Một trong những quan chức Bắc Hàn cao cấp nhất từng đào tị sang Hàn Quốc tuyên bố rằng "vận mệnh của ông Kim Jong Un chỉ còn tính từng ngày". Nhân vật đào tị đã chia sẻ những hiểu biết trực tiếp hiếm có và những nhận định sâu sắc về những gì mà ông mô tả là tình hình đang xấu đi của chế độ Kim Jong Un, một chế độ bưng bít và đàn áp.
Ông Thae Yong-ho, cựu Phó đại sứ Bắc Hàn tại London, đã đào thoát sang Hàn Quốc hồi tháng 7/2016. Ông nói: "Tầng lớp ưu tú lâu nay là trụ cột của xã hội Bắc Hàn giờ đã quay lưng lại với ông Kim Jong Un. Những cấu trúc truyền thống của hệ thống Bắc Hàn đang sụp đổ".
Ông Thae bây giờ là một nhà phân tích tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia, một tổ chức nghiên cứu gắn với Vụ Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc.
Phát biểu với các nhà báo tại Seoul vào hôm thứ Tư, ông Thae nói ông ngày càng tỉnh mộng về lãnh tụ trẻ của Bắc Hàn, người lên nắm quyền vào tháng 12/2011, và ông hoàn toàn không mơ hồ gì nữa vào năm ngoái, khi ông Kim đề ra một mục tiêu mà ông cho là "cuồng tín", là tăng cường khả năng để có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân tầm xa vào năm 2017, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Hàn Quốc trải qua một thời kỳ chuyển giao quyền lực chính trị.
Về tình hình bên trong Bắc Hàn, ông Thae cho biết ngày nay các chợ cóc bất hợp pháp mở ra ngày càng nhiều, tham nhũng tràn lan và các dòng thông tin bên ngoài đang làm sôi sục thêm sự bất bình của công chúng và làm suy yếu khả năng vốn có của chính phủ nhằm duy trì trật tự thông qua hăm dọa và gây sợ hãi.
Những khu chợ tư nhân mở ra làm cho mọi người càng bực tức về các hạn chế của nhà nước, đồng thời nỗi sợ hãi của họ đối với cảnh sát và nhân viên an ninh đã giảm bớt phần nào, vì thành phần này ngày càng quan tâm đến việc đòi hối lộ hơn là thực thi pháp luật.
Ông Thae đang cổ súy cho nỗ lực gia tăng phổ biến các thông tin bên ngoài vào Bắc Hàn. Ông nói làm như vậy cũng giống tưới thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ, cuối cùng sẽ làm bùng lên một cuộc tổng khởi nghĩa để lật đổ chế độ gia đình trị họ Kim.
Nhà ngoại giao Bắc Hàn trước đây so sánh nỗi bất mãn ngày càng tăng trong nước ông với tình hình ở Liên Xô trước khi chế độ tại đó sụp đổ, ông hy vọng về một kết cục hòa bình dẫn đến một nước Triều Tiên thống nhất và dân chủ.
Tuy nhiên cũng có nguy cơ cao là giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng sẽ đáp trả các cuộc biểu tình bằng bạo lực chết người và đàn áp như Trung Quốc đã từng làm với các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Ông Thae cảnh cáo Hoa Kỳ và Hàn Quốc chớ tung ra bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào nhắm vào Bắc Hàn. Ông cho rằng một hành động quân sự như vậy có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh.
Ông Thae cũng cảnh báo không nên xoa dịu ông Kim Jong Un bằng cách lơ là lệnh trừng phạt hay ngừng cuộc tập trận chung giữa Hoa Kỳ-Hàn Quốc để đổi lấy việc đình chỉ hoạt động hạt nhân. Ông Thae nói đó là một "cái bẫy" mà cuối cùng sẽ hợp pháp hóa Bắc Hàn như một quốc gia hạt nhân, tương tự như đã diễn ra với Ấn Độ và Pakistan trước đây.
Ông nói khả năng xảy ra đảo chính quân sự bên trong Bắc Hàn còn xa vời vì giới lãnh đạo vẫn trung thành với ông Kim. Mặc dù vậy, ông lưu ý rằng nhiều người trong các lực lượng vũ trang cũng đang thất vọng với chính thể hiện nay.
Vẫn theo ông Thae thì các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng không sợ bị Trung Quốc trả đũa về chương trình hạt nhân của mình, bởi vì họ nghĩ rằng Bắc Kinh thà có một Bắc Hàn sở hữu vũ khí hạt nhân giáp với đường biên giới của họ, còn hơn phải đối mặt với một nước Triều Tiên thống nhất dân chủ, và là đồng minh của Hoa Kỳ.