Quân đội Iraq đang tiến tới rất gần Mosul. Các cuộc giao tranh giữa quân đội với quân Nhà nước Hồi giáo diễn ra cách thành phố chưa tới một kilômét. Nhưng tại các thị trấn và làng xã ở tuyến đầu, nhiều cư dân nói họ vẫn rất sợ vì không có nơi nào an toàn cho họ một khi các phần tử cực đoan IS vẫn còn kiểm soát thủ phủ của tỉnh.
Các binh sĩ Iraq cho biết thường dân đang bị kẹt trong các vùng giao tranh, và quân đội đang chiến đấu với quân Nhà nước Hồi giáo trên các đường phố. Họ cho hay giao tranh có thể kéo dài và tình hình đang rất nguy hiểm cho tất cả mọi người:
"Chiến thuật đánh bom tự sát và đánh bom xe của ISIS rất nguy hiểm cho bất cứ ai, nhưng chúng tôi quyết giải phóng Mosul. Binh sĩ của chúng tôi đã được huấn luyện tốt."
Những thị trấn và làng xã mà quân đội Iraq đã chiếm lại được nay chỉ còn là một cảnh tượng tan hoang, điêu tàn. Nhà cửa, hàng quán giờ là những đống đổ nát, vỏ đạn vương vãi trên đường phố. Không có nước, không có điện, nhưng một vài cư dân cũng quay trở lại để xem nhà cửa họ nay ra sao.
Bà Hasina Slyo Pritros, cư dân của một thị trấn vừa được quân đội Iraq tái chiếm, nói:
"Hai năm rồi chúng tôi chưa về nhà, về lại thành phố của chúng tôi. Chúng tôi quá ngán ngẩm với cảnh chạy nạn. Không phải chỉ có nhà cửa của chúng tôi bị phá hủy, mà cả thành phố bị phá hủy."
Những chiếc xe cắm cờ trắng xuất hiện tại các trại lánh nạn, chở theo những người chạy nạn từ các vùng chiến sự. Tổ chức Di dân Quốc tế cho hay hơn 20.000 người đã thất tán kể từ khi chiến dịch tái chiếm Mosul bắt đầu cách đây hơn hai tuần. Họ e rằng có thể đến một triệu người nữa sẽ bị thất tán trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, nhiều người chạy nạn nói rằng nếu phải trải qua chịu đựng và thống khổ để đánh đuổi ISIS thì họ chẳng còn chọn lựa nào khác hơn là đành cam chịu.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Tư cho hay đã nhận được báo cáo nói rằng những người bị tố cáo là cảm tình viên của Nhà nước Hồi giáo đã bị miệt thị trước công chúng, bị tra tấn và đánh đập khi lực lượng dân quân Bộ tộc Sabawi tiến vào các làng xã ở phía nam thành phố Mosul. Bà Lynn Maalouf thuộc tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng “đây là một tình huống nguy hiểm, bởi vì như vậy những kẻ thực hiện các hành động bạo lực cho rằng họ có thể tha hồ vi phạm tội ác mà sẽ không bị trừng phạt.”
Các giới chức Iraq ước tính hơn một triệu người vẫn bị kẹt bên trong thành phố và ngày càng có nhiều quan ngại về số phận của những người dân thường còn kẹt lại. Hội đồng Tị nạn Na Uy cảnh báo rằng mạng sống của người dân “đang lâm nguy” vì giao tranh. ISIS đang tìm cách trà trộn trong dân chúng sau khi tàn quân Nhà nước Hồi giáo rút ra khỏi các làng xã ở ngoại ô thành phố. Nhiều hộ dân đã bị các phần tử cực đoan ISIS dùng bia đỡ đạn cho họ.