta sẽ không có được một sự cấp tiến dễ chịu.”
Diễn đàn