Năm rồi được xem là một năm đầy sự kiện đối với tờ báo mạng hướng tới độc giả trẻ tại Việt Nam, nhất là sau khi Nguyễn Tiến Trung bị tuyên án 7 năm tù vì các hoạt động cổ võ cho dân chủ và đa đảng tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, tờ báo trẻ ngoài tầm kiểm duyệt của nhà nước này có những hoạt động nào đáng chú ý và hướng phát triển sắp tới của họ ra sao?
Đó là nội dung câu chuyện với những người bạn mới trong chương trình hôm nay. Bây giờ, mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ 3 người phụ trách của Phía Trước là Tổng biên tập Việt Quốc ở Pháp, Phó Tổng biên tập Thụy Nhu đang học tập tại Mỹ, và một cộng tác viên thường trực từ Việt Nam với bút danh Ngọc Cầm:
Thụy Du: Năm qua, có thể nói là một năm phát triển mạnh mẽ và cũng là một năm hạn của Phía Trước. Tháng 8 vừa qua, Phía Trước bị tin tặc tấn công dồn dập, đánh phá trang blog và trang web.
Trà Mi: Nhu vừa nói là năm qua Tạp chí Phía Trước cũng có nhiều điều đáng khích lệ. Những điểm khởi sắc đó là gì, mong anh Quốc chia sẻ thêm.
Việt Quốc: Ngoài 12 số tức mỗi tháng 1 số, năm qua, Phía Trước đã cố gắng đưa ra 2 phụ trương đặc biệt. Một nói về chủ đề Thiên An Môn, và một nói về các trường đại học lớn ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu học hỏi, thông tin của thanh niên.
Trà Mi: Về nội dung 12 số trong năm qua có cải tiến phần nào đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn. Nội dung có gì thay đổi không, so với những năm trước đây. Xin mời Cầm.
Ngọc Cầm: Mình mới tham gia với Phía Trước 1 năm nay, mình đảm nhận các chuyên mục, các bài viết ở trong nước. Hiện tại Phía Trước đang tiếp cận gần hơn với các sự kiện trong nước, phản ánh tâm tư, quan điểm của người trẻ Việt Nam về chính trị và về đời sống.
Trà Mi: Cầm hiện ở Việt Nam. Bằng cách nào bạn biết đến Tạp chí Phía Trước từ trong nước?
Ngọc Cầm: Hiện mình đang làm việc trong lĩnh vực báo chí và truyền hình. Mình biết đến Phía Trước qua những trang blog, những trang báo điện tử, và sự giới thiệu của một số bạn trong Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Mỗi tháng mình gửi bài một lần. Cũng có một số bạn bè của mình cũng tham gia viết bài giúp mình, nhưng vì nhiều lý do tế nhị nên các bạn không thể tiết lộ danh tính.
Thụy Nhu: Các ngòi bút trong nước có thể đưa các thông tin mà họ cảm thấy bức xúc mà bị cấm đoán trong nước. Những thông tin chính trị, vấn đề tham nhũng, lạm quyền, tự do tôn giáo, hay những chủ đề như lạm phát gần đây.
Việt Quốc: Phía Trước là một hoạt động của Tập hợp Thanh niên Dân chủ, nhưng ban biên tập hoàn toàn độc lập. Điểm đặc biệt của Phía Trước là đều do anh em đóng góp trên tinh thần tự nguyện.
Thụy Nhu: Mong độc giả, cộng tác viên gửi bài đến Phía Trước qua địa chỉ: contact.phiatruoc@gmail.com.
Trà Mi: Điểm đáng chú ý để đánh giá tờ báo của mình có gần gũi độc giả hay không là con số. Số lượng độc giả đến với Phía Trước trong năm qua so với các năm trước có gì khích lệ không?
Thụy Nhu: Mỗi tháng trang blog và trang web của Phía Trước có tới hàng chục ngàn người thăm. Số email thì lên đến vài trăm ngàn. Độc giả gửi phản biện về rất nhiều.
Trà Mi: Số email này chủ yếu xuất phát từ Việt Nam hay từ các nơi khác trên thế giới?
Thụy Nhu: 85% là những email trong nước, của những bạn trẻ, học sinh-sinh viên đăng ký qua trang web Phía Trước. Ngoài ra cũng có một số email gửi từ nước ngoài.
Trà Mi: Mình vừa điểm qua một số điểm nổi bật của Tạp chí Phía Trước trong năm qua. Nhưng nếu nhìn lại thời điểm ra mắt 3 năm trước so với bây giờ, các bạn nhìn thấy có bước đột phá nào muốn chia sẻ không?
Thụy Nhu: Bước đột phá gần đây là đến gần với độc giả trong nước hơn. Sắp tới, Phía Trước sẽ phát triển đội ngũ trong nước hơn, sẽ có đội ngũ cộng tác viên chuyên viết về mảng chính trị-xã hội. Sắp tới, Phía Trước sẽ giới thiệu đến bạn độc những bài viết chuyên về sinh viên-học sinh.
Trà Mi: Phần đông, tại Việt Nam, những tờ báo hải ngoại thường bị cho là những tờ báo trái chiều, phản động, chống phá nhà nước. Là một người trong nước đến với tạp chí Phía Trước, Cầm có ý kiến như thế nào?
Ngọc Cầm: Thật ra, bọn mình hoàn toàn có ý góp ý xây dựng, chứ không hề có ý chống phá. Mình đến với Phía Trước là để phản ánh hiện trạng trong nước hiện nay, và Phía Trước là một sự phản ánh rất dân chủ.
Thụy Nhu: Những điều mới lạ chưa hẳn là sai, là đi ngược lại lợi ích của độc giả, đặc biệt là những độc giả trong nước.
Việt Quốc: Phía Trước dựa trên tinh thần xây dựng, tôn trọng lẫn nhau. Các bạn có thể xem, download bài vở của Phía Trước, sẽ đưa ra nhận định đúng về tạp chí.
Trà Mi: Sắp tới, các bạn có kế hoạch gì để thu hút hơn độc giả tại Việt Nam, cũng như làm cho tờ báo của mình gần gũi hơn với độc giả trẻ trong nước?
Việt Quốc: Mục tiêu của Phía Trước là sẽ phát hành báo giấy tại Việt Nam. Để đạt được điều đó, ban biên tập của tờ báo đã tự trang bị thêm cho mình bằng cách theo học các khóa về quản trị kinh doanh, thiết kế mỹ thuật… Hy vọng thời gian tới, Phía Trước sẽ có được nhiều cộng tác viên là phóng viên chuyên nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài.
Thụy Nhu: Sắp tới, Phía Trước sẽ phát triển thêm một trang web mới dành cho những bạn độc gửi bài nhưng không đăng tải được trên các số báo hằng tháng vì số lượng quá nhiều.
Trà Mi: Hồi nãy Nhu có nói năm qua Phía Trước bị tin tặc tấn công. Các bạn có tìm hiểu nguyên nhân của sự tấn công này không?
Việt Quốc: Website của Phía Trước bị đánh ngày 8/8/09. Tin tặc đã chuyển server, máy chủ, sang qua một máy ở Trung Quốc. Rõ ràng tin tặc Việt Nam hoặc Trung Quốc đã thực hiện việc này. Lý do cũng dễ hiểu vì họ không muốn mình đưa những thông tin trung thực đến độc giả Việt Nam.
Ngọc Cầm: Thật ra hiện tượng này xuất hiện rất nhiều với các trang web ở Việt Nam. Ví dụ như trang bauxite Tây Nguyên liên tiếp bị tin tặc tấn công. Bất kỳ trang web nào đưa ra các thông tin chân thực đều bị tình trạng như vậy.
Trà Mi: Các bạn nói nội dung chủ yếu của Tạp chí Phía Trước thiêng về các thông tin về dân chủ, chính trị. Đối với giới trẻ ở Việt Nam, nhiều người e ngại, không muốn nhắc tới, không muốn tìm hiểu các lĩnh vực này vì cho là nhạy cảm.
Ngọc Cầm: Đúng. Các bạn trẻ trong nước nói về các vấn đề này rất nhiều, nhưng chỉ ở những quán trà đá vỉa hè. Họ cũng bộc lộ phẫn nộ nhưng để đứng lên làm một việc gì đấy thì họ rất e ngại. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà báo sẵn sàng bỏ cả công việc để thực hiện niềm đam mê của mình, để nói lên những điều cần nói. Ví dụ như phóng viên Đoan Trang, dù đang làm báo trong nước, nhưng vẫn dám đưa các thông tin về Hoàng Sa-Trường Sa để phản ánh ý nghĩ của mình. Hoặc như các bác nhà văn, trí thức, học giả như Phạm Toàn, Nguyễn Huệ Chi… Tức là bên cạnh những người rất e ngại, vẫn có những người sẵn sàng “tử vì đạo”.
Trà Mi: Và bạn nằm trong số đó?
Ngọc Cầm: Mình không dám nhận như vậy. Ví dụ như trường hợp của anh Nguyễn Tiến Trung. Đấy, chẳng phải các bạn trẻ không quan tâm đến vấn đề chính trị đâu. Có đấy, nhưng vì do rất nhiều áp lực.
Trà Mi: Riêng Cầm, điều gì đã giúp bạn vượt qua những nỗi sợ hãi chung đó?
Ngọc Cầm: Mình nghĩ, một người cầm bút, trước tiên phải viết những điều mình suy nghĩ, đúng với những gì mình tâm niệm. Không đăng được trong nước thì đăng ở nước ngoài. Không gửi báo được thì có thể gửi lên mạng. Phía Trước là một tờ báo phản ánh đúng ý nghĩa của “dân chủ”, là một diễn đàn đưa ra thông tin nhiều chiều, không thiên kiến. Viết cho Phía Trước, mình được tự do đưa ra thông tin và quan điểm so với báo chí trong nước, chứ phản ánh chính trị mà phải vừa viết, vừa lách thì mệt lắm.
Trà Mi: Vượt qua những nỗi sợ hãi đó để tự do bày tỏ quan điểm của mình đem lại cho mình những lợi ích như thế nào?
Ngọc Cầm: Với mình, lợi ích đầu tiên là cảm thấy tâm của mình nhẹ nhàng, không phải đau đầu về một sự thật mình biết mà không thể nói với ai. Thứ hai, mình có thể nói cho rất nhiều người biết về sự thật đó. Bằng ngòi bút của mình có thể cải thiện, thay đổi xã hội được tốt đẹp hơn. Mình hy vọng là như vậy.
Trà Mi: Nếu như có ý kiến cho rằng không nói lên những điều mắt thấy tai nghe, phản ánh sự thật xã hội thì có lẽ cũng đau đầu đấy, nhưng khi bày tỏ quan điểm rồi, liệu chăng nó không đem lại cho mình những sự đau đầu hơn thế nữa?
Ngọc Cầm: Bản thân mình cảm thấy thoải mái quan trọng hơn những đau khổ về mặt đời sống. Dân tộc mình đã trải qua quá nhiều mất mát, đau thương rồi.
Trà Mi: Lúc nãy, Cầm có nhắc tới Trung, người sáng lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Tập hợp sắp kỷ niệm sinh nhật lần thứ tư. Xin hỏi thăm Tập hợp của các bạn hiện nay ra sao khi vắng bóng lãnh đạo của mình?
Thụy Nhu: Việc này đã gây hoang mang cho một số thành viên, bạn trẻ trong nước. Tuy nhiên, nó không ngăn cản được các bạn trẻ đến với Tập hợp để bày tỏ những trăn trở, suy tư của họ. Qua sự kiện này, Tập hợp đã được quảng bá rộng rãi trong nước. Người trí thức họ nhận rõ đâu là sự thật.
Trà Mi: Mình nhớ những năm đầu thành lập, Tập hợp đã tạo được tiếng vang và sự chú ý qua các phong trào như Marathon Nối vòng tay lớn hay những chiến dịch vận động chính giới các nước, kêu gọi dân chủ cho Việt Nam mà Nguyễn Tiến Trung là người tích cực đề xướng, tham gia. Thế nhưng, kể từ khi Trung về nước, Tập hợp hơi im ắng. Điều này có thể hiểu như thế nào?
Thụy Nhu: Nói chung, phong trào dân chủ Việt Nam trong những năm qua gặp một số khó khăn, và Tập hợp cũng gặp một số khó khăn rất lớn. Thời gian qua, Tập hợp cố gắng vận động cho Trung. Tuy hoạt động không nhiều như những năm trước nhưng Tập hợp vẫn hoạt động.
Trà Mi: Nhưng không thấy Tập hợp có các sinh hoạt cụ thể, chiến dịch cụ thể hướng tới mục tiêu cổ võ dân chủ cho Việt Nam như trước đây nữa kể từ khi Trung về nước, một số người thắc mắc rằng phải chăng do dàn nhạc của Tập hợp thiếu người nhạc trưởng nên không mấy sôi nổi như trước?
Thụy Nhu: Cũng có một phần, nhưng Tập hợp đang cố gắng dồn sức vào cho mọi người không quên Trung, và rằng những việc Trung làm hoàn toàn là vì dân tộc, vì thanh niên tuổi trẻ, vì tương lai của Việt Nam.
Việt Quốc: Bây giờ muốn hoạt động tự chủ độc lập, cần phải gầy dựng cơ sở vững mạnh, tức phải có nhiều thành viên. Đó là công việc mà hiện nay ban đại diện đang tập trung.
Trà Mi: Bản án vừa rồi của Trung có là một bài học cho các bạn?
Thụy Nhu: Việc của Trung chứng tỏ nhà nước e ngại việc tuổi trẻ dám nói lên sự thật cho dân trong nước biết. Nó không phản ánh một xã hội pháp trị, công minh, văn minh như Việt Nam từng tuyên bố xưa nay.
Trà Mi: Nhưng người lãnh đạo của Tập hợp bị lãnh bản án như thế, bị trừng trị về các hoạt động của anh ta như thế, các thành viên trong Tập hợp có coi đây là một bài học răn đe với mình hay không?
Việt Quốc: Có thể lá cờ đó bị buông xuống, thì mình và những bạn khác cần phải tiếp tục cầm ngọn cờ đó để tiến lên.
Ngọc Cầm: Việc của anh Trung không làm cho những người đã sẵn sàng tham gia hoạt động dân chủ này có chút e ngại nào. Nó cho mình một kinh nghiệm. Đó là nên tính toán về việc hoạt động như thế nào tại Việt Nam để đạt được hiệu quả. Kể cả việc mình có phải đi tù thì việc đó cũng phải có tác động lớn đối với công luận và gây ra hiệu quả gì đấy.
Thụy Nhu: Có lẽ từ “chính trị” đã bị những người trong nước xa xỉ hóa, vì cho rằng chính trị là lĩnh vực nhạy cảm mà dân thường không được quyền nhắc tới. Nhưng đối với các anh em trong Tập hợp và trong Phía Trước, từ “chính trị” đơn giản chỉ nói lên quyền lợi của mình, của dân tộc mình, không có gì sai cả, kể cả những việc Trung đã làm. Tập hợp thấy rằng trong tương lai, mà gần đây cũng đã có, các bạn trẻ Việt Nam mạnh dạn nói lên những suy nghĩ, trăn trở về đất nước trước hiện trạng ngày nay.
Trà Mi: Cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian cho VOA trong buổi nói chuyện này.
Tạp chí Thanh Niên xin chia tay với quý vị tại đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình tuần sau.
Một tờ báo điện tử độc lập của giới trẻ Việt Nam được nhiều người biết đến do các bạn du học sinh thành lập vừa kỷ niệm đúng 3 năm ngày phát hành số đầu tiên. Tạp chí Phía Trước, sân chơi chung của thanh niên-học sinh-sinh viên, là nơi quy tụ các bài viết của những ngòi bút trẻ cả trong và ngoài nước quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội, và dân chủ tại Việt Nam. Các bạn nào đã nghe nói tới Tập hợp Thanh niên Dân chủ do cựu du học sinh Nguyễn Tiến Trung thành lập tại Pháp thì hẳn có biết đến Tạp chí Phía Trước, vì một số thành viên nồng cốt của Phía Trước cũng là thành viên trong Tập hợp.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1