Với phán quyết của tòa án hôm thứ Ba phần lớn được xem là đứng về phía Philippines, một đồng minh của Mỹ, những chuyên gia nói rằng cả Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ tăng cường những nước cờ ngoại giao và quân sự để giành lấy sự ủng hộ cho lập trường tương ứng của họ.
Mỹ nói rằng phán quyết của tòa án quốc tế ở The Hague về vụ kiện của Manila chống lại những tuyên bố chủ quyền thái quá của Bắc Kinh ở Biển Đông là "có tính chung quyết và ràng buộc về mặt pháp lý," kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc những hành động khiêu khích.
Giám đốc Cao cấp cho Sự vụ Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, Daniel Kritenbrink, nói rằng Mỹ "không cần hoặc không quan tâm" tới chuyện khuấy động căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Washington sẽ không "nhắm mắt làm ngơ" trước thủy lộ này để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc về những vấn đề khác.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Washington, ông cho biết Washington đang tăng cường những kênh thông tin liên lạc với Bắc Kinh thông qua những biện pháp xây dựng lòng tin để tránh những tính toán sai lầm và tai nạn khi đi tuần tra vùng biển này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phán quyết có thể tạo cơ sở cho những cuộc thảo luận thêm nữa nhằm thu hẹp phạm vi địa lý của những tranh chấp hàng hải, và cuối cùng giải quyết những tranh chấp tiềm tàng mà không có sự cưỡng ép hoặc sử dụng tới đe dọa vũ lực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết trong một thông cáo: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh những phát biểu hoặc những hành động khiêu khích. Quyết định này có thể và sẽ là một cơ hội mới để tiếp tục những nỗ lực giải quyết tranh chấp hàng hải một cách hòa bình."
Không có quyền hợp pháp
Tòa án Trọng tài Thường trực hôm thứ Ba ra phán quyết rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không có quyền hợp pháp về mặt lịch sử đối với vùng biển rộng lớn này.
Quyết định này được đưa ra phù hợp với những quy định thuộc Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh phê chuẩn vào năm 1996.
Nhưng Trung Quốc nói rằng họ sẽ không công nhận tính hợp pháp của quyết định này. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói vụ kiện là một "trò hề chính trị" và tuyên bố rằng Công ước không có thẩm quyền đối với những tranh chấp.
Giáo sư Peter Dutton từ Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cảnh báo rằng nguy cơ thực sự của việc Trung Quốc bác bỏ quyết định này là sự tổn hại đối với danh tiếng của Bắc Kinh.
Ông Dutton nói: "Có thể phải mất một thế hệ hoặc nhiều hơn để hàn gắn mối bất hòa giữa Trung Quốc và phần lớn vùng Đông Nam Á."
Những người khác lo sợ phán quyết có thể khiến Trung Quốc "bạo dạn" tiến hành những cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông.
Nhà phân tích Charmaine Deogracias người Philippines từ Trung tâm Đông-Tây ở Washington nhận định: "Điều thực sự đáng lo ngại là phán quyết của tòa án không có thẩm quyền pháp lý đối với những hoạt động quân sự."
Bà nói thêm Manila sẽ muốn thấy thêm tàu hải quân Mỹ tuần tra trong vùng biển này, và muốn thấy Washington trấn an Manila rằng "Mỹ ở đó là vì chúng tôi nếu có chuyện gì xảy ra."
Cách đối phó của Bắc Kinh
Có những cách mà Trung Quốc có thể tiến hành để giữ thể diện cho mình, theo lời ông Tim Johnson, Giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế. Ông nói rằng Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng việc "từng bước thoái lui khỏi" quyền lịch sử của cái gọi là Đường Chín Đoạn, và "đưa tuyên bố chủ quyền của mình gần hơn với những nguyên tắc của Công ước."
Những quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cũng nói rằng quyết định này có tiềm năng mở ra không gian cho tất cả những bên tuyên bố chủ quyền để cố gắng tiến hành những cuộc thảo luận có ý nghĩa về việc quản lý tài nguyên và phát triển chung.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay trước đó nói rằng các bên tuyên bố chủ quyền "có thể cân nhắc" việc gia nhập những thỏa thuận khác nhau, chẳng hạn như thăm dò và khai thác chung những nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Hành động của Mỹ
Mỹ không phải là một trong những bên tuyên bố chủ quyền lãnh hải, nhưng Mỹ lâu nay đã ủng hộ việc bảo đảm những tuyến đường biển của khu vực vẫn rộng mở để hàng hóa quốc tế có thể được vận chuyển và Hải quân Mỹ có thể đi lại. Máy bay và tàu chiến của Mỹ đã thực hiện những cuộc tuần tra ở vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trong khu vực, và việc này đã bị Trung Quốc đả kích, gây nên xích mích với Washington vốn không công nhận những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Những quan chức Mỹ đã công khai bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp với những quốc gia khác một cách hòa bình trong những diễn đàn quốc tế như tòa án được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn này, nhưng một cựu quan chức quốc phòng cao cấp cho biết Washington cần có hành động đi đôi với lời nói của mình.
Cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Quốc phòng Amy Searight gần đây nói rằng Mỹ có thể thi hành thỏa thuận an ninh song phương Mỹ-Philippines "một cách rất mạnh mẽ" bằng cách triển khai lực lượng luân phiên.
Lực lượng quân sự của Mỹ có thể tiếp cận năm địa điểm ở Philippines theo cái gọi là Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA).
Bà Searight nói thêm rằng Washington nên "thực hiện quyền tự do hoạt động hàng hải của mình một cách thường xuyên và nhất quán để thách thức những tuyên bố chủ quyền thái quá" của Trung Quốc ở Biển Đông.