Philippines sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ, Nhật và Úc, giữa lúc bốn nước tăng cường quan hệ quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai nguồn tin ngoại giao cho AFP biết hôm 4/4.
Cuộc tập trận sẽ được tổ chức vào ngày 7/4 tại Biển Đông tranh chấp– nơi mà Bắc Kinh gần như tuyên bố chủ quyền hoàn toàn – vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên với các nhà lãnh đạo Philippines và Nhật Bản.
Các nguồn tin ngoại giao chia sẻ thông tin với điều kiện giấu tên vì cuộc tập trận vẫn chưa được công bố chính thức.
Đầu tuần này, tàu chiến HMAS Warramunga của Úc đã đến tỉnh đảo Palawan của Philippines, địa điểm vốn đối diện Biển Đông.
Quân đội Philippines nói chuyến thăm này “nhằm tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia đối tác”.
Căng thẳng khu vực đã leo thang trong năm qua khi Trung Quốc ngày càng tự tin khẳng định các yêu sách của mình đối với các vùng biển mà Philippines và Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.
Để đáp lại, Mỹ đã tìm cách tăng cường liên minh trong khu vực, bao gồm cả với các đồng minh hiệp ước Nhật Bản và Philippines.
Hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào ngày 11 tháng 4 của ông Biden với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tòa Bạch Ốc sẽ là hội nghị mới nhất trong một loạt cuộc gặp với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Biden cũng sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương riêng với ông Marcos và ông Kishida.
Một nguồn tin ngoại giao nói với AFP rằng các cuộc tuần tra chung giữa lực lượng tuần duyên Mỹ, Nhật Bản và Philippines dự kiến sẽ được công bố trong hội nghị thượng đỉnh, sau khi cuộc tập trận chung lần đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái.
‘Sắt đá’
Cuộc tập trận và hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau các cuộc đối đầu liên tục giữa các tàu Trung Quốc và Philippines gần các rạn san hô tranh chấp ngoài khơi Philippines trong những tháng gần đây.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố cam kết “sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines trước một cuộc tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã xấu đi dưới thời ông Marcos, người có lập trường mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm Rodrigo Duterte trước các hành động của Trung Quốc trên biển.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn hải lộ này, nơi hàng nghìn tỷ đô la thương mại đi qua hàng năm, bất chấp tuyên bố của các quốc gia khác và bất chấp phán quyết quốc tế rằng tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Ông Marcos đã đưa ra một tuyên bố có lời lẽ mạnh mẽ vào ngày 28/3, cam kết Philippines sẽ không bị Trung Quốc “làm cho im lặng, khuất phục hoặc vâng lời”.
Ông cũng nói Philippines sẽ phản ứng với các sự kiện gần đây bằng các biện pháp đối phó “tương xứng, có chủ ý và hợp lý”.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Philippines và Nhật Bản về một hiệp ước quốc phòng cho phép hai bên triển khai quân trên lãnh thổ của nhau “đang diễn ra”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói với các phóng viên hôm 4/4.
Manila đã có thỏa thuận tương tự với Úc và Mỹ.
Diễn đàn