Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ: Radio còn sống, nhưng không như xưa nữa


Hoa Kỳ: Radio còn sống, nhưng không như xưa nữa
Hoa Kỳ: Radio còn sống, nhưng không như xưa nữa

Các phương tiện truyền thông tại Hoa Kỳ đang phát triển mạnh, và phương tiện có từ lâu đời, đó là phát thanh, xem chừng đang thoi thóp.

Năm 1897, nhà văn Mark Twain với óc hài hước phong phú, đã gửi mấy hàng chữ đến cho tờ New York Herald. Ông viết rằng: "Tin đồn mới đây về cái chết của ông là một chuyện thổi phồng quá đáng!"

Chúng ta có thể nào đưa ra một hồi chuông báo tử kiểu như tờ báo New York Herald loan tin đồn về cái chết của Mark Twain ngày đó hay không đối với phương tiện truyền thông bằng radio ở Hoa Kỳ?

Trong thập niên 1950 người ta cho rằng truyền hình sẽ khiến cho các đài phát thanh chết dần chết mòn. Nhưng các đài phát thanh vẫn sống mạnh khi mà những máy radio chạy bằng transistor xách tay hoặc gắn trong xe hơi đã đem âm nhạc vui tươi, rộn rã đến cho người nghe. Đài phát thanh, nhất là trên các làn sóng trung bình, bị coi như đã chết khi các đài FM phát đi những âm thanh rõ ràng, không bị nhiễu sóng, thu hút sự chú ý của người nghe. Nhưng sóng trung bình vẫn sống như là một nguồn thông tin hay cho các chương trình hội thoại, cho đến bây giờ.

Đến thập niên 1990 khi quốc hội nới lỏng các qui chế về sở hữu đài phát thanh, những công ty lớn đã mua hằng trăm đài phát thanh để quảng cáo ào ạt các sản phẩm của họ và thu về những khoản lợi nhuận béo bở. Chẳng bao lâu, phương tiện phát thanh được sử dụng cho mục đích quảng cáo như thế lan tràn trên toàn nước Mỹ.

Giờ đây, theo tờ Wall Street Journal cho biết, các đài phát thanh quốc nội đang trong tình trạng "xuất huyết". Những dịch vụ do vệ tinh cung ứng đã chiếm mất khối thính giả bằng các chương trình nhạc đủ loại, mà thường thì không bị những màn quảng cáo xen vào, và mọi người còn tự tay thu nhạc vào những dụng cụ cầm tay để thưởng thức, như iPod chẳng hạn.

Nhiều đài phát thanh sóng trung bình đã sập tiệm hay trở thành những hoạt động phụ trong đó các doanh nhân mua thời gian phát sóng để dùng cho việc quảng cáo dồn dập hầu bán sản phẩm của họ.

Những người soạn các chương trình phát thanh đã cố gắng hết sức hầu tìm ra cách ngăn chặn việc thính giả thôi nghe phát thanh và giữ được nguồn lợi từ tiền quảng cáo cho họ, nhưng có lẽ đã quá muộn. Rất nhiều người trong giới trẻ hiện nay còn không hề biết là có các đài phát thanh sóng trung bình nữa kia.

Trong lúc những tin cho rằng phương tiện truyền thông bằng radio đã cáo chung, có thể, nói theo kiểu nhà văn Mark Twain "chỉ là sự thổi phồng quá đáng" thì ít ra phương tiện này, tức radio sóng trung bình, cũng đang thoi thóp trong cơn bệnh nặng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG