Đường dẫn truy cập

Phim ‘Nailed It’ và giấc mơ Mỹ xuyên thế hệ của người Việt


Hình trong trailer của phim tài liệu Nailed It. Photo World Channel.
Hình trong trailer của phim tài liệu Nailed It. Photo World Channel.

  • Có bao nhiêu người trong gia đình anh làm nghề nail?
  • Hiện nay có tới 36 người.

Đó là đoạn đối thoại mở đầu trong phim tài liệu Nailed It, một cuốn phim về ngành làm móng tay chân, thường gọi là “làm nail,” của cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ. Các nhà làm phim nói với VOA rằng Nailed It đã truyền thêm sức sống và lòng khát khao về giấc mơ Mỹ truyền thống, mang thông điệp xuyên thế hệ từ những câu chuyện của 20 phụ nữ Việt tiên phong trong lịch sử ngành ‘nail’ từ năm 1975 đến cuộc sống đời thực đầy tình người, đậm chất nhân văn ngay từ bên trong tiệm nail.

Đạo diễn Adele Free Phạm ở bang New York, một nhà làm phim tài liệu có cha là một người gốc Việt, lý giải với VOA vì sao cô làm cuốn phim này.

“Tất cả các tiệm nail châu Á mà tôi biết đều là của người Việt và tôi nhận thấy chưa có phương tiện truyền thông nào đề cập hay phản ứng hiện tượng này. Điều đó khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu và đưa vào thể loại phim tài liệu. Và khi tôi bắt đầu tìm tòi thì càng có nhiều cung bậc thú vị được ghi nhận trong phim.”

Câu chuyện tại làng Hy Vọng

Phim kể lại cuộc hội ngộ sau gần 4 thập kỷ của nữ diễn viên Mỹ Tippi Hedren và 20 phụ nữ người Việt, phần đông là phu nhân của các tướng lĩnh trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, những người tiên phong đã gầy dựng ngành làm nail mà cho tới nay có trị giá lên đến 8 tỷ đôla ở Hoa Kỳ.

Adele nói thêm:

“Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Tippi Hedren làm công tác thiện nguyện tại các trại tị nạn và gặp một nhóm 20 phụ nữ Việt Nam mới từ Việt Nam sang sau biến cố 30/4/1975. Bà tìm cách giúp họ bằng việc hướng dẫn họ nghề làm móng vào mỗi tuần và tư vấn cho họ cách kiếm tiền nơi đất khách quê người. Bà tổ chức khóa học làm móng, giúp họ có chứng chỉ hành nghề trước khi rời khỏi tại tị nạn, và thế là các phụ nữ này có thể hái ra tiền, có cuộc sống đổi đời từ nghề làm nail.”

Diễn viên Mỹ Tippi Hedren và 20 phụ nữ Việt Nam đầu tiên học nghề làm móng ở bang California, năm 1975. Photo World Channel.
Diễn viên Mỹ Tippi Hedren và 20 phụ nữ Việt Nam đầu tiên học nghề làm móng ở bang California, năm 1975. Photo World Channel.

Trong phim, bà Thuần Lê, một trong 20 phụ nữ gốc Việt tiên khởi ngành nail, nói về câu chuyện tại làng Hy vọng ở bắc California năm 1975.

“Tại trại tị nạn gọi là Hy Vọng, nhóm chúng tôi không biết phải làm gì để kiếm sống. Rồi bà Tippin nói rằng: tôi có một công việc dành cho các chị.”

Trang Next Shark trích lời bà Hedren, diễn viên nổi tiếng qua phim ‘The Birds,’ năm nay đã tuổi gần 90, nói khi nhắc đến nhóm 20 phụ nữ Việt: “Tôi yêu mến những người phụ nữ này, cho nên tôi ước muốn điều gì đó thật tốt đẹp sẽ đến với họ, vì họ đã mất trắng. Một số người trong số họ đã mất toàn bộ gia đình cũng như mọi thứ họ có ở Việt Nam: nhà cửa, công việc, bạn bè - mọi thứ đã mất hết. Họ thậm chí mất cả đất nước của mình.”

Phim Nailed It của Adele không chỉ dừng lại ở cuộc hội ngộ của nhóm phụ nữ người Việt này với nữ diễn viên người Mỹ, những câu chuyện của bà Thuần Lê, Yến Nguyễn, Kim Dung… mà còn vô số những hình ảnh người thợ làm nail, chủ tiệm nail với công việc thường nhật tại nơi làm việc và cuộc sống gia đình.

Hai, ba thế hệ làm nail

Anh Kevin Saint Phạm, người đồng sản xuất bộ phim này và là một chủ tiệm nail ở bang California với bề dày hơn 30 năm trong nghề, chia sẻ với VOA:

“Thật ra tôi đến với nghề này cũng rất tình cờ. Tôi là một kỹ sư nhưng bị cho nghỉ việc. Gia đình bên vợ tôi kêu tôi đi học lấy bằng làm nail. Vậy là tôi bắt đầu, nay đã theo nghề hơn 30 năm rồi.”

“Tôi rất thích cuốn phim này, không phải vì tôi có mặt trong phim và là đồng sản xuất phim này, mà là vì đó là cái nghiệp đã giúp dẫn dắt, cưu mang các thành viên trong gia đình, giúp có thu nhập để con cái học hành, hòa nhập với cuộc sống tại Mỹ.”

Cô Adele cho biết phim Nailed It được thực hiện trong khoảng thời gian dài vì có nhiều câu chuyện đan xen, có nhiều nhân vật thuộc 2-3 thế hệ làm nail khác nhau và chính anh Kevin là người có thâm niên trong nghề, quen biết nhiều người, nên cô quyết định hợp tác với anh.

“Ai cũng biết Kevin vì anh ấy ở trong nghề lâu lắm rồi, và đặc biệt anh ấy có mối quan hệ tốt với mọi người.

“Câu chuyện về tình người và sinh tồn theo bản năng là lý do tôi làm phim này. Một cái tiệm nail thôi cũng đã kết nối nhiều nhóm lao động với nhau. Và tôi luôn luôn tìm thấy ở họ rất nhiều điều thú vị.”

Giấc mơ Mỹ xuyên văn hóa

Từ Los Angeles đến Bronx, bộ phim giới thiệu những con người đứng đàng sau nền kỹ nghệ bùng nổ và thỉnh thoảng cũng gây tranh cãi. Kỹ nghệ chăm sóc và làm đẹp móng tay chân đã mở ra một con đường mà cộng đồng Việt Nam theo đuổi để đạt đến giấc mơ Mỹ cùng với cuộc sống độc lập về tài chính, trang World Channel viết.

Ngành kỹ nghệ này mang đến không gian rộng mở cho cộng đồng Việt Nam, để người thợ có thể làm được điều họ muốn, giúp họ thụ hưởng hạnh phúc của cuộc sống tiện nghi dựa trên nền tảng xã hội và kinh tế phong phú, đa dạng.

Các nhà làm phim cũng là những người gốc Việt, họ hiểu được cuộc sống của chính mình, và vun đắp mối liên kết gần gũi với nền văn hoá đặc thù của dân tộc, World Channel nhận định.

Ở một góc nhìn khác, nhà làm phim gốc Việt đã khai thác mối liên kết xuyên văn hóa và sắc tộc qua sự hợp tác nghề nail của bà Charlie Võ, một phụ nữ Việt và bà Olivett Robinson, một phụ nữ gốc Phi, cùng mở tiệm Mantrap Nail & Hairs ở thành phố Crenshaw, bang California, vào năm 1981. Theo nhận định của giới bình luận, đây là một chi tiết làm thay đổi cái nhìn của nhiều người về nạn phân biệt chủng tộc.

Nhà làm phim Adele Free Phạm. Photo Naileditdoc
Nhà làm phim Adele Free Phạm. Photo Naileditdoc

Nhà làm phim Adele Phạm nói với VOA:

“Phám khá những cung bậc mà các nhóm người khác nhau cùng tương tác với nhau là một điều hết sức quan trọng. Và chính cái tiệm nail là một không gian như vậy. Tại đây, tôi đã khai thác cảnh trò chuyện thân tình của các phụ nữ di dân gốc Á với các phụ nữ da màu và sắc dân khác.”

Còn theo anh Kevin, điều quan trọng nhất bên trong tiệm nail là tình người, là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống của người Việt trong đời sống xã hội Mỹ đương đại.

“Sau hơn 40 năm, nữ cũng như nam, làm việc trong tiệm nail và trò chuyện với khách hàng, kết bạn với biết bao nhiều người, thử hỏi sự ảnh hưởng của họ đến xã hội Mỹ lớn như thế nào!”

Khán giả cũng không quá bất ngờ khi anh Bryan Vũ, một chủ tiệm nail ở bang Florida trả lời phỏng vấn trong phim rằng có đến 36 người trong họ hàng nhà anh theo nghề nail, và người anh bà con của anh từ Việt Nam sắp sang và cũng sẽ gia nhập nghề này.

Theo cô Adele, sức ảnh hưởng trong chặng đường này chính là giấc mơ Mỹ mà bao thế hệ di dân tìm đến đất nước Hoa Kỳ đều đã hoặc đang trải qua.

Cô Adele nói:

“Phim đã góp phần tái hiện giấc mơ Mỹ, dù rằng giấc mơ Mỹ hiện nay đang ít nhiệm màu hơn và ít hiện hữu hơn trước. Có thể nói phim đã phần nào phản ánh chân thật bối cảnh thế hệ di dân của người Việt thực hiện giấc mơ ấy tại ngay trong tiệm nail.”

Nghiệp làm nail

Tiếp xúc với hóa chất độc hại từ thuốc tẩy sơn móng tay và keo dán móng hàng ngày là điều mà các thợ làm nail lo ngại nhất.

Nailed It thực hiện hàng loạt các cuộc phỏng vấn mô tả mối lo lắng của người thợ và ý kiến tư vấn của ông Mike Võ, Chủ tịch Hiệp hội Nail Việt Mỹ (VANA), cũng là một người sinh trưởng trong gia đình làm nail, chuyên cung cấp thông tin với các chủ đề như giáo dục sức khỏe, cách sử dụng sản phẩm, cũng như đưa ra kiến nghị với các nhà sản xuất hóa chất để tuân thủ quy định của pháp luật Hoa Kỳ.

Anh Kevin nói:

“Công tác giáo dục an toàn sức khỏe luôn cần được nâng cao trong công chúng để đảm bảo điều kiện làm việc cho các thợ nail.”

Ngoài ra, theo anh Kevin, cái nhìn kiếm nhã trong xã hội Mỹ đối với giới làm nail người Việt vẫn còn, điều này được phim Nailed It phản ánh rất tinh tế qua hình ảnh hài kịch và tranh biếm họa.

Nhà bình luận Bradon Ledet có cùng nhận định: “Phim Nailed It thông qua các bức tranh biếm họa đã lên án sự chế giễu các người thợ làm nail Việt Nam.”

Anh Kevin Saint Phạm
Anh Kevin Saint Phạm

“Có người còn xem cái nghề chuyên đi cắt móng tay, rửa chân người khác là nghề hạ bạc và chỉ chuyên dành cho giới nữ,” anh Kevin nói.

Thế nhưng trong phim Nailed It, hình ảnh người thợ nam làm móng được lặp đi lặp lại một cách đầy dụng ý - phân công lao động theo quan niệm truyền thống ở Việt Nam không còn đúng ở xã hội Mỹ.

Adele nhận định rằng trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, cũng còn không ít người có định kiến với nghề nail. Cô cho biết khi kêu gọi sự hỗ trợ để trình chiếu phim Nailed It ở Đại học San Diego gần đây, có một vài sinh viên gốc Việt không muốn tham gia, vì họ không muốn “dính” tới nghề nail. “Vì họ có học vị tiến sĩ, họ thuộc đẳng cấp khác,” cô Adele nói thêm.

Phim Nailed It dài 60 phút vừa ra mắt công chúng toàn quốc Hoa Kỳ trên kênh truyền hình PBS vào tuần trước và chiếu miễn phí trên mạng Internet cho đến ngày 6/7/2019.

https://worldchannel.org/episode/arf-nailed-it.

VOA Express

XS
SM
MD
LG