Một nước Trung Quốc phẫn nộ và một nước Philippines hân hoan đang nhắm tới việc mở đàm phán chính thức, một ngày sau khi Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc bác bỏ căn cứ pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đang trong vòng tranh chấp.
Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị châm biếm phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc, bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, đòi chủ quyền tới 95% diện tích Biển Đông, một vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông phong phú hải sản và tài nguyên như dầu và khí đốt, và cũng là một tuyến hàng hải quan trọng cho thương thuyền qua lại.
Mặc dù vậy, ông Vương cũng đánh tiếng rằng ông muốn có đối thoại. Khuya hôm thứ Ba, Ngoại Trưởng Trung Quốc nói:
“Bây giờ trò hề đã qua, giờ là lúc chúng ta nên quay lại con đường ngay. Phía Trung Quốc nhận thấy rằng tân chính phủ Philippines hồi gần đây đã đưa ra một loạt tuyên bố, kể cả những phát biểu cho thấy họ sẵn sàng tái tục thương thuyết và đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.”
Các giới chức Mỹ khuyến khích đối thoại về vấn đề Biển Đông và đang hướng tới một cuộc họp khu vực của ASEAN trong tháng 7 này, nơi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể sẽ họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề đa phương và chiến lược, Colin Willett, ngày 13/7 cho đài VOA biết cuộc họp ASEAN sắp tới sẽ tạo cơ hội cho các nước vạch ra ‘con đường tiến tới phía trước.’
Hướng tới hòa bình hay xung đột?
Một cựu tư lệnh Mỹ ngày 13/7 nhấn mạnh với giới lập pháp Hoa Kỳ rằng phán quyết của tòa trọng tài đã cung cấp nền tảng pháp lý rõ ràng để Washington đưa ra lập trường về tranh chấp Biển Đông. Ông Dennis Blair, cựu tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đề nghị Washington nên tuyên bố sẵn sàng dùng lực lượng quân sự để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại các thực thể đất đai tranh chấp ngoài khơi bờ biển Philippines.
Ông Blair nói với Tiểu ban Đối ngoại của Thượng viện lo về Đông Á, Thái Bình Dương, và Chính sách An ninh mạng Quốc tế rằng: “Hãy nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ hậu thuẫn Philippines chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại đó, và nếu cần, bằng sức mạnh quân sự.”
Tại Tòa Bạch Ốc hôm 13/7, phát ngôn nhân Josh Earnest nhấn mạnh rằng Mỹ cổ súy giải pháp ôn hòa cho tranh chấp thông qua ngoại giao. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng đây không phải là một điểm uốn hướng tới mâu thuẫn sâu hơn.”
Đàm phán đa phương hay song phương?
Một bất đồng lâu nay giữa các nước trong vùng là tham gia đàm phán Biển Đông như thế nào. Đa phần các nước, trong đó có Philippines, thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương thông qua ASEAN hay một tổ chức tương tự để giải quyết mọi tuyên bố tranh chấp chủ quyền.
Bắc Kinh từ lâu vẫn nói họ muốn mở các cuộc đàm phán song phương, tay đôi với từng nước một.
Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nhậm chức vào ngày 30/6, từng nói rằng ông muốn thương thuyết tay đôi với Trung Quốc, bất chấp thái độ cứng rắn của ông trong một cuộc vận động tranh cử được đánh dấu bằng những lời lẽ thô tục và những hứa hẹn.
Đối thoại có thể giúp đẩy lùi mối đe dọa chiến tranh và giúp cho các vùng biển giữa hai nước trở nên an toàn hơn cho các hoạt động thương mại của cả hai nước, đặc biệt cho ngư dân Philippines. Giải pháp này cũng giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh của mình như một nước ỷ lớn hiếp bé trong cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài 4 thập niên nay, dưới con mắt của mọi người từ Châu Á cho tới Hoa Kỳ.
Tuy nhiên một số người Philippines bày tỏ lo sợ rằng Trung Quốc có thể thách thức phán quyết của toà và gây khó khăn hơn cho các tàu đánh cá Philippines trong các vùng biển đang tranh chấp. Những quan ngại ấy trao thêm quyền cho giải pháp mở đàm phán với Bắc Kinh.
Ông Jay Batongbacal, Giám Đốc Viện Nghiên cứu Hàng Hải và Luật Biển tại Đại học Philippines nói: “Rõ ràng chính phủ của ông Duterte sẽ tìm cách thương thuyết với Trung Quốc để đạt một giải pháp hữu nghị nào đó.”
Ông nói thêm rằng người Philippines đã giang tay đề nghị hoà bình, mục đích có lẽ là để Trung Quốc trở lại bàn đàm phán để thảo luận về cuộc tranh chấp.
Theo ông Batongbacal, công chúng Philippines rõ ràng trông đợi họ thắng kiện, và họ cũng trông đợi chính phủ của họ phải có một lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Giới phân tích nhận định Trung Quốc giờ đang lâm vào thế kẹt giữa việc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trong vụ tranh chấp Biển Đông hoặc, tìm một đường lối ngoại giao để thoát khỏi tình trạng bế tắc về vấn đề này với cộng đồng quốc tế.
Lập trường quá cứng rắn, chẳng hạn như tuyên bố một khu nhận dạng phòng không- ADIZ sẽ phương hại tới hình ảnh vốn đã xấu của Trung Quốc trên khắp Châu Á, khu vực trong đó Trung Quốc muốn trở thành một nước láng giềng tốt.
Trả lời câu hỏi của Đài VOA qua email, ông Tang Siew Mun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak, nói: “Có phần chắc Trung Quốc sẽ biểu dương lực lượng để khẳng định chủ quyền của họ, nhưng những biện pháp ấy chỉ làm cho hình ảnh rất xấu của Trung Quốc càng trở nên xấu xí hơn nữa.”