Một quan chức khí tượng thủy văn của Việt Nam bày tỏ ngờ vực về nghiên cứu toàn cầu mới công bố kết luận toàn bộ Đồng bằng Sông Cửu Long ở miền nam Việt Nam có thể ngập dưới nước vào năm 2050 vì biến đổi khí hậu, nói rằng nó “chưa đủ cơ sở khoa học” và dựa trên nhiều “giả định cực đoan” cùng lúc.
Những nhận định của bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được truyền thông nhà nước dẫn lại và đăng tải hôm thứ Sáu, vài ngày sau khi Climate Central, một tổ chức phi một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ, công bố công trình nghiên cứu cảnh báo rằng đến năm 2050 khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới sẽ sống ở những vùng gặp nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó có 20 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghiên cứu kéo dài ba năm, được đăng trên chuyên san khoa học Nature Communications hôm 29 tháng 10, tính toán rằng mực nước biển toàn cầu có thể tăng từ 60 centimét đến 2,1 mét và thậm chí có thể hơn thế. Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam nằm trong số các đô thị gặp nguy cơ trong khi toàn bộ phần cực nam của Việt Nam có thể bị ngập nước, Climate Central dự báo.
Bà Hương cho rằng có một số vấn đề trong nghiên cứu cần được xem xét kĩ lưỡng hơn vì bà hoài nghi độ tin cậy của số liệu cũng như giả định mà các tác giả sử dụng.
"So sánh bài báo với kịch bản biến đổi khí hậu nước biển dâng cho Việt Nam năm 2016 cho thấy số liệu trong nghiên cứu này không tốt hơn số liệu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng,” bà được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói. “Còn thông tin 'vào năm 2050, TP. HCM và đồng bằng sông Cửu Long bị xóa sổ' là chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên các giả định cực đoan.”
Giả định cực đoan, theo bà, là kịch bản triều có tần suất 100 năm xuất hiện một lần kết hợp với việc nước biển dâng 2 mét.
“Đây là các yếu tố dự báo quá cực đoan và khó có thể xảy ra. Trong khi triều cường có thể chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó thì báo cáo này lại nhận định khu vực gần như ngập vĩnh viễn khi kết hợp với nước biển dâng,” bà nói, theo trang tin điện tử Zing.
Do đó bà cho rằng người dân không nên quá hoang mang về nguy cơ khu vực bị xóa sổ và rằng mọi phân tích, đánh giá cần dựa trên số liệu Bộ Tài Nguyên và Môi trường cung cấp.
Các luận điểm của quan chức này cũng được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nhà nước khác bao gồm website báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam và trang tin điện tử của chính phủ Việt Nam.
Một bài báo của Tuổi Trẻ đưa tin về nghiên cứu của Climate Central đã được gỡ xuống.
Một số độc giả dường như không cảm thấy hoàn toàn thuyết phục về phản bác của phía Việt Nam và kêu gọi nhà chức trách xem nghiên cứu này như một lời cảnh báo để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Một người bình luận rằng số liệu của Việt Nam cũng không đáng tin cậy, dẫn ra một báo cáo của chính phủ về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội năm 2019 có những chỉ số giống hệt năm 2005.