Sau khi những người có vũ trang giết chết 9 công dân Trung Quốc tại một mỏ vàng ở Cộng hòa Trung Phi vào tháng 3 năm nay, một đoạn video lan truyền trên internet nói rằng Pháp đã bí mật ra lệnh tấn công và lên kế hoạch hạ uy tín của nhóm lính đánh thuê Nga là Wagner ở nước này.
Trong video, một chiến binh nổi dậy của Cộng hòa Trung Phi nói rằng “người Pháp muốn đuổi Wagner ra khỏi châu Phi.”
Đoạn clip đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Paris tại một đơn vị giám sát truyền thông thuộc Bộ Ngoại giao được thành lập vào năm ngoái như một phần của chiến lược ngoại giao rộng lớn nhằm khôi phục mối quan hệ ở các thuộc địa châu Phi cũ của Pháp sau nhiều năm ảnh hưởng suy yếu.
Bộ Ngoại giao cho biết đơn vị này đã nhanh chóng lần theo dấu vết của video đến một nhóm tài khoản Facebook và Twitter có liên kết với thông tin xuyên tạc của Nga, bao gồm cả từ Wagner - một tổ chức thân cận với Điện Kremlin có quân đội ở Ukraine và đã chiến đấu theo phe một số chính phủ ở Châu Phi.
Hai nhà ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đoạn video là một ví dụ về chiến dịch gây ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga nhằm khuếch đại những lời chỉ trích nhắm vào Pháp và chứng tỏ Moscow là một đồng minh ở Trung và Tây Phi. Bộ phủ nhận bất kỳ vai trò nào của Pháp trong vụ tấn công mỏ vàng.
Wagner, Điện Kremlin và chính phủ Cộng hòa Trung Phi không hồi đáp yêu cầu bình luận về câu chuyện này. Thủ phạm của vụ tấn công vẫn chưa bị bắt và Reuters không thể xác định ai đứng sau vụ tấn công.
Các quan chức cho biết tuyên truyền của Nga đã tìm thấy mảnh đất màu mỡ ở châu Phi trong số những bất bình về thành tích can thiệp quân sự và ngoại giao nặng tay của Pháp trong nhiều thập niên.
Reuters đã nói chuyện với hơn một chục quan chức Pháp, những người này mô tả những nỗ lực ngày càng cấp bách của Pháp nhằm chống lại ảnh hưởng của Moscow, điều mà Paris tin rằng đang làm suy yếu nỗ lực ngoại giao lâu dài nhằm khắc phục quá khứ và cách nhìn nhận về quá khứ ở châu Phi.
Đơn vị giám sát truyền thông thuộc Bộ Ngoại giao Pháp phối hợp với cơ quan Cảnh giác và Bảo vệ chống Can thiệp Kỹ thuật số Nước ngoài (Viginum) của nhà nước Pháp, lập bản đồ khoảng 100 tài khoản có liên kết với Nga hoặc Wagner tạo nội dung chống Pháp, theo hai nhà ngoại giao tham gia vào sáng kiến và yêu cầu ẩn danh. Reuters không thể xác nhận độc lập chi tiết của các tài khoản đó.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna phát biểu trước quốc hội trong tháng này rằng tâm lý bài Pháp ở châu Phi có thể một phần là do “các chủ thể thù địch, đặc biệt là từ Nga.”
Nga và Wagner có thành tích thao túng truyền thông và thông tin xuyên tạc, điều mà người sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã thừa nhận. Liên hiệp châu Âu đã trừng phạt Wagner vào tháng 2 vì cáo buộc lạm dụng quyền và lan truyền thông tin xuyên tạc, bao gồm cả ở châu Phi.
Tuy nhiên, không phải tất cả tình cảm chống Pháp ở châu Phi đều có thể đổ lỗi cho Moscow. Các chiến dịch quân sự của Pháp đã gây ra cái chết cho dân thường và nhiều tài khoản mạng xã hội chỉ trích đã phản ánh những lo ngại thực sự về vai trò quá lớn của Pháp trong các vấn đề châu Phi.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Reuters ở Kinshasa rằng một số chỉ trích “là đúng” khi ông kết thúc chuyến công du Trung Phi kéo dài bốn ngày vào tháng 3 năm nay, đề cập đến cáo buộc rằng Pháp đã tiếp tục mang thái độ thực dân ngay cả sau khi Tây Phi giành được độc lập.
Vào tháng 5 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tố Pháp đã can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia châu Phi trong nhiều thập niên, lật đổ các nhà lãnh đạo mà nước này phản đối và xây dựng “một hệ thống ảnh hưởng kiểu thực dân mới.” Bà còn tuyên bố rằng Nga không can thiệp vào công việc của các nước khác.
Đơn vị giám sát phương tiện truyền thông mới khác với nỗ lực trước đây của Pháp mà Meta, chủ sở hữu Facebook, tiết lộ vào năm 2020, vốn chống trả trực tuyến các mạng liên kết với Wagner bằng tài khoản giả mạo.
Hai nhà ngoại giao cho biết đơn vị của Bộ Ngoại giao Pháp không quảng bá hoặc tung tin tức giả mạo.
Rút lui
Đơn vị giám sát truyền thông này nổi lên vào tháng 7 năm ngoái, cùng tháng mà Pháp rút hàng ngàn binh sĩ khỏi Mali, một thuộc địa cũ ở Tây Phi. Một cuộc rút quân tương tự diễn ra ở nước láng giềng Burkina Faso vào đầu năm nay - các bước này được thúc đẩy một phần bởi các cuộc đảo chính quân sự và sự hiện diện của lính đánh thuê Wagner trong khu vực.
Việc rút quân của là một thất bại đáng kể đối với ông Macron và củng cố sự hiện diện của Moscow vào thời điểm phương Tây đang tìm cách kiềm chế Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Nó cũng gây trở ngại cho những nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại quân nổi dậy Hồi giáo ở khu vực Sahel.
Theo hai nhà ngoại giao và bốn người khác, sau khi Pháp rút quân, nội dung chống Pháp trên các phương tiện truyền thông xã hội và ứng dụng nhắn tin vẫn tiếp tục: khuếch đại các video, hoạt hình và những hình ảnh hay bài viết thân Nga và đồng thời lan truyền những câu chuyện xuyên tạc hoặc sai sự thật.
Xu hướng này diễn ra đồng thời với việc các chính phủ quân sự mới ở Mali và Burkina Faso trục xuất các mạng lưới tin tức của Pháp và các phương tiện truyền thông địa phương có liên kết với Russia Today và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga bị trục xuất khỏi châu Âu sau cuộc xâm lược ở Ukraine. Cuộc chiến đã khơi lại những rạn nứt ngoại giao giữa phương Tây và Nga hiện diện ở châu Phi kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
“Tin giả”
Đoạn video sau vụ sát hại công dân Trung Quốc là một trong số khoảng 50 video kể từ tháng 11 năm ngoái khiến đơn vị giám sát truyền thông bận rộn xác định nguồn tài liệu, kiểm tra thực tế và phản hồi khi cần.
Nhấn mạnh quy mô của vấn đề, vào ngày 13 tháng 6, Pháp loan báo phát hiện ra một chiến dịch thông tin sai lệch hàng loạt có liên quan đến Nga nhắm vào Bộ Ngoại giao và truyền thông Pháp, liên quan đến một số tài khoản và tác nhân từng bị phát hiện trong các hoạt động giám sát của Pháp ở châu Phi. Nga đã không công khai phản hồi cáo buộc này.
Nhóm mới thành lập chia sẻ thông tin của mình với các tòa đại sứ, các bộ khác của Pháp, các cơ quan tình báo và cơ quan quản lý truyền thông của Pháp.
Đôi khi, nhóm xác định người dùng nào hoạt động tích cực nhất và đưa thông tin đến các công ty truyền thông xã hội bao gồm Facebook và Twitter, cảnh báo về những kẻ lừa đảo và tài khoản giả mạo, hai trong số các nhà ngoại giao cho biết.
Đôi khi, công việc của nhóm giúp nhà nước Pháp đáp ứng. Khi một video có tiêu đề “Sự sỉ nhục của Pháp” xuất hiện vào tháng 12 năm 2022 cho thấy một người đàn ông bị mô tả sai là đặc phái viên Pháp bị trục xuất khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, đơn vị đã chuẩn bị phản hồi từng điểm cho thấy người đàn ông đó không phải là nhà ngoại giao Pháp.
Vài ngày sau, tòa đại sứ Pháp tại Kinshasa đã đưa ra phản hồi trong một loạt tuyên bố với truyền thông trong và ngoài nước. Bà Anne-Sophie Ave, khi đó là đại sứ ngoại giao công chúng của Pháp tại châu Phi, đã phản ứng trên Twitter, gọi đó là “tin giả”: “Người đàn ông trong video không phải là đại sứ của chúng tôi tại Cộng hòa Dân chủ Congo.”
Ông Prigozhin
Đoạn video của Cộng hòa Trung Phi mang dấu ấn của các hoạt động được thực hiện bởi Dự án Lakhta, một chiến dịch gây ảnh hưởng của Nga được tài trợ bởi người sáng lập Wagner, Yevgeny Prigozhin, hai trong số các quan chức Pháp cho biết.
Ông Prigozhin nói vào tháng Hai là đã thành lập Cơ quan Nghiên cứu Internet, Dự án Lakhta, dùng Internet để can thiệp vào quan điểm chính trị nhằm chống lại cái mà ông gọi là tuyên truyền bài Nga của phương Tây.
Các quan chức cho biết video cáo buộc Pháp tham gia vào vụ sát hại công dân Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trên trang Facebook Sango Ti Be-Afrika.
Các quan chức cho biết Sango Ti Be-Afrika trước đây đã được Viginum xác định là đường dẫn cho thông tin xuyên tạc của Dự án Lakhta nhắm vào Pháp. Đoạn video sau đó được đăng trên Twitter bởi hai nhà phân tích quân sự, những người mà các quan chức mô tả là đại diện cho Dự án Lakhta và những người thường xuyên đăng nội dung ủng hộ Wagner.
Các tài liệu tình báo quân sự của Hoa Kỳ bị rò rỉ trực tuyến vào đầu năm nay tiết lộ rằng hồi tháng 2, một nhân viên của ông Prigozhin cũng đồng thời làm việc cho Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Faustin-Archange Touadera đã đề nghị một chiến dịch gây ảnh hưởng chống phương Tây ở nước này, nơi Nga hiện có gần 2.000 huấn luyện viên quân sự.
Reuters không thể xác định liệu chiến dịch đó có được thực hiện hay không. Chính phủ Trung Phi và ông Prigozhin không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Meta đã xóa Sango ti Be-Africa sau khi Reuters đặt câu hỏi về trang này. Meta cho biết trang này đã bị gỡ xuống theo các quy tắc chống tái phạm vì chủ sở hữu trước đó đã bị xóa khỏi nền tảng của họ.
Meta công bố các phúc trình về hành động của công ty chống lại các mạng cho thấy sự can thiệp của chính phủ. Năm nay công ty đã loại bỏ các mạng như vậy ở Burkina Faso và Togo. Vào năm 2020, Meta đã đình chỉ các mạng kết nối với các cá nhân có liên quan đến hoạt động trước đây của Cơ quan Nghiên cứu Internet, trước cuộc bầu cử ở Cộng hòa Trung Phi, theo một tuyên bố trên trang web của công ty.
“Vụng về”
Kể từ khi hoàn thành việc rút quân khỏi Mali vào năm 2022 và Burkina Faso vào năm 2023, và là một phần của nỗ lực ngoại giao mới, Pháp cho biết họ đã định hình lại sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực để áp dụng cách tiếp cận hợp tác hơn.
Pháp cũng đã thúc đẩy một kế hoạch hành động về kinh tế, văn hóa và xã hội được ông Macron thúc đẩy lần đầu tiên khi ông lên nắm quyền vào năm 2017, và đã lên tiếng về quy mô hỗ trợ, vốn vượt trội so với viện trợ của Nga.
Tuy nhiên, đơn vị của Bộ Ngoại giao và chiến lược rộng lớn hơn sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để thuyết phục người dân ở Châu Phi rằng nước Pháp đã thay đổi, bảy nhà phân tích và nhà ngoại giao cho biết.
Ông Jean Gaspard Ntoutoume Ayi, phó chủ tịch Liên minh Quốc gia, một đảng đối lập của Gabon, nói tại Libreville: “Tôi không nói rằng ông Macron kiêu ngạo đối với châu Phi, nhưng có rất nhiều điều vụng về.”
Các cuộc bầu cử ở Senegal vào năm 2024 và Bờ Biển Ngà vào năm 2025, sẽ thử thách tính hiệu quả của các sáng kiến mới, với nội dung truyền thông chống Pháp dự kiến sẽ tăng lên, các quan chức Bộ Ngoại giao cho biết.
Một quan chức Pháp tham gia vào chiến lược châu Phi nói: “Nếu mọi người không đồng ý, họ phải có quyền bày tỏ quan điểm của mình.”
“Bạn phải phân biệt đâu là tranh luận công khai và đâu là thao túng. Sau đó, bạn cần giải thích, giải thích, giải thích.”
Diễn đàn