Năm học mới bắt đầu, trong khi các học sinh phấn khởi vì được quay lại học đường sau thời gian phải học online tại nhà vì dịch bệnh Covid, thì nhiều bậc phụ huynh đang ‘đau đầu’ vì những khoản chi mùa tựu trường từ tiền sách vở, đồng phục, quỹ hội trường-lớp, cho tới tiền học thêm hay ‘chạy trường, chạy lớp.’
Năm học mới và một cuộc chạy đua mới của các bậc phụ huynh lại bắt đầu để mong sao con cái được học hành ‘tử tế’, theo cách nói của nhiều người.
Chị Nguyễn Hiền, một phụ huynh có con gái lớn năm nay vào lớp 3 và cậu con trai chuẩn bị vào lớp 1 tại quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết giữa những khó khăn kinh tế do dịch bệnh Covid gây ra, mùa tựu trường năm nay như thêm một gánh nặng với rất nhiều khoản chi cho niên khoá mới.
Chị cho biết việc đăng ký cho con đi học, dù là đúng tuyến ngay ngôi trường cách nhà chị 5 phút đi bộ, không phải là chuyện dễ vì dân số thì đông mà trường lớp thì không có mấy.
Giờ có xin đúng tuyến cũng phải mất vài triệu là ít nhất vì nếu không bỏ tiền ra thì người ta sẽ nói lớp đủ học sinh rồi, không nhận thêm nữa. Nếu không xin được thì lại phải xin sang trường khách trái tuyến mà đã xin trái tuyến thì phải mất 20 – 30 triệu/cháu là ít nhất...
“Giờ có xin đúng tuyến cũng phải mất vài triệu là ít nhất vì nếu không bỏ tiền ra thì người ta sẽ nói lớp đủ học sinh rồi, không nhận thêm nữa. Nếu không xin được thì lại phải xin sang trường khách trái tuyến mà đã xin trái tuyến thì phải mất 20 – 30 triệu/cháu là ít nhất,” chị Hiền chia sẻ.
Theo lời chị, phí xin học chỉ là một khoản chi rất nhỏ so với toàn bộ chi phí mà các bậc phụ huynh ở Hà Nội như chị phải cáng đáng. Chị cho hay đầu tuần này đã phải chi 3 triệu cho con gái may đồng phục mới. Bên cạnh đó, chị còn phải lo khoản chi hàng tháng cho con học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm, đồng thời lo luôn cả việc đưa đón vì nhà cô ở rất xa.
Thứ 7 tới đây, rất nhiều trường ở Hà Nội sẽ có buổi họp phụ huynh và đây được nhiều người coi là cuộc họp ‘tốn kém nhất’ trong cả năm học. Tại cuộc họp này, rất nhiều khoản đóng góp khác nhau sẽ được thống nhất ví dụ như tiền xây dựng trường lớp, tiền nước uống cho các cháu, tiền tổ chức các hoạt động lễ hội của trường…, các khoản quyên góp mà nhiều phụ huynh cho là ‘tận thu’ và cũng là cách ‘làm giàu’ của nhiều ngôi trường tại những thành phố lớn.
Anh Nguyễn Minh Trung, một phụ huynh có 2 con nhỏ đang theo học tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết sau khi báo chí phản ánh và phụ huynh kêu than về các khoản ‘lạm thu’ này, hiện tại các trường đã có cách khác để không mất nguồn thu.
Thực tế bây giờ các nhà trường chỉ đưa ra những khoản đóng góp vài trăm nghìn thôi. Còn các khoản thu chính sẽ do các hội phụ huynh đứng ra đảm nhiệm thu và nộp lại cho giáo viên theo yêu cầu. Như vậy nhà trường trên danh nghĩa hoàn toàn không liên quan gì...
“Thực tế bây giờ các nhà trường chỉ đưa ra những khoản đóng góp vài trăm nghìn thôi. Còn các khoản thu chính sẽ do các hội phụ huynh đứng ra đảm nhiệm thu và nộp lại cho giáo viên theo yêu cầu. Như vậy nhà trường trên danh nghĩa hoàn toàn không liên quan gì. Các khoản đóng góp do chính các hội phụ huynh tự nguyện mà thôi,” anh Trung nói.
Phụ huynh này cho hay trung bình mỗi tháng gia đình anh chi trên dưới 30 triệu cho 2 đứa con đi học, bao gồm tiền học phí, các khoản đóng góp, tiền học thêm, tiền bồi dưỡng và quà cáp cho giáo viên chủ nhiệm vào rất nhiều dịp khác nhau.
Theo nhiều phụ huynh, tính ra thì học trường công bây giờ chi phí cũng gần ngang ngửa với trường tư khi cộng dồn các khoản chi khác nhau. Vì thế, những gia đình khá giả đã quyết định cho con cái theo học trường tư, dù học phí trung bình từ 12 tới 20 triệu đồng/tháng nhưng chất lượng cạnh tranh, đỡ mất thời gian và ‘đau đầu’ vì các khoản chi ‘miễn cưỡng.’