Đường dẫn truy cập

Pháp bảo Nga: Chớ gây chiến, hãy xây dựng lòng tin


Ảnh phối hợp ngày 4/2/2022: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải).
Ảnh phối hợp ngày 4/2/2022: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lãnh đạo cao cấp của phương Tây đến thăm Moscow kể từ khi Nga bắt đầu tập trung quân trên biên giới với Ukraine, nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin lúc bắt đầu các cuộc thảo luận tại Điện Kremlin hôm 7/2 rằng ông tìm cách tránh chiến tranh và xây dựng lòng tin.

Ông Macron nói với Tổng thống Nga rằng ông đang tìm kiếm một phản hồi “hữu ích” “dĩ nhiên có thể cho phép chúng ta tránh chiến tranh và xây dựng lòng tin, ổn định, tầm nhìn.”

Ông Putin, về phần mình, nói Nga và Pháp chia sẻ “quan tâm chung về những gì đang xảy ra trong phạm vi an ninh tại châu Âu.”

Khi đến Nga, ông Macron nói với phóng viên: “Tôi lạc quan đúng mực nhưng tôi không tin có phép lạ ngay lập tức.”

Phát ngôn viên Điện Kremlin tuyên bố trước các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Nga-Pháp: “Tình hình quá phức tạp để có thể kỳ vọng những đột phá quyết định trong phạm vi chỉ một cuộc họp.”

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong lúc tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng đôi bên “đang làm việc chặt chẽ” để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nga điều động hơn 100 ngàn binh sĩ gần biên giới Ukraine nhưng phủ nhận có kế hoạch xâm chiếm. Nga nói sẵn sàng có biện pháp “kỹ thuật quân sự” nếu đòi hỏi an ninh không được đáp ứng, trong số đó có yêu cầu NATO không thu nạp Ukraine và cho rút bớt một số quân ra khỏi Đông Âu.

Mỹ bác các yêu sách đó nhưng nói sẵn sàng thảo luận về kiểm soát võ khí và các biện pháp xây dựng lòng tin.

Mỹ và đồng minh loại khả năng bảo vệ Ukraine bằng lực lượng quân sự nhưng cho hay sẽ đáp trả Nga bằng chế tài và tăng viện cho các nước NATO lân cận nếu Nga xâm chiếm Ukraine.

Tuần trước, ông Biden ra lệnh triển khai 3.000 quân Mỹ tại Ba Lan và Romani để bảo vệ tốt hơn sườn phía đông của NATO.

Đức ngày 7/2 loan báo sẽ triển khai 350 binh sĩ đến Lithuania để củng cố lực lượng chiến đấu của NATO tại đây.

Lãnh đạo các phần tử đòi ly khai tại đông Ukraine cảnh báo một cuộc chiến tranh toàn diện có thể bùng nổ tại đây và thúc đẩy Moscow gởi 30.000 quân để tăng cường cho lực lượng phiến quân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG