Mặc dù Hoa Kỳ đã tăng viện trợ kinh tế và quân sự cho Pakistan, người dân bình thường tại đây vẫn đổ lỗi cho Washington về những khó khăn hiện nay tại nước họ.
Các chuyên viên nói rằng các vụ bắn phá bằng máy bay không người lái vào của khu vực bộ tộc, các chương trình viện trợ không mấy hiệu quả, và thái độ ủng hộ của Hoa Kỳ vào các tướng lãnh có tai tiếng đã đẫn đến tình cảm chống Mỹ trên khắp Pakistan.
Người Pakistan tin rằng Hoa Kỳ đã sử dụng quân đội Pakistan để hoàn thành các mục tiêu riêng, chẳng hạn như tại Afghanistan.
Một số chuyên viên lại cho rằng Hoa Kỳ đang có những cố gắng đặc biệt để lấy lòng quân đội Pakistan; lý do: quân đội Pakistan cảm thấy bị bỏ rơi sau khi Hoa Kỳ không còn chú ý đến Nam Á kể từ khi Liên-xô rút lui khỏi Afghanistan vào năm 1989.
Bà Wendy Chamberlin, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan cho biết:
“Tình cảm bài Mỹ bắt đầu khi người Mỹ ủng tướng Zia ul Haq lên làm Tổng thống vào năm 1979 bằng một cuộc đảo chính và đem hành quyết Tổng thống Zulfikar Ali Bhutto, một người được rất đông cử tri bầu lên.”
Chuyên viên Zahid Ebrahim của tổ chức National Endowment for Democracy nói hai thập niên sau đó, sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho tướng Pervez Musharraf đã làm sống lại tình cảm bài Mỹ:
“Tình cảm bài Mỹ này càng mạnh hơn vào những năm chót của tướng Musharraf, khi ông ta rất mất lòng dân. Sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với ông này ảnh hưởng đến cái nhìn của người dân Pakistan đối với Hoa Kỳ.”
Chuyên viên Ebrahim nói rằng tại Pakistan có rất nhiều tin đồn về những “âm mưu” của Hoa Kỳ:
“Hoa Kỳ có lý do chính đáng để theo dõi xem chương trình hạt nhân của Pakistan có an toàn hay không. Nhưng chuyện này đã biến thành những giả thuyết cho rằng Hoa Kỳ muốn đánh sập chương trình hạt nhân của Pakistan.”
Bà Ayesha Siddiqa, chuyên viên của trường đại học Johns Hopkins nói rằng các chính phủ tại Pakistan dùng những giả thuyết này để gây thêm sợ hãi và cùng lúc đoàn kết nhân dân:
“Bằng cách tạo ra những con quỷ dữ, các chính quyền Pakistan mới nắm được người dân. Thật đáng tiếc khi chính phủ này dùng lý do an ninh để đoàn kết nhân dân. Đáng lý ra họ phải đoàn kết bằng những cách khác; chẳng hạn như phát huy dân chủ, phát huy các quyền của người dân, phát huy các mặt khác ở nhiều cấp độ khác nhau.”
Một đề tài khác: viện trợ Mỹ không đến được tận tay những người mà viện trợ muốn nhắm tới. Cựu Đại sứ Chamberlin nói”
“Viện trợ cần phải trực tiếp đến tay người dân, thay vì thông qua chính quyền.”
Một cách khác để khích động tinh thần bài Mỹ là sử dụng các phương tiện thông tin tuyên truyền.
Báo chí, đài truyền hình hầu như mỗi ngày đều đưa tin và hình ảnh về những cuộc tấn công của máy bay không người lái nhắm vào các địa điểm của al-Qaida và Taliban, bên cạnh đó là cảnh chết chóc của thường dân.
Cũng chính các tờ báo và các đài truyền hình đó vào năm 2005 đã đưa những tin và hình ảnh của những máy bay trực thăng Mỹ phân phát hàng cứu trợ cho các nạn nhân trận động đất ở các vùng sâu vùng xa của Pakistan.