Đường dẫn truy cập

Quân đội ở Tp.HCM giúp đưa dân về quê, dư luận nói muộn còn hơn không


Người dân chờ tại mội điểm kiểm soát ở Tp.HCM để về quê, 30/9/2021.
Người dân chờ tại mội điểm kiểm soát ở Tp.HCM để về quê, 30/9/2021.

Bộ Tư lệnh lực lượng vũ trang ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/10 công bố 2 số điện thoại đường dây nóng để giúp người dân về quê, đồng thời cũng nói rằng Bộ Tư lệnh sẽ phối hợp với các địa phương để thực hiện việc này.

Các báo trong nước dẫn lại lời của Bộ Tư lệnh Tp.HCM bày tỏ rằng lực lượng vũ trang thấy “thương cảm, xót xa” về tình cảnh hàng vạn người ồ ạt rời thành phố để về quê ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.

Cơ quan chỉ huy quân sự này hướng dẫn rằng người dân trước hết cần đăng ký với tổ dân phố và chính quyền địa phương nơi họ tạm trú. Khi xác định được số lượng người và những nơi về của người dân, Bộ Tư lệnh Tp.HCM sẽ phối hợp với những địa phương liên quan để tổ chức đón tiếp, các báo Việt Nam cho biết, trích thông tin của Bộ Tư lệnh.

Thông báo của cơ quan chỉ huy quân sự này cho biết thêm rằng nhà chức trách Tp.HCM “sẽ tổ chức xét nghiệm, khám sức khỏe” cho người dân trước khi đưa họ về quê “để đảm bảo an toàn”.

Đó là việc làm rất tốt, hơi muộn nhưng vẫn còn kịp thời để có thể chở mọi người về quê được và đỡ cho họ những sự nhọc nhằn.
Doanh nhân Lê Hoài Anh


Lực lượng vũ trang thành phố “sẽ cử cán bộ, chiến sĩ đi cùng và đảm bảo phương tiện chở bà con, cô bác về quê hương theo nguyện vọng”, Bộ Tư lệnh khẳng định.

Như VOA đã đưa tin, trong ít ngày gần đây, ngay sau ngày 30/9, hàng vạn người dân đã và đang rời khỏi các trung tâm kinh tế hoặc trung tâm sản xuất gồm Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An để về quê vì bị mất sinh kế do đại dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách, phong tỏa.

Trong thông báo của họ, Bộ Tư lệnh Tp.HCM nói cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở thành phố “rất thấu hiểu điều đó” và khẳng định rằng trong lúc người dân gặp khó khăn, hoạn nạn như thế này, “lực lượng vũ trang thành phố rất mong muốn được chia sẻ và được đồng hành với người dân trên chặng đường về quê hương”.

Theo quan sát của VOA, thông báo của Bộ Tư lệnh được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội và nhận được những lời bình luận mà phần lớn cho rằng đây là động thái “sửa sai”, “muộn”, hoặc “chậm” khi người dân “đã về hết” hoặc “về gần hết”. Bên cạnh đó, cũng có một số lời khen rằng đây là hành động “tốt”, “làm ấm lòng dân”.

Từ Tp.HCMC, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, người điều hành nhiều hoạt động cứu trợ thiện nguyện trong những tháng gần đây, đưa ra bình luận với VOA:

“Đó là việc làm rất tốt, hơi muộn nhưng vẫn còn kịp thời để có thể chở mọi người về quê được và đỡ cho họ những sự nhọc nhằn”.

Dẫn thông tin được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, bà Hoài Anh lưu ý rằng vẫn có có rất nhiều người không có xe cộ cá nhân, phải đi bộ, và họ bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, nhìn rất xót xa, thêm vào đó là cảnh ngộ của nhiều người không có tới 100.000 đồng trong túi.

Họ quá thiếu thốn, đồng thời họ cũng mất niềm tin vào việc sẽ được [chính quyền] cứu trợ ... Và họ cũng hoàn toàn không biết tương lai sẽ như thế nào nên họ về quê rất là nhiều.
Bà Lê Hoài Anh


Là người trực tiếp thực hiện các hoạt động thiện nguyện, bà Hoài Anh đưa ra quan sát rằng những người lao động vốn đã không dành dụm được bao nhiêu trước đây thì trong 3 tháng phong tỏa vừa qua đã bị rơi vào cảnh thiếu thốn nhất, không chỉ là thực phẩm mà cả thuốc men, trong khi không ít người bị nhiễm virus.

Bà Hoài Anh cho biết các hội nhóm thiện nguyện đã làm rất nhiều, cố hết sức, nhưng trong bối cảnh hàng triệu người thất nghiệp vì đại dịch và các biện pháp phong tỏa, không thể mang lại đủ sự trợ giúp cho tất cả mọi người.

Trong khi đó, vẫn theo lời của nữ doanh nhân, chương trình cứu trợ của chính quyền không kịp thời, vì vậy, nhiều người dân không thể cầm cự, phải rời các trung tâm kinh tế, các trung tâm sản xuất để về quê. Bà nói thêm:

“Họ quá thiếu thốn, đồng thời họ cũng mất niềm tin vào việc sẽ được [chính quyền] cứu trợ. Cả thành phố bị phong tỏa, nhiều chỗ để dây thép gai, họ không ra ngoài được, họ chỉ sống hoàn toàn nhờ cứu trợ. Và họ cũng hoàn toàn không biết tương lai sẽ như thế nào nên họ về quê rất là nhiều, vài vạn, vài trăm ngàn người, đã đang và sẽ về nữa”.

Báo chí Việt Nam và nước ngoài thời gian gần đây phản ánh rằng nhiều doanh nghiệp có hãng xưởng ở Việt Nam bày tỏ lo ngại về việc sẽ thiếu người lao động khi đất nước mở cửa trở lại.

VOA Express

XS
SM
MD
LG