Pakistan và Iran hôm 19/1 nhất trí xoa dịu căng thẳng và tái lập lại quan hệ ngoại giao đầy đủ sau khi quân đội hai bên không kích qua lại trong tuần này nhắm vào các trại của phần tử hiếu chiến được cho là ở trên lãnh thổ của nhau.
Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, thỏa thuận này bắt nguồn từ cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Jalil Abbas Jilani với người đồng cấp Iran, Hossein Amir-Abdollahian.
Tuyên bố nói: “Hai ngoại trưởng nhất trí rằng cần tăng cường hợp tác ở cấp độ làm việc và phối hợp chặt chẽ về chống khủng bố cũng như các khía cạnh khác mà hai bên cùng quan tâm. Họ cũng đồng ý xuống thang tình hình”.
Hai ngoại trưởng cũng thảo luận về việc đưa đại sứ hai nước trở lại thủ đô của mỗi nước.
Xung đột nổ ra hôm 16/1 khi lực lượng an ninh Iran tiến hành “các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái” nhắm vào những gì họ nói là căn cứ của nhóm hiếu chiến chống Iran, Jaish al-Adl (Quân đội Công lý), ở tỉnh biên giới Baluchistan của Pakistan.
Pakistan lên án vụ tấn công là “vi phạm trắng trợn” chủ quyền lãnh thổ của mình, nói rằng vụ này đã giết chết hai trẻ em và làm bị thương một số thường dân khác. Hôm 17/1, Islamabad thông báo triệu hồi đại sứ tại Tehran, yêu cầu đại sứ Iran rời khỏi đất nước và đình chỉ mọi cam kết song phương với Iran để phản đối cuộc xâm nhập xuyên biên giới “vô cớ”.
Hôm 18/1, Pakistan đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa những địa điểm mà họ gọi là “nơi ẩn náu của khủng bố” ở tỉnh biên giới Sistan-Baluchistan phía đông nam Iran đang được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công chống lại lực lượng an ninh Pakistan ở Baluchistan.
Iran cho biết các cuộc tấn công của Pakistan đã giết chết ít nhất 9 “người không phải công dân Iran”, chủ yếu là trẻ em và phụ nữ.
Các cuộc xâm nhập xuyên biên giới của hai nước đã đánh dấu sự leo thang chưa từng có trong mối quan hệ song phương thường căng thẳng. Việc này cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn lan rộng hơn ở Trung Đông kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023.
Ông Jilani nhấn mạnh “mối quan hệ anh em chặt chẽ” giữa hai nước và bày tỏ “mong muốn” của Islamabad được hợp tác với Tehran “dựa trên tinh thần hợp tác và tin cậy lẫn nhau”, tuyên bố của Pakistan cho biết. Ông “nhấn mạnh rằng sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền phải củng cố sự hợp tác này”, tuyên bố nói thêm.
Tòa đại sứ Iran tại Islamabad cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng ông Amir-Abdollahian đã có “cuộc điện đàm rất tốt để khôi phục quan hệ ở mức cao” và hai nước “có thể lập kỷ lục mới về giảm căng thẳng... bằng cách đưa các đại sứ về lại thủ đô” và các chuyến thăm lẫn nhau của các ngoại trưởng Iran và Pakistan.
Trong khi đó, quyền Thủ tướng Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar đã chủ trì cuộc họp hôm 19/1 với các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự hàng đầu của đất nước để thảo luận về cuộc khủng hoảng xuất phát từ căng thẳng với Iran.
Một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia nói: “Cuộc họp cũng kết luận rằng theo nguyên tắc phổ quát chi phối việc tiến hành các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hai nước sẽ có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn nhỏ thông qua đối thoại và ngoại giao, đồng thời mở đường để làm sâu sắc thêm mối quan hệ lịch sử giữa hai nước.”
Căng thẳng quân sự giữa Iran và Pakistan đã khiến Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, Mỹ và Trung Quốc kêu gọi kiềm chế và xoa dịu căng thẳng hỗ tương.
Quân đội Pakistan cho biết cuộc tấn công hôm 18/1 đã nhắm vào các căn cứ ở Iran do các nhóm nổi dậy Mặt trận Giải phóng Baloch (BLF) và Quân đội Giải phóng Baloch (BLA) điều hành. Các nhóm này thường xuyên tấn công lực lượng an ninh Pakistan ở vùng Baluchistan giàu tài nguyên thiên nhiên.
Hoa Kỳ đã liệt BLA vào danh sách tổ chức khủng bố toàn cầu.
Tehran cho biết máy bay không người lái và phi đạn của họ đã nhắm mục tiêu vào các căn cứ Jaish al Adl.
Iran và Pakistan có chung đường biên giới dài gần 900 km, nơi phe ly khai, các phần tử hiếu chiến và buôn lậu ma túy đã phát triển mạnh trong nhiều thập niên. Cả hai nước đều cáo buộc bên kia chưa làm đủ để chống lại các thách thức an ninh.
Diễn đàn