Các giới chức cao cấp Mỹ trong tuần này thay phiên nhau đi vận động thế giới để thúc giục các lãnh đạo tiếp tục áp lực Moscow hay gia nhập chiến dịch chế tài Moscow cùng những biện pháp khác trong lúc chiến cuộc tại Ukraine bước sang tuần thứ năm và những cú sốc kinh tế sơ khởi của Nga dường như giảm bớt.
Thứ trưởng Ngân khố Mỹ Wally Adeyemo gặp các giới chức cao cấp ở London, Brussels, Paris và Berlin. Phó cố vấn an ninh quốc gia về kinh tế quốc tế, Daleep Singh, thúc giục các quan chức Ấn Độ tại New Delhi. Ngoại trưởng Antony Blinken thảo luận về chiến tranh Ukraine với Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan tại Ma-rốc.
Những nỗ lực này diễn ra trong lúc những ảnh hưởng sơ khởi của các chế tài mạnh mẽ chưa từng có lên các ngân hàng, giới tài phiệt và những công ty Nga bắt đầu giảm dần, và Mỹ đang tính tới các bước kinh tế tiếp theo để cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chỉ trong vài ngày sau khi loại các ngân hàng chính của Nga với mạng lưới chuyển khoản tài chánh SWIFT và làm tê liệt 630 tỉ đô la ngoại hối chiến tranh, thế giới nhìn thấy đồng rúp của Nga mất một nửa giá trị và giới chức Mỹ tuyên bố Nga đang chống chọi với một cuộc khủng hoảng tài chánh.
Nhưng một tháng sau, đồng rúp phục hồi trở lại ở mức trước khi Nga xâm lược Ukraine, một phần do Nga kiểm soát vốn, chính phủ lệnh cho các công ty xuất khẩu bán ngoại tệ và các công ty tập trung quỹ để trả thuế cuối quý.
Chứng khoán trên thị trường Nga giao dịch trở lại, dù giảm giá trị.
Ngân hàng Nga VTB, một mục tiêu chế tài chính, vẫn mở cửa tại châu Âu, nhận hàng tỉ đồng euro ký thác, phần lớn từ những chủ tiết kiệm Đức. Các ngân hàng Nga khác đang cân nhắc sử dụng hệ thống thẻ tín dụng UnionPay của Trung Quốc sau khi Visa và Mastercard ngưng các hoạt động tại Nga.
Và các chế tài cho tới nay chưa đụng đến mạch sống kinh tế lớn nhất của Nga-là việc bán năng lượng cho châu Âu vốn có thể lên đến 555 triệu đô la/ngày ở thời giá hiện tại. Nga đòi các nước mua khí đốt phải chi trả bằng đồng rúp kể từ ngày 1/4 và việc này có thể đẩy giá trị đồng rúp thêm nữa.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách đảm bảo sao cho các đồng minh châu Âu kiên định sát cánh trong việc trừng phạt ông Putin, và hy vọng lay chuyển được các nhà lãnh đạo còn đang đứng bên lề trong lúc chiến tranh tiếp diễn, các giới chức cho hay.
Chống Trung Quốc, cảnh cáo Ấn Độ
Các chuyến ngoại giao con thoi được thực hiện sát sau chuyến công du châu Âu của ông Biden trong tuần qua và diễn ra trong lúc Nga và Trung Quốc đang nhích lại gần nhau, với việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người tương nhiệm Nga Sergei Lavrov hôm 30/3 và tái xác nhận kế hoạch của Bắc Kinh tiếp tục các quan hệ song phương và tăng cường hợp tác.
Những cuộc thảo luận của Thứ trưởng Bộ Ngân khố Adeyemo với những người tương nhiệm ở châu Âu xoay quanh những chế tài, ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc đối với các nỗ lực của Nga né chế tài, và làm sao để giúp các nước như Đức được đáp ứng nhu cầu năng lượng trong trường hợp cấm vận Nga, một giới chức châu Âu nói.
Yêu cầu của Nga rằng các nước phải trả tiền khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng rúp bắt đầu từ 1/4, nếu không Nga sẽ cắt nguồn cung ứng là chủ đề thảo luận chính, giới chức cho hay. Các nước châu Âu bác bỏ yêu sách của Nga và chính phủ Đức nói chuyện này lên đến mức “hăm doạ.”
Tại Ấn Độ, Phó cố vấn an ninh quốc gia Singh nói với các giới chức Ấn rằng Mỹ sẽ không đề ra bất cứ lằn ranh đỏ nào trong việc mua dầu của Nga, nhưng cảnh báo chớ tăng nhanh các hợp đồng.
Ấn Độ phụ thuộc quân sự vào công nghệ và khí tài của Nga. Ấn đang tìm cách cân bằng các quan hệ lâu nay với Nga và phương Tây. Khác với các thành phiên còn lại trong Bộ Tứ Quad (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn), New Delhi không chế tài Nga.
Về phần Nga, sau chuyến thăm Trung Quốc hai ngày, Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm 1/4 công du tới Ấn Độ hai ngày, trong cùng nỗ lực huy động sự ủng hộ.