Đường dẫn truy cập

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rúng động vụ trực thăng chiến đấu bị bắn rơi


Trực thăng Cobra của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc diễn tập ở Izmir.
Trực thăng Cobra của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc diễn tập ở Izmir.

Một đoạn video của nhóm phiến quân người Kurd PKK cho thấy sự việc được nói là vụ bắn rơi một máy bay trực thăng tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng đông nam đang buộc quân đội nước này phải có sự điều chỉnh lớn. Từ thành phố Istanbul, thông tín viên Dorian Jones tường trình rằng việc phiến quân có được phi đạn địa đối không được xem là sự kiện làm thay đổi cục diện trong cuộc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ.

Một đoạn phim video do nhóm phiến quân người Kurd PKK sản xuất dường như cho thấy một vụ phục kích được thực hiện một cách kỹ lưỡng nhắm vào một chiếc máy bay trực thăng tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính chân thực của video này chưa được xác nhận, trong khi quân đội tuyên bố chiếc máy bay trực thăng bị rơi vì những lý do kỹ thuật.

Nhưng thiếu tướng Thổ Nhĩ Kỳ hồi hưu Haldun Solmazturk nói một vụ tấn công như vậy sẽ mang lại hậu quả sâu rộng.

"Từ góc độ quân sự, việc này cực kỳ hệ trọng. Việc này sẽ làm thay đổi những chiến thuật của cách tiếp cận tổng thể, cán cân quyền lực giữa PKK và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và nó sẽ có ảnh hưởng đến sĩ khí của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ."

Thêm vào những lo ngại của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là sự thất bại rõ ràng của hệ thống phòng thủ của máy bay trực thăng này, theo lời chuyên gia Metehan Demir, một cựu phi công quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

"Máy bay trực thăng bị bắn rơi đã không hoạt động đơn độc trong chiến dịch quân sự. Có một máy bay trực thăng khác bay ngay sau nó, và máy bay trực thăng này đã không được hệ thống phòng thủ cảnh báo là phi đạn đang đến. Việc này cũng rất lạ, nghĩa là hệ thống này trông có vẻ mới được PKK sử dụng, và có thể có những phi đạn tương tự mà PKK đang nắm trong tay."

Những nhà phân tích nói rằng phi đạn được sử dụng trong vụ tấn công dường như là do Nga chế tạo, nhưng chưa rõ làm sao mà PKK có được loại phi đạn này và có bao nhiêu.

PKK vẫn đang chiến đấu chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ để đòi nhiều quyền hơn cho người thiểu số suốt hơn ba thập niên qua. Chiến sự tái tục vào năm ngoái sau khi những cuộc đàm phán hòa bình sụp đổ.

Ông Solmazturk, người đã chiến đấu chống lại PKK suốt những năm 1990, nói rằng vụ bắn rơi máy bay trực thăng sẽ làm suy yếu cuộc chiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại phiến quân.

"Về nguyên tắc đó là sự kiện làm thay đổi cục diện. Những chiến dịch của quân đội chủ yếu dựa vào sự yểm trợ tác chiến trên không, và vũ khí trên không duy nhất mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu là máy bay trực thăng tấn công. Và số lượng của chúng cũng rất hạn chế. Vì vậy, sự hiện diện của những phi đạn chống máy bay sẽ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến những chiến dịch chống khủng bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ."

PKK vẫn chiến đấu chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ để đòi nhiều quyền hơn cho người thiểu số suốt hơn ba thập niên qua.
PKK vẫn chiến đấu chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ để đòi nhiều quyền hơn cho người thiểu số suốt hơn ba thập niên qua.

Những nhà phân tích cho rằng quân đội chủ yếu dựa vào tám hoặc chín chiếc máy bay trực thăng Super Cobra hai động cơ, một chiếc trong số đó đã bị bắn rơi, và có thể có 30 chiếc Cobra một động cơ mà gần như đã lỗi thời.

Nhà phân tích Demir nói quân đội bây giờ sẽ phải áp dụng những chiến thuật mạo hiểm hơn.

"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển hướng chiến dịch quân sự của mình từ không trung xuống mặt đất. Thật không may, PKK rất rành khu vực đó suốt nhiều thập niên. Ngay cả trong những hang động trong khu vực, họ thật ra cài đặt rất nhiều bom, rất nhiều thiết bị thực sự không biết là gì. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ phải rất cẩn thận về chiến dịch trên mặt đất của mình."

Những nhà quan sát cảnh báo viễn cảnh máy bay trực thăng bị hạn chế sử dụng có thể sẽ khiến PKK đẩy mạnh chiến dịch của mình, càng tăng thêm áp lực lên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu ở những vùng nông thôn, và trong cuộc chiến ở thành thị đông đúc, dễ gây ra nhiều tổn thất trong vùng đông nam - nơi đại đa số dân chúng là người Kurd.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG