Trong thời gian vừa qua vì công việc tôi đã có dịp trở lại một số nước ở Phi Châu như Uganda, Rwanda. Không đi thì thôi. Nhưng đã đi rồi thì tôi lại có một vài ý tưởng mới. Nhất là về cuộc sống và con người. Hình như đã làm người thì chúng ta ai cũng vậy. Đi xong một ngày đàng thì sẽ học được một sàng khôn. Ngay cả ở những nơi cùng khổ nhất. Như ở Rwanda hay ở Uganda.
Mà hình như hơn vậy nữa bạn ạ. Đó là càng khổ thì chúng ta lại càng nghiệm hơn được nhiều điều. Chứ nếu như ngày nào cũng sống trong hạnh phúc, cũng cảm thấy vui sướng, mãn nguyện thì chưa chắc mình đã học được gì nhiều. Vì sự hưởng thụ ít khi buộc chúng ta phải suy ngẫm. Không biết tôi nghĩ vậy có đúng không?
Như trong mấy tuần vừa qua ngày nào tôi cũng phải vô tận những làng xóm xa xôi nghèo khổ ở gần khu biên giới giữa Sudan và Uganda để xét nghiệm những giếng nước vừa mới được khoan. Không như ở Việt Nam, ở đây thường máy phải khoan đến 30, 40 mét mới có nước. Vì vậy nước là một cái gì đó tuy rất cơ bản, rất cần thiết nhưng lại rất ư là hiếm có ở những nơi này. Nó không đắt bằng vàng bạc tôi đoán thế nhưng đối với đại đa số dân làng ở đây, nó quan trọng hơn vàng bạc rất nhiều.
Không có nước sạch, mỗi năm có hàng trăm hàng vạn người chết vì bị buộc phải dùng nước dơ, nước đọng trong các ao tù, nhất là các em nhỏ.
Không có nước sạch ở gần nhà phần lớn các em bị buộc phải ở nhà để đi lấy nước từ xa thay vì được cho đi học. Đặc biệt là các em gái. Vì vậy việc đa số các em gái ở vùng Sub-Sahara bị thất học là chuyện đương nhiên.
Cũng vì vậy mà sau một thời gian lưu lại đây tôi lại nghĩ như thế này. Đó là câu nói ‘nếu cố gắng hết sức, chăm chỉ học hỏi hết mình thì chắc chắn sẽ thành công’ không hẳn thích hợp với những người ở tận cùng của sự thiếu thốn. Vì tôi biết họ đã và đang làm việc hết sức, hết mình. Hơn cả những gì tôi và các bạn đã và đang cố gắng làm. Nhưng cái khổ nó vẫn luôn quanh quẩn bên họ. Và cuộc sống của tôi và các bạn, xét cho cùng, vẫn sẽ luôn đầy đủ hơn họ.
Vì điều duy nhất mà họ cần là cơ hội. Một cơ hội đổi đời như những người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. Nhưng rất tiếc không phải ai trong đời cũng sẽ được cho một cơ hội như thế. Để đổi đời. Để từ đó có dịp vươn lên, thoát khỏi nghèo khó, số phận.
Đó là lý do tại sao mỗi khi tôi đi xa, đặt chân đến những đất nước xa lạ tôi lại thấy câu nói ‘all men are created equal’ (ai sinh ra cũng bình đẳng) thật ra phải nên được sửa lại là ‘all men are created equal but some are created more equal than others!’ vì có rất nhiều người trước khi sinh ra đời đã được đối xử không bình đẳng. Vì nơi họ sinh ra sẽ là mẫu số chung quan trọng nhất định đoạt cả tương lai và số phận của họ. Bất kể là họ có thông minh đến đâu hay làm việc hăng say đến chừng nào.
Một điều khác tôi nghĩ là đôi khi câu nói ‘what doesn’t kill you makes you stronger’ (điều gì không giết nổi bạn sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn) cũng chưa hẳn đúng trong mọi trường hợp. Vì tôi đã chứng kiến rất nhiều lần và đối với rất nhiều người là ‘what doesn’t kill them makes them weaker’ – tuy họ đã thoát khỏi cảnh khó khăn, túng quẫn nhưng cũng vì vậy mà họ trở nên thụ động, lười biếng, yếu đuối hơn. Như những người dân tỵ nạn ở xứ này sau những ngày bôn ba chạy giặc, nay trở về lại làng đã không còn hiếu động, sẵn sàng gầy dựng lại cuộc sống như ngày xưa.
Tôi có hỏi tại sao họ không bắt đầu trồng trọt, xây dựng lại nhà cửa? Câu trả lời đơn giản là vì họ không biết khi nào thì phải chạy giặc tiếp.
Thì ra cái khó nó thường bó cái khôn như ông bà mình thường nói.
Tuy biết vậy nhưng tôi vẫn nghĩ nếu như chúng ta muốn có một cuộc sống có ý nghĩa thì tốt hơn hết chúng ta cần phải có hy vọng, cần phải luôn tin tưởng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta cần phải vượt thoát khỏi sự sợ hãi của chính mình, bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, dèm pha để tiếp tục dấn thân, theo đuổi lý tưởng mà chúng ta từng ấp ủ.
Bởi lẽ đơn giản vì ai rồi cũng sẽ có một ngày phải nhắm mắt, xuôi tay. Và từ bây giờ cho đến lúc ấy sẽ không có một ai ngoài mình sẽ sống cho mình, sẽ thực hiện những hoài bảo của riêng mình.
Vì vậy trong những ngày sống ở đây, phải chịu cực khổ nhiều so với cuộc sống ở Mỹ, ở Úc, khi thiếu điện, lúc bị cúp nước, tôi lại thấy mình cần phải luôn tự nhắc nhở là nên: live till the day you die and don’t die while you are still alive - hãy luôn sống cho đến khi ta chết, chứ đừng chết khi ta vẫn còn sống.
Đây là câu nói mà tôi rất thích vừa được lồng vào clip video ‘Phải Lên Tiếng’ của một số bạn trẻ vừa được cho ra đời vào tuần trước mà các bạn có thể chọn xem ở đây:
Cũng có thể sẽ có một số người cho là tuổi trẻ là tuổi của sự bồng bột, không hiểu rõ sự đời, không biết điều gì có thể và không thể đạt được. Thế nhưng nếu như ai cũng nghĩ như thế thì chắc chắn là những biến chuyển lớn lao trên thế giới trong năm vừa qua sẽ không bao giờ xảy ra. Những nhà lãnh tụ độc tài, những chế độ phi nhân, phi nghĩa sẽ tiếp tục tồn tại. Và tạp chí Time đã không chọn ‘The Protester’ (Người Biểu Tình) là Nhân Vật Của Năm 2011 (Person of the Year).
Trong những ngày cuối năm trong tuần này, khi chúng ta may mắn được sống quây quần với gia đình, bạn bè , người thân, tôi mong là chúng ta sẽ nghĩ đến điều này. Đến những người không có cơ hội như chúng ta. Đến những thân phận hiện vẫn ở chốn tù đày chỉ vì họ đã dám lên tiếng.
Trước thềm năm mới, mong muốn lớn nhất của tôi là trong năm 2012 chúng ta sẽ mỗi người gióng lên tiếng nói của riêng mình. Để thế giới hiện tại, xã hội nơi chúng ta sinh ra và lớn lên ngày càng được phát triển, nhân bản và công bình hơn.
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.