Vào ngày 11 tháng 12 năm 1961, Tòa Án Tối Cao đã hủy bản án kết tội 16 sinh viên da đen bị bắt vì tội ngồi lì ở Louisiana.
Đó là phán quyết đầu tiên liên quan đến các vụ ngồi lì để phản đối nạn kỳ thị chủng tộc tại khắp các tiểu bang miền nam.
Các sinh viên da đen đã bị bắt tại Baton Rouge, thủ phủ của Louisiana, khi họ không được hai tiệm ăn có chính sách phân biệt chủng tộc phục vụ.
Vì không tuân lệnh cảnh sát phải rời khỏi tiệm ăn, họ đã bị khởi tố về tội phá rối trật tự.
Trong phần nói về ý kiến của mình, Thẩm phán Earl Warren, Chủ tịch Tối cao Pháp viện viết rằng các sinh viên này tỏ ra ôn hòa và trầm tĩnh, không phạm luật nào đã có từ trước tới nay với mục đích ngăn ngừa gây rối công cộng.
Ông viết tiếp: “Không có bằng chứng nào yểm trợ cho kết luận nói rằng thái độ của các sinh viên này là đã gây rối, hoặc sắp sửa gây rối khung cảnh yên lành.”
Ngồi lì là chiến thuật của phong trào đòi dân quyền trong năm 1960, một năm trước khi có phán quyết kể trên. Lúc bấy giờ, các sinh viên da đen ở thành phố Greensboro, tiểu bang miền nam North Carolina đã nhiều lần sử dụng chiến thuật này tại các tiệm ăn, nhà hàng không tiếp khách da đen.
Mỗi khi họ không chịu rời nhà hàng, các người chủ gọi cảnh sát để cảnh sát đến bắt và khởi tố những người ngồi lì về tội xâm nhập bất hợp pháp và tạo rối loạn công cộng.
Ngồi lì đã được các công nhân nhiều nước sử dụng trong các cuộc đình công trước đó, nhưng chiến thuật này vẫn còn mới cho phong trào đòi dân quyền.
Các cuộc ngồi lì tại Greensboro đã lan rộng khắp North Carolina và các tiểu bang miền nam, buộc các nhà hàng phải bỏ chính sách không phục vụ người da đen.
3 năm sau khi có phán quyết của Tòa Án Tối Cao xem ngồi lì là hợp pháp, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964, trong đó cấm phân biệt đối xử tại các nhà hàng và khách sạn.
Cửa hàng Woolworth ở Greensboro, nơi có vụ ngồi lì đầu tiên, bây giờ là Viện bảo tàng và Trung tâm Dân quyền Quốc tế.
Cách nay 50 năm, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã đưa ra một phán quyết quan trọng về phân biệt màu da, dọn đường cho phong trào đòi hỏi dân quyền của người Mỹ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1