Thính giả Huyền Nguyễn hỏi về phẫu thuật cườm mắt.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Phẫu thuật cườm mắt (Cataract surgery)
Câu hỏi vị thính giả đặt ra là sau khi đã phẫu thuật cườm mắt mà mắt mới mổ thấy rõ tương tự như mắt chưa mổ còn lại có nên hay có cần mổ mắt còn lại hay không.Tất nhiên là tôi không thể trả lời cho vị thính giả được vì đây là trường hợp cá biệt, tôi không phải bác sĩ chuyên khoa mắt, chúng ta không biết điều kiện mắt còn lại như thế nào, ngoài việc bịnh nhân cảm thấy hiện nay hai mắt thị lực gần như nhau, theo chủ quan của bịnh nhân. Những yếu tố khách quan về tình trạng mắt bên chưa mổ chỉ có bác sĩ của bịnh nhân mới biết được, do đó, trước hết lời khuyên đầu tiên là nên hỏi bác sĩ của mình.
Tuy nhiên chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề một cách tổng quát trên y văn chuyên môn để cùng nhau học hỏi thêm.
Trong bịnh cataract, hoặc cườm khô, có một vết đục trong thủy tinh thể của mắt (lens). Trong một cái máy chụp hình, nhìn vào phía trước, chúng ta thấy một thấu kính (camera lens) để cho ánh sáng đi vào phía sau và ánh sáng in hình lên phim hoặc trên màng phim tiếp nhận. Mắt chúng ta cũng tương tự như một cái máy chụp hình, ánh sáng cũng đi qua một bộ phận như một cái thấu kính, bộ phận đó là thủy tinh thể (lens). Lúc cườm khô (cataract) mới xuất hiện, người bịnh thường không thấy thay đổi gì trong khả năng mình trông thấy, nhưng từ từ theo thời gian, vết đục càng ngày càng ảnh hưởng tới thủy tinh thể mắt, làm cho người bịnh biết mắt mờ đi (blurred vision), hình thể sự vật bị méo mó, người bịnh xốn mắt, khó chịu lúc nhiều ánh sáng và dễ bị chóa mắt lúc nhìn vào một ngọn đèn (glare). Cataract không chữa bằng thuốc uống được. Các chữa duy nhất là giải phẫu (mổ), bằng cách lấy cái thuỷ tinh thể đã vẫn đục ra khỏi cái vỏ (capsule) chứa đựng nó và thay thế vào đó bằng một kính nhân tạo bằng plastic (silicone hay acrylic) (intraocular lens, IOL). IOL này đồng thời cho phép bịnh nhân trước đó bị cận thị nhìn xa rõ mà không cần mang thêm kính.
Báo y khoa BMJ có đăng một bài bình luận về vấn đề này (2012)(1). Đây cũng là một vấn đề thực tế cho nền y tế công cọng vì ở Anh, trên 300.000 phẫu thuật cườm khô được thực hiện, và trong đó 30-40% là phẫu thuật trên con mắt còn lại, nghĩa là không phải lúc nào người ta cũng mổ luôn 2 mắt. (Ở Mỹ, 3,6 triệu cuộc giải phẫu/năm). Đây là một chi phí lớn cho nền y tế của một xứ (ở đây là Anh quốc), cho nên câu hỏi đặt ra là mổ mắt thứ 2 có lợi gì và lúc nào thì có lợi. Và có lẽ, đối với bịnh nhân cũng còn quan trọng hơn nữa.
Theo Bác sĩ Tan và cọng sự (2), sau khi nghiên cứu 3225 người (người Mã Lai ở Singapore) từng được mổ cườm khô mắt, chỉ những trường hợp có cườm khô đáng kể trong mắt còn lại, hay thị lực trong mắt còn lại kém cỏi thì việc mổ cả hai bên mới có lợi đứng về phương diện cơ năng thị giác nói chung được cải thiện (bilateral cataract surgery is associated with greater visual functioning over unilateral cataract surgery only when the fellow eye has significant cataract or poor presenting visual acuity.). Có nghĩa là người ta chỉ cần mổ bên mắt còn lại lúc mắt bên đó "yếu" đáng kể; nhưng thế nào là đáng kể cũng tuỳ theo nhu cầu bịnh nhân cũng như cách đánh giá của bác sĩ mắt. Ví dụ hiện nay, người bịnh nhân ở Mỹ hay ở Anh đòi hỏi một thị giác hoàn hảo hơn trước đây, hay so với những xứ như Ấn độ hay Mã Lai. Một trong những yếu tố xã hội quan trọng là người già lái xe nhiều hơn; ở Anh gần 80% người 60-70 tuổi có bằng lái xe không hạn chế, và trên 50% người trên 70 tuổi còn có bằng lái xe; trong 2 thập kỷ vừa qua, số các phụ nữ lớn tuổi lái xe tăng gấp đôi ở Anh. Ngoài ra chúng ta cũng nên nhắc đến những nhu cầu như dùng máy điện thoại thông minh có khung hình nhỏ, máy truyền hình màu sinh động cần có thị lực tốt thì mới thưởng thức đúng mức. Cườm khô cũng có thể che phần phía sau của mắt (vd võng mô) làm bác sĩ khó theo dõi một số bịnh lý của mắt.
Sau khi mổ một mắt rồi, hai mắt sẽ không có thị lực đồng đều như trước (anisometropia), một bên có thể thấy xa (viễn thị) hay cận thị hơn, làm cho bịnh nhân khó ước tính chiều sâu (nhìn 3 chiều, 3D vision), sự vật bên này nhỏ hơn bên kia, thấy một thành hai (double vision), đi có thể dễ vấp té lúc lên xuống cầu thang (problem with depth vision), thấy chóng mặt. Cần nhờ bs chuyên về mắt khám và điều chỉnh contact lens hay kính đeo nếu không mổ mắt bên kia.
Vì thấu kính nhân tạo không thích ứng xa gần được, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể chọn thấu kính IOL khác nhau một chút cho mỗi mắt, một bên nhìn gần, xem TV, computer, mắt kia để nhìn xa.
Tóm lại, nếu muốn, bịnh nhân nên hỏi lại bác sĩ chuyên khoa của mình về tình trạng mắt chưa mổ và xin bs cho biết lợi hại như thế nào của việc giải phẫu trên mắt đó.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 23 tháng 5, 2017
1)Cataract Surgery: One Eye or Both Eyes?
Br J Ophthalmol. 2012 Jun;96(6):846-51. doi: 10.1136/bjophthalmol-2011-301233. Epub 2012 Mar 9.
2)The impact of bilateral or unilateral cataract surgery on visual functioning: when does second eye cataract surgery benefit patients?
Tan AC1, Tay WT, Zheng YF, Tan AG, Wang JJ, Mitchell P, Wong TY, Lamoureux EL.
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.