Phong trào Olympic đang xuống thấp đến mức đáng ngại, khi ngày càng hiếm có thành phố muốn tranh đăng cai thế vận hội.
Nhiệt tình tranh đăng cai Olympics mùa Đông 2022 đã giảm xuống đến mức quá thấp, sau khi cử tri ở Krakow của Ba Lan, Munich của Đức, Stockholm của Thụy Điển và Thụy Sĩ biểu quyết với tỉ lệ áp đảo bác bỏ ý định đi tranh đăng cai. Tình hình bất ổn ở Ukraine buộc thành phố Lviv phải từ bỏ ý định này. Oslo vẫn còn giữ ý định với một tỉ lệ ủng hộ mong manh của công chúng. Chỉ còn lại hai thành phố là Bắc Kinh và Almaty của Kazakhstan – cả hai đều không phải là thành lũy của dân chủ - muốn mang thế vận hội mùa đông về.
Viễn cảnh của thế vận hồi mùa hè cũng không tươi sáng gì hơn. Sự quan tâm của bốn thành phố của Mỹ trên danh sách có thể ra tranh đăng cai, gồm Boston, Los Angeles, San Francisco, và Washington, cũng khá hờ hững, trong khi hơn 30 thành phố khác, trong đó có New York và Philadelphia, đã bỏ qua kế hoạch này.
Vào thời hưng thịnh, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và cơ quan quản lý World Cup bị nhiều chỉ trích là FIFA có thể mời chào với những hứa hẹn như phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng trong mấy năm trở lại đây, những hứa hẹn đó đã bị phơi bày ra là một chiêu bài quảng cáo. Ngay cả cựu thống đốc Mitt Romney của bang Massachusetts, người ủng hộ dự định của Boston và là người đã từng chèo chống cho Olympics Salt Lake City 2002 qua khỏi một vụ tai tiếng lớn, cũng phải cảnh giác rằng “đó thực sự không phải là một cơ hội hái ra tiền.”
Bây giờ chính là lúc phải suy xét lại. Bao nhiêu năm trước đây các thành phố đăng cai Olympics phải ra sức làm theo yêu cầu của IOC. Mới đây, chủ tịch IOC Thomas Bach nói rằng Olympics sẽ phục vụ cho các thành phố đăng cai.
Kiểm soát chi phí đăng cai luôn tăng vọt chính là điểm xuất phát. Ở thập niên 1990, các giới chức IOC bác bỏ nguy cơ thế vận hội sẽ trở thành dự án khổng lồ. Họ nói có quá nhiều đồn đại vô căn cứ về chi phí “cắt cổ” cho việc đăng cai Olympics. Ngày nay chi phí khổng lồ đó còn tăng lên một mức cao mới và là chuyện bình thường.
Việc hạ chi phí ước tính xuống để nhằm tranh được quyền đăng cai gần như đã trở thành một môn tranh tài Olympics. Các giới chức Anh nói Olympics 2012 sẽ tốn khoảng 3.8 tỉ đô la, nhưng thực tế là 18 tỉ đô la. Nga nói Olympics Sochi sẽ tốn khoảng 12 tỉ đô la, nhưng rốt cuộc phải tiêu tốn đến 50 tỉ đô la, cao hơn chi phí của tất cả các kỳ Olympics mùa đông trước đây cộng lại.
Olympics quá tốn kém và người dân của thành phố đăng cai thì không được hưởng đầy đủ những lợi ích từ những dự án với chi phí khổng lồ đó, bởi vì việc xây dựng các công trình phục vụ Olympics thường không nối kết với các kế hoạch phát triển của địa phương và khu vực.
Chi phí Olympics tăng cao có thể đẩy thành phố đăng cai, và thậm chí cả quốc gia đó, đến bờ vực phá sản. Khối nợ từ việc đăng cai Olympics 2004 ở Athens bị quy cho là nguyên nhân dẫn đến việc Hy Lạp bị đổ nợ.
Trong thời gian chuẩn bị cho Olympics, tiền thuế đáng ra được chi phí cho cơ sở hạ tầng phục vục cho công chúng lại được rót vào các dự án phục vụ Olympics.
Các thành viên IOC bị chỉ trích là có cách làm việc thất thường. Họ không chú ý đến các báo cáo kỹ thuật mà lại bỏ phiếu bầu cho ứng viên nào có những hứa hẹn nghe hấp dẫn nhất. Có ý kiến nói rằng IOC nên công bố thông tin về việc bầu chọn của các thành viên để có sự minh bạch, và cho thấy các thành viên có căn cứ vào ý kiến của các nhà chuyên môn hay không.
Ngoài ra Ủy ban Olympic Quốc tế phải nên xếp thứ tự các thành phố đăng cai dựa vào một số chuẩn mực của hiến chương Olympics, chẳng hạn như vi phạm nhân quyền sẽ không được phép đăng cai Olympics. Khi Bắc Kinh được trao cho quyền đăng cai Olympics năm 2008, IOC nói rằng sự kiện đó sẽ thúc đẩy Trung Quốc cải thiện hồ sơ nhân quyền của họ. Cho đến giờ thì hồ sơ đó của Trung Quốc vẫn chưa có gì thay đổi.