Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và bộ trưởng ngoại giao của ông hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm thứ Bảy. Manila và Bắc Kinh cam kết hợp tác để giải quyết những khác biệt hàng hải của họ ở Biển Đông.
Cuộc hội đàm giữa các quan chức chủ chốt của hai nước tại Manila là cuộc gặp mới nhất trong một loạt cuộc gặp cao cấp của Philippines với các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc khi hai nước siêu cường này tranh giành lợi thế chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
"Về các cuộc xung đột, chúng tôi đã đồng ý lập thêm các đường dây liên lạc để bất cứ sự kiện nào xảy ra ở Biển Tây Philippines liên quan đến Trung Quốc và Philippines đều có thể được giải quyết ngay lập tức," ông Marcos nói trong một phát biểu. Ông nhắc đến một phần của Biển Đông mà nước này gọi là Biển Tây Philippines.
Ông Marcos nói chuyến thăm của ông Tần giúp ích cho việc đàm phán suôn sẻ và tiếp tục nỗ lực để phát triển mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Ông Tần và người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo, thảo luận quan điểm về các vấn đề chiến lược và khu vực trong các cuộc hội đàm song phương bắt đầu trước đó vào ngày thứ Bảy.
Khi bắt đầu hội đàm, ông Tần nói hai nước cần hợp tác để tiếp tục truyền thống hữu nghị, tăng cường hợp tác và giải quyết thỏa đáng những khác biệt. Ông nói thêm rằng làm việc cùng nhau sẽ giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Ông Manalo tái khẳng định Philippines tuân thủ Chính sách Một Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lo ngại về căng thẳng leo thang ở Eo biển Đài Loan.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines tuần trước đã gây xôn xao dư luận khi cáo buộc quốc gia Đông Nam Á này "khơi lên ngọn lửa" căng thẳng khu vực bằng cách mở rộng khả năng tiếp cận căn cứ quân sự cho Mỹ, nước mà ông cáo buộc can thiệp.
Philippines trong tháng này đã công bố vị trí của bốn căn cứ quân sự bổ sung của Mỹ, ba trong số đó hướng về phía Đài Loan, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Bộ trưởng ngoại giao Philippines nói quan hệ với Bắc Kinh không phải chỉ là những khác biệt của hai nước về Biển Đông, nơi có khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu trị giá khoảng 3 ngàn tỉ đôla qua lại hàng năm và được cho là giàu tài nguyên khoáng sản và dầu khí.
“Những khác biệt này không nên ngăn cản chúng ta tìm cách quản lý chúng một cách hữu hiệu, đặc biệt là đối với việc người dân Philippines mà cụ thể là ngư dân được hưởng các quyền của mình,” ông Manalo nói, đồng thời cho biết thêm rằng sinh kế của họ đang bị ảnh hưởng bởi những sự cố và hành động trên tuyến đường thủy này.
Kể từ khi ông Marcos nhậm chức vào tháng 6 năm ngoái, Philippines đã đệ trình hàng chục công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc và điều mà họ gọi là "các hành động hung hăng" của Trung Quốc trên thủy lộ chiến lược này.
Ông Marcos chuẩn bị hội kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào tháng 5, vài ngày sau khi hơn 17.000 binh sĩ Philippines và Mỹ hoàn thành cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Đông Nam Á này, thu hút sự chỉ trích từ Bắc Kinh.
Diễn đàn