Đường dẫn truy cập

Quan hệ EU-Nga xấu đi vì vụ bắt giữ ông Navalny


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, Josep Borrell, tại một cuộc họp báo sau cuộc đàm phán ở Moscow, ngày 5/2/2021. Russian Foreign Ministry/Handout via REUTERS
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, Josep Borrell, tại một cuộc họp báo sau cuộc đàm phán ở Moscow, ngày 5/2/2021. Russian Foreign Ministry/Handout via REUTERS

Hôm thứ Sáu 5/2, Nga cho biết đã trục xuất một số nhà ngoại giao từ Thụy Điển, Ba Lan và Đức, cáo buộc họ tham dự một cuộc mít tinh ủng hộ nhà lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, giữa lúc căng thẳng đang tăng cao về vụ bỏ tù ông Navalny, kẻ thù nổi bật nhất của Điện Kremlin.

Thông báo được đưa ra khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, nói với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng cách đối xử với ông Navalny là "một điểm thấp" trong quan hệ giữa Brussels với Moscow.

Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc các nhà ngoại giao Thụy Điển và Ba Lan ở St.Petersburg và một nhà ngoại giao Đức ở Moscow là tham gia các cuộc biểu tình mà Nga cho là "bất hợp pháp" vào ngày 23/1, là ngày hàng chục nghìn người trên khắp nước Nga xuống đường biểu tình để phản đối vụ bắt giữ ông Navalny.

Các nhà ngoại giao trong cuộc bị Nga cho là những "cá nhân không được hoan nghênh" và yêu cầu rời khỏi nước Nga "trong thời gian ngắn", theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga.

Các quan chức châu Âu lập tức tố cáo động thái này.

Nói với hãng thông tấn AP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Ðiển Mats Samuelsson nói đây là “điều này hoàn toàn không hợp lý”. Stockholm “mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố của Nga rằng các nhà ngoại giao đã tham gia một cuộc biểu tình ở Nga” ông nói EU “có quyền thực hiện các biện pháp thích hợp để đáp trả,” ông nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel lặp lại tuyên bố của mình.

“Chúng tôi coi quyết định trục xuất này là không hợp lý và rằng đó là một khía cạnh khác của những điều có thể chứng kiến ở Nga vào thời điểm hiện tại, khác xa với pháp quyền,” bà Merkel nói tại Berlin sau một cuộc họp qua nối kết video với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông Macron lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất" quyết định trục xuất các nhà ngoại giao EU và những gì đã xảy ra cho ông Navalny "từ đầu chí cuối."

Nhà lãnh đạo Pháp tỏ tình đoàn kết với Đức, Ba Lan và Thụy Điển.

Ông Navalny, 44 tuổi, chuyên điều tra chống tham nhũng và là người chỉ trích Tổng thống Putin được biết tiếng, bị bắt vào ngày 17 tháng 1 khi ông trở về Nga từ Đức, nơi ông đã trải qua 5 tháng để hồi phục sau khi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh mà ông quy lỗi cho Điện Kremlin. Nhà chức trách Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Trong các cuộc biểu tình đông đảo diễn ra trên khắp 11 múi giờ của nước Nga trong hai cuối tuần liên tiếp, nhiều người hô to các khẩu hiệu chống Putin, thể hiện nỗi bất bình lớn nhất tính từ nhiều năm nay. Hàng ngàn người đã bị tống giam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG