Đường dẫn truy cập

Quan hệ Việt-Anh: Sau Brexit, Anh xoay trục sang hướng Đông?


Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp Thiếu tướng Stuart Millar, Cục trưởng Cục Năng lực tác chiến quân y Anh tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, 25/3/19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN))
Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp Thiếu tướng Stuart Millar, Cục trưởng Cục Năng lực tác chiến quân y Anh tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, 25/3/19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN))

Giữa lúc vương quốc Anh đang ráo riết dồn nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp tối ưu cho Brexit trước khi nước này rời Liên hiệp châu Âu, thì các nhà chiến lược của nước này từ vài năm nay đã bắt đầu vạch ra một hướng đi mới cho một nước Anh hậu Brexit bằng cách quay sang Đông Nam Á, theo một chính sách ‘xoay trục sang hướng Đông’ của riêng nước Anh. Trong chiều hướng đó, Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng của nước Anh, không những về mặt chiến lược, mà còn về thương mại, giáo dục, và nhiều lĩnh vực khác.

Đối với Việt Nam, Anh là một trong những cường quốc mà Hà nội muốn xích lại gần hơn để tranh thủ sự hậu thuẫn cho Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trong Biển Đông.

Cách đây vài ngày vào cuối tháng Ba, 2019, Việt Nam và vương quốc Anh họp bàn về vấn đề quốc phòng. Đây là một trong nhiều sự kiện diễn ra từ năm 2018, đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ bang giao (1973- 2018) và 8 năm thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” giữa Việt Nam và Anh.

Theo một bài báo đăng trên tờ The Diplomat vào ngày 2/4/2019 về các quan hệ quân sự Việt-Anh, London và Hà nội tuyên bố sẽ thắt chặt hơn các quan hệ đối tác chiến lược để đánh dấu các mốc điểm quan trọng đó, và thích ứng với những diễn biến mới trong tình hình hai nước đang phải đương đầu với nhiều thách thức.

Tác giả bài báo là Prashanth Parameswaran, một biên tập viên của tờ The Diplomat, chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, chính sách đối ngoại và an ninh Châu Á. Ông nói từ khi hai nước nâng quan hệ lên tầm “chiến lược” vào năm 2010, quan hệ Việt - Anh đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Hai nước đã từng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Anh đã giúp Việt Nam về mặt chuyên môn trong sứ mạng gìn giữ hòa bình LHQ đầu tiên của Việt Nam tại Nam Sudan. Hai bên cũng đang tìm cách củng cố và phát triển quan hệ song phương giữa lúc Anh đang đẩy mạnh các quan hệ với các nước Đông Nam Á sau Brexit. Trong chiều hướng đó, Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, được xem là những đối tác có nhiều tiềm năng cho Anh Quốc trong thời hậu Brexit.

Giáo dục là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh. Theo các số liệu của chính phủ Anh, hiện có hơn 8.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Anh Quốc.

Về phía Việt Nam, Hà nội xem vương quốc Anh là một trong các cường quốc có thể hậu thuẫn Việt Nam trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh quyết tâm quân sự hóa vùng biển này để theo đuổi giấc mộng bá quyền khu vực.

London đã gửi chiến hạm tới Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của hải quân hoàng gia Anh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi đi ngang qua Biển Đông, tàu đổ bộ HMS Albion của Hải quân Anh ghé thăm TP HCM vào sáng 3/9/2018. Mục đích là tăng cường quan hệ hữu nghị giữa quân đội hai nước và lực lượng hải quân nói riêng, qua đó thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Đầu năm 2019, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại Giao Anh đặc trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương Mark Field đi thăm Việt Nam, tại đây ông tuyên bố là sau khi rời Liên Hiệp Châu Âu, London sẽ thắt chặt hơn nữa các quan hệ với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, công nghệ, thành phố thông minh cho tới an ninh mạng.

Ông Mark Field tới Việt Nam vào ngày 2/1/2019, 1 ngày sau khi luật an ninh mạng của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Theo báo Guardian của Anh, ông bị chỉ trích vì đã không lên án bộ luật khắc nghiệt mới được ban hành nhằm chặn lại những chỉ trích chính trị trên internet.

Những người chỉ trích cho rằng việc ông Field không đả động tới luật an ninh mạng với các quan chức Việt Nam là một thiếu sót lớn, mặc dù ông viết trên Twitter vào sáng đầu tiên ở Việt Nam: “Tự do báo chí và tự do internet giúp kinh tế phát triển” và “Tự do truyền thông sẽ giúp Việt Nam thực hiện được tiềm năng to lớn của mình.”

Giám đốc phụ trách châu Á của Human Rights Watch, Phil Robertson, hối thúc chính phủ Anh hãy “công khai đòi Việt Nam hủy Luật An ninh mạng, đồng thời bảo đảm là không một chương trình nào của chính phủ Anh, hoặc đầu tư nước ngoài nào của Anh tạo điều kiện cho các vụ đàn áp.”

Theo Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì vương quốc Anh là một trong các nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau chiến tranh. Anh bây giờ là một ‘đối tác ưu tiên’ của Việt Nam tại châu Âu.

Hậu Brexit, Tạp chí Cộng sản của Việt Nam nói hai nước đều “mong muốn quan hệ song phương tiếp tục phát triển sâu rộng, và không bị tác động bởi bất cứ sự xáo trộn hay gián đoạn nào”.

Trong chuyến thăm nước Anh của Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh hồi tháng 10/2018, hai bên ra tuyên bố chung, nhấn mạnh trong thời kỳ chuyển tiếp Brexit, “Việt Nam và Anh mong muốn duy trì quan hệ thương mại suôn sẻ khi Anh rời EU, bảo đảm tính liên tục trong các hoạt động kinh doanh”.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định rời Brexit không có nghĩa là Anh quay lưng với tự do thương mại, mà ngược lại, Brexit “mở ra một cơ hội to lớn để hai nước tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG