Đường dẫn truy cập

Ông Trump khơi mào cuộc chiến ‘phép vua-lệ làng’


Một người tham gia biểu tình đòi bảo vệ di dân bên ngoài Tòa Thị Chính tại San Francisco, ngày 25 tháng 01 năm 2017.
Một người tham gia biểu tình đòi bảo vệ di dân bên ngoài Tòa Thị Chính tại San Francisco, ngày 25 tháng 01 năm 2017.

Thực hiện lời hứa khi tranh cử, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 ký sắc lệnh hành pháp nhằm dẹp bỏ ‘các thành phố cư trú an toàn’ cho di dân bất hợp pháp bằng cách đình chỉ các ngân khoản trợ cấp của liên bang dành cho những địa phương chứa chấp di dân không giấy tờ.

Đó là những thành phố giới hạn hỗ trợ nhà chức trách liên bang trong công tác điều tra, truy quét, trục xuất di dân lậu.

Tòa Bạch Ốc khẳng định tân chính quyền liên bang sẽ thi hành luật pháp không khoan nhượng.

Người phát ngôn Sean Spicer tuyên bố ‘Chúng ta sẽ tước các ngân khoản tài trợ cho các tiểu bang và các thành phố chứa chấp di dân bất hợp pháp. Người Mỹ sẽ không để bị buộc phải trợ cấp cho những người bất tuân luật pháp này.’

Hiện có 40 thành phố và 364 quận hạt trên toàn nước Mỹ đã biến thành những nơi cư trú an toàn cho di dân bất hợp pháp.

Một số thành phố đã bắt đầu cân nhắc phương án ứng phó. Một số nơi thẳng thừng kháng cự, trong số này có Santa Ana.

Santa Ana với đông cư dân gốc Việt nhất nhì ở Mỹ là một trong những địa phương tự tuyên bố là ‘thành phố cư trú an toàn’ cho di dân không giấy tờ.

Sanctuary city
please wait

No media source currently available

0:00 0:11:25 0:00
Tải xuống

Ông Khanh Nguyễn, đại sứ của Santa Ana kiêm Ủy viên Kế hoạch thành phố, cho VOA Việt ngữ biết:

“Tháng 12 năm 2016, thành phố Santa Anna đã ra nghị quyết tạo thành phố thành ‘khu cư trú an toàn’ cho những cư dân bất hợp pháp. Phần lớn cư dân Santa Anna là người Mexico, phần đông số này là cư dân bất hợp pháp. Việc này có thể ảnh hưởng tới ngân sách liên bang dành cho thành phố. Không phải chúng tôi chống lại lệnh của Tổng thống, nhưng chúng tôi cho những cư dân bất hợp pháp trong thành phố biết rằng thành phố sẽ không cộng tác với cơ quan thực thi luật pháp của liên bang trong việc báo cáo hay giải giao những cư dân bất hợp pháp. Ví dụ, một cảnh sát chặn giao thông một người và phát hiện là cư dân bất hợp pháp, không có nghĩa là sẽ bắt giao cho cơ quan tư pháp liên bang, Sở Di trú, để trả về nước. Mục đích chính Santa Anna muốn các cư dân bất hợp pháp biết rằng đây là nơi quý vị có thể yên tâm mà sống.”

Luật pháp Hoa Kỳ cấm di dân bất hợp pháp. Phát hiện di dân lậu không trục xuất, có ý kiến cho rằng, chẳng khác nào ‘chứa chấp’, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho làn sóng di dân bất hợp pháp tới Mỹ tăng cao.

Những người phản đối ‘các thành phố lánh nạn’ lập luận rằng di dân có mặt ở Mỹ không giấy tờ là phạm pháp và những địa phương ‘làm ngơ’ không truy quét khác gì dung dưỡng cho các thành phần bất hợp pháp trên đất Mỹ.

Đại sứ thành phố Santa Ana phản bác:

“Chúng tôi không đủ ngân sách hay nhân lực để bắt bớ hay điều tra những cư dân bất hợp pháp trong Santa Ana. Trách nhiệm đó là của liên bang. Nếu chính quyền liên bang muốn thực thi luật di trú liên bang, họ có toàn quyền làm việc đó trong thành phố Santa Ana. Không phải trách nhiệm của thành phố Santa Ana là đi lùng bắt những cư dân đó.Nếu họ phạm pháp, chúng tôi sẵn sàng trả họ về nước sau khi họ thụ án tại Hoa Kỳ.”

Vẫn theo lời ông Khanh, một khi họ đã vượt biên giới vào Mỹ rồi, miễn họ chí thú làm ăn, giúp ích cho xứ sở Hoa Kỳ, cần cho họ một cơ hội vì đa phần những di dân bất hợp pháp, đặc biệt là người Mexico, rất sẵn lòng làm những công việc nặng nhọc chân tay mà dân Mỹ không chịu làm.

Houston, một thành phố khác cũng rất đông người Việt sinh sống, có tiếng về nạn di dân lậu, chủ yếu từ Mexico. Dù không tự nhận là ‘thành phố lánh nạn’ như Santa Ana, nhưng Houston cũng không có chính sách truy quét cư dân bất hợp pháp.

Ông Steve Lê, nghị viên Hội đồng thành phố Houston, cho biết:

“Theo thị trưởng hiện tại, nếu một người di trú bất hợp pháp bị cảnh sát bắt vì phạm một tội gì nặng thì phải đưa qua bên di trú để trục xuất về, chứ mình không tự nhiên xét giấy tờ của họ. Nhiều người cho đó là ‘sanctuary city’ (thành phố lánh nạn), tùy theo cách nhìn của họ thôi.”

Nghị viên Steve Lê nói Houston không chủ trương khám xét cư dân về tình trạng di trú vì không đủ nhân lực để làm chuyện đó.

Ông Steve tiếp lời:

“Nhân lực của mình rất giới hạn. Một là chuyên đi tìm những người cư trú bất hợp pháp, hai là đi bắt những người trộm cướp, giết người. Mình phải suy nghĩ cái nào đáng bỏ nhân lực làm hơn. Houston quyết định ưu tiên chú ý tới những tội phạm nguy hiểm hơn là đưa cảnh sát đi bắt di dân bất hợp pháp.”

Nghị viên gốc Việt này cho hay lãnh đạo Houston nhất trí rằng nếu liên bang muốn thành phố truy quét di dân lậu thì phải ‘đến hỗ trợ, cho thêm nhân lực’ vì hiện tại nhân lực thành phố thậm chí còn thiếu cho công tác phòng chống tội phạm hình sự.

Phe ủng hộ hành động của tân chính quyền Tổng thống Trump cho rằng nên cắt viện trợ cho ‘các thành phố lánh nạn’ xem nhẹ luật liên bang và rằng bên hành pháp có thể thắng lớn nếu tranh cãi này được đưa ra tòa.

Ngược lại, những thành phố bị nhắm mục tiêu cắt tài trợ nói bài trừ di dân lậu không chỉ là truy quét, trục xuất mà cái gốc vẫn là ngăn chặn từ cổng biên giới và bỏ bớt những chính sách dễ bị trục lợi.

Nghị viên Steve Lê của thành phố Houston:

“Những người qua đây bất hợp pháp muốn có việc làm hoặc được nằm trong các chính sách hỗ trợ an sinh của chính phủ. Bây giờ muốn nhổ cỏ tận gốc, phải đến các hãng xưởng mướn người bất hợp pháp phạt để họ sợ không mướn những người bất hợp pháp nữa. Thứ nhì, mấy người qua đây sinh con đẻ cái để vào các chương trình phúc lợi của chính phủ, mình phải ngăn chuyện đó. Không phải qua đây sinh con thì tự nhiên con trở thành công dân Mỹ, Mỹ phải nuôi đứa bé đó. Điều đó mình thấy bất bình. Giờ mình cắt đi hai chương trình đó, những người cố ý qua để được hưởng các quyền lợi đó sẽ không qua nữa.”

Chưa biết phía liên bang sẽ đẩy mạnh vụ việc đến mức nào, nhưng trước mắt, ‘thành phố lánh nạn’ Santa Ana đang có bước chuẩn bị.

Ủy viên Kế hoạch của thành phố chia sẻ:

“Chúng tôi cũng đã bàn thảo với luật sư thành phố về vấn đề này và đây cũng là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của thành phố Santa Anna. Hiện giờ chúng tôi chưa có biện pháp hay giải pháp gì. Thành phố vẫn còn tiếp tục tiến trình bàn thảo để có giải pháp nào đó đưa thỏa hiệp giữa liên bang với Santa Anna nếu ngân sách liên bang dành cho thành phố bị cắt.”

Tại một số địa phương khác như thành phố New York chẳng hạn, nơi có nửa triệu di dân không giấy tờ hợp lệ, phong trào bảo vệ di dân đang lan tỏa từ các nhà thờ sang các trường đại học.

Thị trưởng New York đã tuyên bố giới chức pháp lý hàng đầu của thành phố sẽ có mặt tại tòa ngay sau khi có hành động cụ thể nào ngưng cấp ngân khoản cho New York.

Luật sư của thành phố San Francisco cho biết văn phòng của ông đang xem xét khả năng đưa vụ này ra tòa trước khi Tổng thống Trump có hành động cụ thể nào cắt giảm ngân quỹ rót cho thành phố.

Giới luật sư chuyên về quỹ tài trợ của liên bang cho biết nếu chính phủ tìm cách cắt ngân quỹ đối với một đơn vị nào, phải đi qua một tiến trình phức tạp và các thành phố có quyền kháng cáo.

Một số luật sư cho rằng chỉ có Quốc hội mới có quyền cắt ngân khoản tài trợ của liên bang dành cho các thành phố, và rằng Tổng thống chỉ có thể dịch chuyển các nguồn quỹ từ chỗ này sang chỗ khác mà thôi.

Mặt khác, không có định nghĩa pháp lý như thế nào là một thành phố ‘cư trú an toàn’ cho di dân bất hợp pháp. Và theo một số luật sư di trú, điều đó cũng có nghĩa là các thành phố không vi phạm luật pháp liên bang và không thể bị chính quyền Tổng thống Trump trừng phạt.

Các gói hỗ trợ kinh tế từ liên bang thường tài trợ cho các dịch vụ như các trung tâm cộng đồng, các trạm xá chăm sóc sức khỏe, và hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho những người thu nhập thấp.

Cắt ngân quỹ liên bang cho đa số các thành phố lớn và các trung tâm đông cư dân ở Mỹ là điều chưa có tiền lệ, có thể gây phương hại kinh tế các nơi này và làm hại cho kinh tế Mỹ.

Một số luật sư cho biết muốn can thiệp chuyện này, chính quyền của ông Trump cần có luật vì loan báo cắt ngân quỹ kiểu này đã vi phạm Tu chính án thứ 10 bảo vệ quyền chủ quyền của các tiểu bang và các địa phương trong tiểu bang.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng các thành phố phải chịu trách nhiệm, mà đặc biệt là nếu một thị trưởng của một thành phố nào đó bảo vệ di dân bất hợp pháp trong thành phố của mình, người thị trưởng đó phải chịu trách nhiệm.

Giới chuyên môn lưu ý rằng dù Tổng thống có quyền hành pháp nhưng muốn lập ra luật lệ lâu dài, phải được Quốc hội thông qua.

Gần 90% tổng số 652 tỷ đô la mà chính quyền liên bang tài trợ qua hơn 1500 chương trình cấp quỹ trong năm tài khóa gần đây nhất được trao xuống các tiểu bang, chứ không trao trực tiếp cho các thành phố. Cho nên, để thực hiện sắc lệnh hành pháp của Tổng thống vừa ký, Tòa Bạch Ốc cũng có thể phải thương lượng với các tiểu bang có các thành phố ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp, và điều này có thể đề ra thêm một rào cản nữa.

Các nhóm cổ súy quyền của di dân cho hay họ đang sửa soạn các đơn kiện riêng đối với các khía cạnh khác trong hai sắc lệnh hành pháp ông Trump ký hôm 25/1, xem xét các khoản liên quan đến việc nới rộng giam giữ di dân và thay đổi cách xử lý đơn xin tị nạn.

Phong trào ‘các thành phố lánh nạn’ bắt đầu từ những năm 80 khi các hội đoàn nhà thờ trên khắp nước Mỹ cấp chỗ trú ngụ cho những người tị nạn chạy trốn nội chiến ở Trung Mỹ.

Cựu Tổng thống Barack Obama năm 2012 ban hành lệnh hành pháp có tên là Hành động Ngưng Trục xuất đối với những người đến Mỹ lúc nhỏ còn được gọi là DACA. Lệnh này cấp giấy phép làm việc có thể được tái tục và bảo vệ khỏi bị trục xuất cho gần 750.000 di dân không có giấy tờ đến Mỹ khi còn là trẻ em hay thiếu niên.

Tân Tổng thống Trump gọi lệnh này là ‘một trong những hành động vi hiến nhất do một Tổng thống ban hành” và kêu gọi siết chặt luật di trú mạnh tay hơn để bài trừ nạn di dân bất hợp pháp.

Theo Luật Cải cách Tình trạng Di trú Bất hợp pháp và Đạo luật Trách nhiệm Di dân năm 1996, thì nhà chức trách địa phương phải hợp tác trong việc thực thi di trú.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG