Theo nhà văn Nguyễn Đình Toàn, người phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên Đài Phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, thì Tô Vũ đã thổi một luồng gió mới vào việc viết ca khúc Việt Nam thời 1944 đến 1954.
Cũng là tình ca nhưng tình ca của Tô Vũ đã nới rộng chân trời của những lứa đôi. Ông cũng cho thấy tình yêu có nhiều cách bày tỏ. Người ta sống cũng có nghĩa là sống trong một hoàn cảnh và đôi khi nói tới bất cứ điều gì trong hoàn cảnh đó, cũng có thể là đang nói tới cái tình của mình. Chẳng hạn như ca khúc Tạ Từ mà chúng ta vừa nghe Anh Ngọc diễn tả với nhiều giọng nữ phụ họa, phần hòa âm của Hoàng Trọng.
Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh
Gió dâng khúc đàn thanh bình
Ta đi tìm thơ muôn phương
Toàn thể ca khúc toát ra một vẻ gì đó giống như một bài kinh cầu nguyện. Mỗi hình ảnh được nhắc tới tựa một dấu vết hạnh phúc, của ước mơ được thắp sáng, và trở thành chính đối tượng của lời cầu nguyện.
Tình yêu như thế, vừa có vẻ là lễ vật hiến dâng, vừa là ân sủng được thừa hưởng. Nó có thể mất, có thể còn. Nhưng mất hay không, thì nó cũng vẫn còn ở trong trần thế này, nên nó cũng không thể mất hẳn.
Cho nên dù có đau thương, mỗi tiếng hát vẫn là một lời ngợi ca hạnh phúc.
Lời anh thầm ước khi nao,
dưới trăng giữa mùa hoa đào
Trong em dư âm còn vang tiếng đồng
Lầu chiều còn luyến ánh hồng,
Lầu xây trong không -- sóng gió rót chia ly,
Phồn hoa em chia tay ra đi,
Đưa chân dừng bước bên cầu giã từ mấy câu
Khi về son thắm lòng người
thu cách tạ mây trời
Nếu tình quê đôi lần nhắc miền quê xa xôi
Mỗi khi vang âm ngàn phương,
nhạc chinh nhân trong chiều sương,
Em có mong giòng sông cũ
vẫn suôi niềm thương
Tình anh như thông đầu non,
Vời cao trông mây buồn đứng
Muôn kiếp cô liêu,
Ngàn năm còn reo...
Trong nhạc Tô Vũ, chúng ta cũng không bao giờ thấy lảng vảng hình bóng của cái chết. Vâng, đời sống không dễ dàng lắm đâu nhưng cũng không quá khó khăn bởi vì người ta có thể tìm thấy sự dịu dàng ở khắp mọi nơi.
Tô Vũ không nói tới nỗi nhớ nhung nào cụ thể nhưng người ta dường như vẫn nghe tiếng gọi âm thầm ẩn sau mỗi câu nhạc của ông. Và nỗi nhớ nhung vì thế cứ tràn ngập không gian…
Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều
Em đến thăm anh người em gái
Tà áo hương nồng
Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh
Em đến thăm anh chiều đông giá
Em đến thăm anh trời mưa gió
Đường xa lạnh lùng
Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói một câu
Lời nghẹn ngào, hồn anh như say như ngây, vì đâu?
Gió đưa cánh chim trời
Đó đây cách xa vời
Chiều vui mưa ướt cánh
Khá thương kiếp bềnh bồng
Dẫu khắng khít đôi lòng
Chiều nào em xa anh!
Có hay lúc em về
Gót chân bước reo âm thầm
Trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh
Lòng bồi hồi nhìn theo chân em, chìm trong ngàn xanh
Trong âm nhạc của chúng ta, không biết có bao nhiêu trận mưa nhưng không có trận mưa nào chứa chan hạnh phúc như chúng ta vừa nghe trong nhạc Tô Vũ. Trận mưa ấy có thể chia xẻ hân hoan cho những ai nghe và hát nhạc Tô Vũ. Bởi vì chẳng cần phải là một tuyệt thế giai nhân, mà chỉ cần một tà áo hương nồng và một ánh mắt trìu mến, người ta cũng đủ để trở thành người trong thơ, trong nhạc. Hay nói cách khác, sống cái tình của mình y như vậy và nó đâu có phải là điều gì khó khăn mà chúng ta không đạt được.
Ta ước mơ một chiều thêu nắng
Em đến chơi quên niềm cay đắng
Và… quên đường về…
Ôi hạnh phúc mới tuyệt vời và giản dị làm sao!
Chúng ta không biết rõ Tô Vũ có sáng tác nhiều không nhưng chỉ thấy bốn năm bài được phổ biến. Gần đây, tác giả Tạ Từ tiết lộ có khoảng 80 ca khúc lãng mạn của ông chưa hề được phổ biến, chúng ta đón đợi được thưởng thức những bản tình ca này. Ngoài ra, Tô Vũ còn viết lời, với tên thật là Hoàng Phú, cho bài nhạc Ngày Xưa của Hoàng Phúc.
Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu
Êm đềm trôi về tới nơi đâu
Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi
Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi
Ngày xưa kia nơi đây đã từng vang hình bóng
Đôi quần thoa đem máu đào hoa nở sông nhà
Hồn linh thiêng sống trong muôn ngàn sóng
Những khi nao chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca
Đây là một trong những bài sử ca hay nhất của âm nhạc Việt Nam.
Nói chung qua nhạc, chúng ta biết một Tô Vũ có một tâm hồn nhạy cảm, phóng khoáng và rất nghệ sĩ. Có thể nói bằng sáng tác của mình, Tô Vũ đã nâng nghệ thuật viết ca khúc ở Việt Nam lên cao hơn một bậc. Ông cũng phải được coi là một nghệ sĩ viết lời ca hay nhất của chúng ta. Mỗi chữ, mỗi câu, ông đều viết xứng hợp với những giai điệu chau truốt của ông.
Nghe nhạc Tô Vũ, người ta cảm thấy hình như đời đẹp hơn, tình đẹp hơn…
Ông không triết lý, không khuyên răn ai một điều gì nhưng cái đẹp, cái quý phái trong mỗi ca khúc của ông làm thành một giới hạn. Người ta hiểu rằng, người ta phải vươn tới được cái giới hạn ấy mới thâm nhập được vào đẹp, cái cao quý. Và nghệ sĩ cũng luôn là một loài chim hiếm quý.
Nếu phải chọn một trong ba bài hát Bích Huyền vừa gửi đến trong chương trình: Tạ Từ, Em Đến Thăm Em Một Chiều Mưa và Tiếng Chuông Chiều Thu xem bài nào được coi là tuyệt tác nhất của Tô Vũ thì Bích Huyền tin chắc rằng quý vị đều thích các bài ấy ngang nhau. Phải không ạ?
Xin kính gửi đến ông những bông hồng tạ ơn tươi đẹp nhất và kính chúc ông sức khỏe dồi dào.
Chương trình Thơ Nhạc “Tiếng Chuông Trong Nhạc Và Thơ” phát thanh trên làn sóng VOA vừa qua, được nhạc sĩ Tô Vũ nghe và bổ túc cho một chi tiết về ngôi giáo đường Phong Lôi tỉnh Thái Bình. Chương trình nhạc Tô Vũ hôm nay Bích Huyền thực hiện như một lời cảm ơn đến một tên tuổi lẫy lừng trong âm nhạc Việt Nam…
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Chủ tịch Việt Nam chỉ trích ông Trump khi nói chiến tranh thương mại dẫn đến nghèo đói?
2Người trẻ Việt miệt thị cờ VNCH tại bảo tàng quân sự là yêu nước hay cực đoan, thù hận?
3Nguồn tin từ Kyiv: Tổng thống Ukraine cảnh báo thủ tướng Đức về cuộc gọi với Putin
4Vụ rút ruột SCB: bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị y án tử hình
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!