Đường dẫn truy cập

Quan hệ Việt-Mỹ: Bài học rút ra từ những cơ hội bỏ lỡ


Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ
Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ

Hai mươi ba năm bình thường hóa ngoại giao là một thời gian khá dài. Đến thăm Việt Nam vào thời điểm này, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo nói trong một buổi tiếp tân tại Hà nội: “Không ai ngờ bây giờ có thể nói chuyện thân mật với lãnh đạo Việt Nam và dân chúng Việt Nam như vậy”. Giáo sư Tạ Văn Tài nhận định, nói như vậy là phủ nhận một truyền thống tốt đẹp là nhanh chóng hòa giải với cựu thù, đã có từ lâu của người Mỹ.

Giáo sư Tạ Văn Tài nói: “Ông Ngoại Trưởng Mỹ ông ấy nói như vậy là không nhớ đến diễn tiến hòa giải với cựu thù của Mỹ đã có từ lâu, từ thời Thế chiến thứ Hai, Mỹ với nước Đức với chương trình tái thiết Âu Châu-Marshall Plan, và với Nhật Bản. Tướng McCarthur nói với Nhật Hoàng "Ngài cứ việc trị vì, chúng tôi chỉ có giúp quản trị nước Nhật', thì tiến trình đó Mỹ dễ dàng làm sớm, tuy nhiên chậm hay không là do phía Việt Nam.”

Kỳ niệm 15 năm quan hệ Việt-Mỹ
Kỳ niệm 15 năm quan hệ Việt-Mỹ

Nhà quan sát các vấn đề Việt Nam cho rằng lẽ ra Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa bang giao từ sớm, và Hà nội đã không phí phạm tới 2 thập niên bị cô lập và dồn vào chỗ gần như kiệt quệ, trước khi mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Chính ông Việt Nam mới là người làm chậm trễ tiến trình bình thường hóa ngoại giao, và một khi đã bình thường hóa rồi thì tiến trình ‘engagement’ tức là giao thiệp thâm sâu hơn đã tiến quá chậm.”

Theo giáo sư Tài thì chính Việt Nam đã làm chậm tiến trình bình thường hóa sau khi chiến tranh kết thúc vì trong nhiều năm sau, Hà nội vẫn nhất mực đòi Mỹ bồi thường chiến tranh khiến cho Tổng thống thời bấy giờ là Jimmy Carter (1977-1981) rút lại, không muốn nói chuyện với Việt Nam, thế rồi Mỹ đặt ra một lộ trình dài, buộc Việt Nam phải giải quyết một số vấn đề trước khi tháo bỏ cấm vận.

...Chính Việt Nam đã làm chậm tiến trình bình thường hóa sau khi chiến tranh kết thúc vì trong nhiều năm sau đó, Hà nội nhất mực đòi Mỹ bồi thường chiến tranh, khiến Tổng thống thời bấy giờ là Jimmy Carter rút lại, không muốn nói chuyện với Việt Nam...
GS Tạ Văn Tài

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Sau đó Mỹ mới đặt ra cái lộ trình (roadmap), là phải giải quyết những vấn đề khúc mắc, như là chiến tranh bên Cam-bốt phải rút lui, phải tìm hài cốt các quân nhân Mỹ tử trận ở Việt Nam, và phải cho các đồng minh cũ của Mỹ là các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà được di tản ra ngoại quốc thì từ từ mới gỡ cấm vận, để rồi rốt cuộc bình thường hóa ngoại giao vào năm 1995”.

Nên rút ra bài học nào để tránh đi vào vết xe cũ và phí phạm thêm thời gian, trong bối cảnh Việt Nam đang bị Trung Quốc o ép lấn chiếm lãnh hải?

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Martin Dempsey, phải, và vị đồng cấp Việt Nam, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, trái, duyệt hàng quân danh dự trước khi đàm phán ở Hà Nội, ngày 14/8/2014.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Martin Dempsey, phải, và vị đồng cấp Việt Nam, Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ, trái, duyệt hàng quân danh dự trước khi đàm phán ở Hà Nội, ngày 14/8/2014.

Giáo sư Tạ Văn Tài: “Nên bây giờ đừng có ủng oẳng, cứ ngại là thân với Mỹ thì sẽ làm mếch lòng Tàu. Bị Tàu nó phang cho cho thì mình phải thân với Mỹ thì Tàu nó mới nể.”

“Thế nên bây giờ đừng có ủng oẳng, cứ ngại là thân với Mỹ thì sẽ làm mếch lòng Tàu. Bị Tàu nó phang cho cho thì mình phải thân với Mỹ, thì Tàu nó mới nể.”
GS Tạ Văn Tài

Đánh giá quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ dưới quyền Tổng thống Trump, Giáo sư Tạ Văn Tài nói xuất thân là một doanh nhân có tính thực dụng, ông Trump muốn áp lực Việt Nam phải thỏa đáng một số đòi hỏi:

“Chẳng hạn về thương mại thì phải công bình, tức là Việt Nam cần phải nhập hàng hóa của Mỹ nhiều hơn. Thực ra thì thời ông Obama cũng đã có Hiệp định TPP để Việt Nam có thể hội nhập vào tất cả các nước quanh Thái Bình Dương, nhất là thị trường rộng lớn của Mỹ đã từng giúp Việt Nam trong 20 năm bỏ cấm vận, đã làm cho nền kinh tế Việt Nam thịnh vượng. Bây giờ thì có một số vấn đề như TPP bị hoãn lại, chưa biết là sẽ thực thi thế nào giữa 11 nước còn lại.”

Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng chính sách của Mỹ đối với Việt Nam thực ra không thay đổi so với nhiệm kỳ trước dưới quyền Tổng thống Obama.

“Chính sách Mỹ đúng ra không thay đổi, về vấn đề Biển Đông chẳng hạn thì những cuộc tuần tiễu để khẳng dịnh tự do hàng hải (FONOB) còn mạnh hơn cả thời Obama, tiến sát dưới 12 hải lý cạnh những hòn đá mà Trung Quốc đã chiếm của các nước ở Đông Nam Á, kể cả Việt Nam. Điều đó không thay đổi. Về vấn đề kết thân với quân sự với Việt Nam, hàng không mẫu hạm mới tới Cam Ranh, rồi mới có những sự thương lượng về vấn đề mua khí giới. Việt Nam chưa đủ tiền hay chưa muốn mua của Mỹ nhiều, nhưng mà tôi thấy không có thay đổi gì về vấn đề chiến lược.”

Giáo sư Tạ Văn Tài nói mặc dù Tổng thống Trump là một nhân vật có tính khí hơi bất thường, đôi khi ‘bất khả tiên liệu’, nhưng dưới ông Trump có một số quan chức giỏi như cựu tướng/Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, cựu Ngoại Trưởng Rex Tillerson và giờ ông Mike Pompeo, mà Giáo sư Tạ Văn Tài đánh giá cao vì đã từng làm tình báo nên biết những thông tin xác thực để cố vấn Tổng thống Trump, và trong khả năng có thể làm được, ngăn ông Trump làm những điều theo “tùy hứng”.

Giáo sư Tạ Văn Tài là một chuyên gia theo sát các vấn đề liên quan tới Việt Nam. Ông từng giảng dạy tại Đại học Harvard.

VOA Express

XS
SM
MD
LG