Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng kêu gọi xử lý những người vi phạm Luật An ninh mạng, kể cả các “đảng viên”, “từ nay tới Đại hội 13 của Đảng.”
Việt Nam được cho là đang dùng Luật An ninh mạng để “hình sự hóa” việc chỉ trích chính phủ và buộc các công ty Internet phải lưu dữ liệu người dùng tại Việt Nam cũng như cung cấp cho chính phủ những dữ liệu này bất cứ lúc nào. Luật được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay bất chấp các cuộc biểu tình trong và ngoài nước đối với luật này.
Theo ông Thưởng, việc không tuân thủ Luật An ninh mạng cần phải bị trừng trị trong mọi tầng lớp người dân.
Trong bài phát biểu tại một hội nghị của Ban Tuyên giáo TƯ hôm 5/7 với chủ đề “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, ông Thưởng đề nghị “từ nay tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng, mỗi địa phương chắt lọc đối tượng trên địa bàn, xử lý một vài đảng viên vi phạm, xử lý một vài cá nhân, công dân sử dụng Internet, mạng xã hội vi phạm luật An ninh mạng,” theo Thanh Niên.
Theo trích đoạn bài phát biểu dài 75 phút trên báo Thanh Niên, ông Thưởng cho rằng với việc xử lý như vậy, “tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.”
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, còn được biết với tên Mẹ Nấm, cho rằng phát biểu của ông Thưởng là “bằng chứng cụ thể nhất từ miệng một quan chức cấp cao đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận việc sử dụng Luật An ninh mạng để bắt giam những người lên tiếng tố cáo các sai phạm, vạch trần sự xấu xa bên trong nội bộ đảng.”
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng trong một bài viết cho VOA nhận định rằng các cơ quan đảng đang đẩy nhanh hơn tiến độ ‘quy hoạch cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13 vào đầu năm 2021. “Đó đây thấp thoáng hiện ra vài ba bài viết trên mạng xã hội nhằm đấu tố trong giới chóp bu cao cấp về tài sản, sân sau và thủ đoạn ‘chơi nhau’,” theo ông Dũng, người từng có 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng.
Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021, sẽ bầu chọn ra một thế hệ lãnh đạo mới của nhà nước cho một nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Blogger Mẹ Nấm, người hiện đang sinh sống ở Mỹ sau khi bị Việt Nam trục xuất khỏi nhà tù ở Thanh Hóa, nhận định trong một bài viết trên trang mạng Dân Làm Báo rằng “trước mỗi kỳ đại hội đảng, các cuộc thanh trừng nội bộ, đấu đá lẫn nhau diễn ra rất khốc liệt.”
Theo blogger từng bị kết án 10 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước,” do “không thể bắt hết những đồng bọn giấu mặt của mình dùng Internet để khai ra các đồng chí còn chưa bị lộ trong đống rơm,” trưởng ban Tuyên giáo TƯ “công khai giao chỉ tiêu” cho mỗi địa phương xử lý một vài đảng viên vi phạm Luận An ninh mạng.
Ông Thưởng dẫn trường hợp một đảng viên công tác tại Văn phòng Ủy ban nhân dân TP HCM đưa hình ảnh nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước lên mạng gọi là tham nhũng, rồi phê phán cả trưởng ban Tuyên giáo TƯ, nhưng nhiều tháng không bị xử lý, theo Thanh Niên.
Cuối tháng 12 năm ngoái, ông Thưởng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng đảng viên viết bài trên mạng xã hội hoặc đưa tài liệu cho người khác viết bài trái với quan điểm của Đảng. Phát biểu của ông Thưởng được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Luật An ninh mạng vốn bị nhiều người chỉ trích đi vào hiệu lực.
Tháng 10 năm ngoái, Giáo sư Chu Hảo, người từng là thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và giám đốc nhà xuất bản Tri thức, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật vì “có những bài viết, phát ngôn trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng.” Việc kỷ luật GS Hảo đã tạo ra một hiệu ứng đối với nhiều đảng viên từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các nhóm hành vi được cho là vi phạm Luật An ninh mạng bao gồm việc “đăng tải, phát tán thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối, an ninh, gây rối trật tự công cộng.”
Bất chấp chỉ trích từ người dân trong nước và cộng đồng quốc tế về những hạn chế của Luật An ninh mạng, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn cho rằng bộ luật này là cần thiết “trong bối cảnh hiện nay.”
Hồi tháng 7 năm ngoái, 17 nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi các lãnh đạo công ty Facebook và Google chống lại những thay đổi được quy định tại Luật An ninh mạng của Việt Nam, mà các nhà phê bình cho rằng luật này đã trao cho nhà nước nhiều quyền lực hơn để đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến.