Cuộc biểu quyết được mô tả là một “thay đổi lịch sử” trong hiến pháp được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Pakistan.
Nữ chủ tịch hạ viện Pakistan, bà Fahmida Mirza, loan báo kết quả:
“Kết quả là dự luật đã được thông qua với không ít hơn 2/3 phiếu của Hạ viện. Vì thế nó đã được thông qua với sự đồng thuận.”
Đạo luật này sẽ biến Tổng thống Asif Ali Zardari thành một nguyên thủ quốc gia đóng vai trò tượng trưng, bằng cách chuyển những quyền lực chủ yếu sang cho văn phòng thủ tướng và cho Quốc hội.
Những quyền lực bị chuyển nhượng này gồm khả năng tổng thống giải tán một chính phủ công cử, giải tán Quốc hội, và bổ nhiệm các Tham mưu trưởng Quân đội.
Thủ tướng Yousuf Raza Gilani, khi lên tiếng trước quốc hội sau cuộc biểu quyết, nói rằng đó là những thay đổi cho những gì mà các nhà cầm quyền quân nhân đã đưa ra trước đó làm cho bản hiến pháp quốc gia bị sai lệch.
Ông nói giờ đây đạo luật này đã loại bỏ được những “bất thường” và trao quyền cho nhân dân Pakistan.
Thủ tướng Gilani nói rằng bằng cách chấp thuận dự luật, các nhà làm luật đã biến điều mà người ta cho rằng không thể thực hiện được thành hiện thực và đã giữ vững chủ quyền của quốc hội.
Dự luật tu chính hiến pháp, được sự ủng hộ từ mọi đảng phái, giờ đây phải được 2/3 Thượng viện chấp thuận, và Tổng thống Zardari phải ký ban hành rồi mới có hiệu lực. Theo dự kiến thì cả hai sẽ chấp thuận dự luật này.
Dự luật được Tổng thống hoàn toàn ủng hộ. Dự luật được một ủy ban gồm cả các chính đảng đương quyền lẫn đối lập nhất trí soạn thảo.
Nhiều người Pakistan tin rằng bản tu chính hiến pháp thứ 18 sẽ đưa đến ổn định chính trị cho quốc gia, một đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ, và sẽ để cho chính phủ chú trọng nhiều hơn đến vấn đề đối phó với quân nổi dậy do Taliban lãnh đạo.
Nhưng những người chỉ trích nói rằng trong tư cách Chủ tịch đảng đương quyền Nhân Dân Pakistan cộng thêm với địa vị tổng thống của Pakistan, ông Zardari sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với chính phủ.
Ông Ahsan Iqbal, một thành viên của quốc hội, đại diện cho một chính đảng đối lập lớn, lên tiếng:
Lề lối tại Pakistan sau năm 1973 (tức là năm mà bản hiến pháp hiện hành được thông qua), qui định là Tổng thống phải từ bỏ tư cách đảng viên trong chính đảng của ông để trở thành một nhân vật thực sự đại diện cho liên bang và là một biểu tượng cho đoàn kết quốc gia.
Nhưng ông Zardari có khuynh hướng tiếp tục nắm giữ vai trò trong chính đảng của ông mà nếu như lề lối này cứ tiếp tục, và ông cứ can dự nhiều vào tiến trình hoạch định chính sách của chính phủ, thì sẽ có nguy cơ gây xung đột về quyền hạn.
Dự luật này cũng sẽ thay đổi tên tỉnh Biên Giới Tây Bắc thành tỉnh Khyber Pukhtoonkhaw. Tỉnh này giáp ranh Afghanistan và cho đến hồi gần đây, nhiều khu vực trong tỉnh này được coi như là nơi trú ẩn an toàn cho quân nổi dậy Taliban.
Hạ viện Pakistan đã nhất trí chấp thuận một tu chính án cho bản hiến pháp quốc gia, hạn chế bớt những quyền tối quan trọng của Tổng thống.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1