Đường dẫn truy cập

Pakistan tăng cường chống khủng bố sau vụ thảm sát học sinh


Một phụ nữ đọc các những mãnh giấy của dân chúng ghi lời tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công trường học
Một phụ nữ đọc các những mãnh giấy của dân chúng ghi lời tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công trường học

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã công bố một loạt các biện pháp nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan tôn giáo tại nước này, một tuần sau vụ tấn công của Taliban nhắm vào một trường học làm 150 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em. Thông tín viên Ayaz Gul có thêm các chi tiết từ Islamabad.

Nhóm Taliban đã tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công hôm 16/12 vào một trường học do quân đội quản lý ở Peshawar. Tổ chức bị cấm hoạt động ở Pakistan này đã tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại nhà nước.

Vụ đổ máu đã khiến gia đình các nạn nhân vừa đau khổ vừa căm phẫn, và người dân Pakistan nói chung đã thúc ép chính phủ phải đưa các thủ phạm ra trước pháp luật.

Vụ thảm sát 134 trẻ em và 16 nhân viên trường học đã khiến Thủ tướng Nawaz Sharif phải khôi phục lại án tử hình chỉ hai ngày sau vụ tấn công. Kể từ đó, giới hữu trách đã treo cổ 6 “phần tử khủng bố khét tiếng” từng bị kết tội gây ra các vụ khủng bố trước đó và có kế hoạch hành hình hàng trăm kẻ khác.

Quân đội Pakistan cũng tăng cường các cuộc oanh kích cả trên không lẫn trên bộ nhắm vào các thành trì của các phần tử chủ chiến dọc theo biên giới bất ổn với Afghanistan.

Hôm qua, 24/12, ông Sharif đã triệu tập một cuộc họp với các nhà lãnh đạo thuộc tất cả mọi đảng phái chính trị cũng như lãnh đạo quân sự để bàn về việc gia tăng các biện pháp chống các phần tử chủ chiến ở Pakistan. Hội nghị này kéo dài hơn 10 tiếng và thủ tướng đã loan báo kết quả trong bài phát biểu truyền hình trên toàn quốc sau nửa đêm.

Ông Sharif nói rằng “các tòa án đặc biệt đang được thiết lập dưới sự giám sát của các sĩ quan quân đội nhằm nhanh chóng xét xử các vụ liên quan tới khủng bố và nhằm đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước pháp luật”. Ông nói thêm rằng các tòa án này sẽ tồn tại trong thời gian hai năm. Lý giải cho hành động này, ông Sharif thừa nhận rằng “các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật đã giúp những kẻ tội phạm thoát khỏi sự trừng phạt trong quá khứ”.

Ông Thủ tướng cũng cam kết rằng ông sẽ không cho phép các nhóm chủ chiến và các băng đảng vũ trang hoạt động ở Pakistan. Ông nói rằng chính phủ đã quyết định có biện pháp “hữu hiệu và dốc toàn lực” đối với các tờ báo và tạp chí đăng tải các bài viết cổ vũ chủ nghĩa cực đoan bạo lực, bè phái và bất khoan dung.

Ông Sharif cam kết rằng các tổ chức tôn giáo bị cấm hoạt động sẽ không được phép hoạt động bằng các tên mới cũng như sẽ bị cấm cổ vũ cho chủ nghĩa khủng bố cũng như tư tưởng của họ trên các phương tiện truyền thông của Pakistan. Ông cũng nói thêm rằng các biện pháp nghiêm ngặt đang được thi hành nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố sử dụng Internet và truyền thông xã hội làm các phương tiện tuyên truyền.

Ông Thủ tướng nói rằng nhà nước đang tiến hành các bước đi để đăng ký và lập ra các quy định đối với các trường tôn giáo, hay các trường dạy giáo lý Hồi giáo, trên khắp nước này. Những người chỉ trích cho rằng các học viện Hồi giáo này đang làm gia tăng tình trạng không khoan dung ở Pakistan.
Một số nhà phê bình lo ngại rằng chiến dịch chống chủ chiến mới nhất này sẽ đe dọa đến nhân quyền, nhưng ông Ahmed Bilal Mehbood, người lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ quảng bá các hành động dân chủ ở Pakistan, đã phản bác các quan ngại đó.

“Với tình hình mà chúng ta chứng kiến ở Pakistan hiện nay, nhất là sau vụ việc ở Peshawar, tôi nghĩ rằng cần phải tiến hành một số biện pháp khác thường để chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan này một cách kịp thời trước khi chúng gây ra các tội ác lớn hơn. Chừng nào chúng ta còn dân chủ, chừng nào chúng ta còn quốc hội, chúng ta có tòa án, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không thể sẽ lập ra các luật lệ vi phạm nhân quyền và quyền tự do của con người”.

Những nhà hoạt động vì nhân quyền đã giận dữ phản ứng trước quyết định khôi phục án tử hình của Pakistan. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi đây là “một phản ứng nửa vời, không giải quyết tận gốc vấn đề”, trong khi tổ chức Human Rights Watch nói rằng chính phủ đã lựa chọn “cách trả thù khát máu”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG