Mỹ sẽ không chùn bước trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc, và thậm chí có thể tăng gấp đôi các mức thuế quan, trừ phi Bắc Kinh nhượng bộ trước những yêu sách của Mỹ, Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu hôm thứ Bảy.
Trong một bài diễn văn với lời lẽ thẳng thừng tại hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea, ông Pence đã nói như vỗ mặt Trung Quốc về thương mại và an ninh trong khu vực.
"Chúng tôi đã có hành động quyết đoán để giải quyết sự mất cân bằng với Trung Quốc," ông Pence tuyên bố. "Chúng tôi đã áp thuế quan lên hơn 250 tỉ đôla hàng hóa của Trung Quốc, và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó."
"Song Hoa Kỳ sẽ không thay đổi đường hướng cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành vi."
Cảnh báo thẳng thừng này có thể sẽ là tin tức không mấy lạc quan cho các thị trường tài chính vốn đã hi vọng tranh chấp Trung-Mỹ sẽ hạ nhiệt và thậm chí có lẽ đạt được một số thỏa thuận tại một hội nghị G20 vào cuối tháng này ở Argentina.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, không dự cuộc họp APEC, sẽ hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina.
Lời cảnh báo của Pence hôm thứ Bảy tương phản với những phát biểu của ông Trump hôm thứ Sáu, khi ông nói rằng ông có thể không áp thêm thuế quan sau khi Trung Quốc gửi cho Mỹ một danh sách các biện pháp mà họ sẵn sàng thực hiện để giải quyết căng thẳng thương mại.
Ông Trump đã áp thuế quan lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỉ đôla để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về một danh sách những đòi hỏi mà sẽ thay đổi các điều khoản thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đã đáp lại bằng thuế quan áp lên hàng hóa của Mỹ.
Washington đang yêu cầu Bắc Kinh cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ, cắt trợ cấp công nghiệp và giảm thâm hụt thương mại 375 tỉ đôla.
Những lời lẽ của ông Pence không cho thấy bất cứ sự nhượng bộ nào.
"Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ suốt nhiều năm qua. Những ngày đó đã qua," ông nói với các đại biểu tề tựu trên một du thuyền neo đậu tại Bến cảng Fairfax của thủ đô Port Moresby.
Ông cũng nhắm mục tiêu chỉ trích tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Thái Bình Dương và đặc biệt là kế hoạch Vành đai và Con đường của ông Tập để mở rộng những liên kết trên bộ và trên biển giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu với hàng tỉ đôla đầu tư cơ sở hạ tầng.
"Chúng tôi không cung cấp những vành đai gò bó hay con đường một chiều," ông Pence nói.
Dù không đề cập trực tiếp đến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp khác nhau trong khu vực, ông Pence nói Mỹ sẽ ra sức giúp bảo vệ các quyền hàng hải.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa máy bay và đưa tàu tới nơi mà luật pháp quốc tế cho phép và nơi nhu cầu của chúng tôi đòi hỏi. Hành vi quấy nhiễu sẽ chỉ càng củng cố quyết tâm của chúng tôi mà thôi."
Chỉ vài phút trước đó, ông Tập đã đã trình bày khá lâu về sáng kiến của ông và sự cần thiết phải có thương mại tự do trên toàn khu vực.
"Nó không phải là một câu lạc bộ độc quyền mà những nước không phải thành viên không vào được, mà cũng không phải là một cái bẫy như một số người đã gán cho nó," ông Tập nói về dự án tâm huyết của ông.
Ông cũng gọi là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là "phương sách thiển cận" mà "chắc chắn sẽ thất bại."
"Lịch sử đã cho thấy đối đầu, dù dưới hình thức Chiến tranh Lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không mang tới chiến thắng cho ai cả," ông Tập nói.