Trong vòng một năm, ông Bernie Sanders đã đi từ chỗ thua 40 điểm trong các cuộc thăm dò đến chỗ gần ngang với bà Hillary Clinton vào lúc đảng Dân chủ hình thành cương lĩnh về các chính sách tại Đại hội Đảng vào tháng Bảy.
Ngoài việc chính thức đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng mỗi 4 năm, các đảng viên đảng Dân chủ và các đối thủ của họ trong đảng Cộng hòa nhân đại hội của họ để trình bày các phát biểu chi tiết về lập trường của họ và hướng đi mà họ sẽ mưu tìm cho đất nước.
Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ hôm thứ Hai loan báo ủy ban phụ trách cương lĩnh đảng sẽ bao gồm 5 đại diện do ông Sanders chọn và 6 người do bà Clinton chọn, cùng với 4 người khác do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, bà Debbie Wasserman Schultz, lựa chọn.
Nêu bật nền tảng vận động của mình, ông Sanders hôm qua nói với các ký giả:
“Chúng ta sẽ ở trong một vị thế rất mạnh để đấu tranh cho một nền kinh tế đem lại hiệu quả cho tất cả mọi người”.
Người tự cho mình là theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đã quy tụ được một lượng lớn người ủng hộ, đặc biệt là giới trẻ, khi ông vận động với thông điệp thúc đẩy bình đẳng kinh tế, bảo đảm học phí đại học phải chăng, loại bỏ ra khỏi chính trị các nhóm quyền lợi đặc biệt và mở rộng dịch vụ xã hội.
Nhờ ngọn sóng hậu thuẫn đó mà ông Sanders đã đạt được chiến thắng ở 20 tiểu bang, và cùng với bà Clinton và người chắc sẽ được sự đề cử của đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành một trong ba ứng cử viên chính vẫn còn đang dự tranh trong cuộc chạy đua để kế nhiệm Tổng thống Barack Obama vào tháng Giêng.
Bà Clinton, người dẫn đầu cuộc đua của đảng Dân chủ, sau khi tính tới nay đã giành được nhiều phiếu đại biểu hơn ông Sanders, và dự kiến sẽ giành được đề cử của đảng khi 6 tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ hoặc bỏ phiếu kín vào tháng 7. Hôm qua, ban vận động của bà cho biết rằng bà sẽ không tham gia vào cuộc tranh luận đã định với ông Sanders trên đài Fox News ở bang California có nhiều đại biểu, thay vào đó bà tập trung năng lượng vào trận chiến tổng tuyển cử đang bắt đầu ló dạng với ông Trump. Cuộc tranh luận cuối cùng của đảng Dân chủ là vào ngày 14 tháng 4.
Ông Sanders cho biết trong một tuyên bố rằng ông “thất vọng nhưng không ngạc nhiên” trước quyết định vừa kể, và nói với người ủng hộ ở California sau đó rằng ông cho đó là “sự xúc phạm” đối với người dân trong tiểu bang. Ông Sanders nói:
“Tôi cũng đề nghị Ngoại trưởng Clinton đừng quá kiêu ngạo với ý nghĩ rằng bà ấy là người chiến thắng chắc chắn. Trong vài tuần qua, người dân Indiana, West Virginia và Oregon đã tạo ra một suy nghĩ khác”.
Ông Sanders đã thắng ở cả 3 tiểu bang vừa kể và nhấn mạnh rằng mặc dù thua về số đại biểu nhưng ông vẫn ở còn trong cuộc đua cho đến khi đại hội bắt đầu vào ngày 25 tháng 7. Cùng với sự kiên trì đó, ông đã buộc được các đảng viên đảng Dân chủ phải cứu xét các lập trường của ông và bao gồm các lập trường này trong một văn kiện có tác dụng như cơ bản của đảng trong bốn năm tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, ông Sanders đã mô tả quá trình soạn thảo cương lĩnh là một “thời gian tuyệt vời để giáo dục người dân Mỹ”.
Ông nói: “Vấn đề nào cũng có hai mặt, và tôi chắc rằng Ngoại trưởng Clinton sẽ có những người ủng hộ rất mạnh mẽ về những quan điểm của mình, cũng như chúng ta sẽ có”.
Ông cho biết những người ủng hộ ông đang mong đợi một cương lĩnh đại diện cho những gia đình lao động, những người nghèo và giới trẻ, thay vì cho phố Wall và các tập đoàn Mỹ.
Cương lĩnh đã được thông qua tại Hội nghị đảng Dân chủ năm 2012 có rất nhiều những điểm mà ông Sanders, và cả bà Clinton, đã quảng bá trong suốt các cuộc vận động tranh cử của họ.
Nó đặt trọng tâm lớn vào nền kinh tế, trong đó có một dòng tương tự như khẩu hiệu hiện tại của ông Trump là “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Tài liệu này nói: “Việc giành lại an ninh kinh tế cho tầng lớp trung lưu là một thách thức mà chúng ta phải khắc phục hôm nay. Việc đó bắt đầu bằng cách khôi phục các giá trị cơ bản đã làm cho đất nước chúng ta vĩ đại”.
Cương lĩnh cũng nhấn mạnh đến việc cần phải giành ưu tiên cho tầng lớp trung lưu, làm cho học phí học đại học phải chăng với tất cả mọi người, thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, sử dụng nhiều nguồn năng lượng khác nhau và cải cách chính sách nhập cư, tư pháp hình sự, Wall Street và các hệ thống tài trợ cho các cuộc vận động tranh cử.