Đường dẫn truy cập

Quan hệ Việt – Nhật ‘không nhắm vào bất kỳ nước nào’


Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã dừng chân tại Việt Nam trong chuyến công du 3 quốc gia Đông Nam Á hồi tháng Giêng.
Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã dừng chân tại Việt Nam trong chuyến công du 3 quốc gia Đông Nam Á hồi tháng Giêng.
Một giới chức Nhật Bản tuyên bố, Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác với Hà Nội cũng như các quốc gia khác nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, nhưng nói rằng các nỗ lực như vậy ‘không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào’.

Trong một phỏng vấn dành riêng cho VOA Việt Ngữ qua email, ông Ono Masuo, Tham tán chính trị của Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, còn nói rằng hợp tác song phương Việt – Nhật đã phát triển nhanh chóng, nhất là sau khi thủ tướng hai nước đồng ý thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2006.

Ông nói: “Hai nước đã đạt được những bước tiến đáng kể nhằm củng cố quan hệ trong một loạt các lĩnh vực như kinh tế, chính trị và văn hóa. Mối bang giao Nhật – Việt hiện ở mức độ tốt nhất từ trước tới nay và chúng tôi đang nỗ lực để phát triển toàn diện mối quan hệ này”.

Mối bang giao Nhật – Việt hiện ở mức độ tốt nhất từ trước tới nay và chúng tôi đang nỗ lực để phát triển toàn diện mối quan hệ này.
Ông Ono Masuo nói.
Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nhật, ông Shinzo Abe đã dừng chân tại Việt Nam đầu tiên trong chuyến công du 3 quốc gia Đông Nam Á.

Ông Abe đã đạt đồng thuận với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc ‘thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực chính trị và an ninh’.

Nhà ngoại giao Masuo nói rằng quan hệ quân sự Việt – Nhật cũng tiến triển sau khi bộ trưởng quốc phòng hai nước ký văn bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương hồi năm 2011.

Ông Masuo nói: “Chúng tôi coi mối quan hệ gần gũi về quốc phòng với các đối tác trong khu vực như Việt Nam góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh có những thay đổi trong môi trường chiến lược”.

Thời gian qua, các giới chức quốc phòng hai nước cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm qua lại.

Chúng tôi coi mối quan hệ gần gũi về quốc phòng với các đối tác trong khu vực như Việt Nam góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh có những thay đổi trong môi trường chiến lược.
Ông Ono Masuo nói.
Đầu tháng này, Việt Nam và Nhật Bản đã tham gia Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng lần hai tại Tokyo.

Truyền thông Nhật đưa tin, hai nước đồng ý ‘phối hợp để đối phó với Trung Quốc’. Tuy nhiên, sau đó, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời ông Vịnh nói rằng ‘hai bên không đề cập tới một quốc gia thứ ba mà chỉ trao đổi ý kiến về việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước’.

Hà Nội và Tokyo hiện có các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Bắc Kinh tại các vùng tương ứng là biển Đông và Hoa Đông.

Khi được hỏi liệu vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc có phải là lý do khiến Việt Nam và Nhật Bản xích lại gần nhau hay không, ông Masuo đã không trả lời thẳng.

Ông nói: “Nhật Bản và Việt Nam có chung quan điểm là tất cả các bên liên quan nên kiềm chế, không có những hành động ép buộc hoặc đơn phương khi xử lý các tranh chấp quốc tế đồng thời giải quyết chúng dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển). Đối với Nhật Bản, hiện không tồn tại vấn đề chủ quyền lãnh thổ cần phải giải quyết liên quan tới quần đảo Senkaku”.

Nhật Bản và Việt Nam có chung quan điểm là tất cả các bên liên quan nên kiềm chế, không có những hành động ép buộc hoặc đơn phương khi xử lý các tranh chấp quốc tế đồng thời giải quyết chúng dựa trên luật pháp quốc tế.
Ông Ono Masuo nói.
Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là vấn đề gây căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh thời gian qua.

Mới đây, Nhật Bản cam kết sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Philippines, một trong những quốc gia tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Đông, nhằm giúp đất nước Đông Nam Á này tăng cường khả năng hải quân.

Ông Masuo cho biết hiện Tokyo ‘không có kế hoạch cụ thể nào nhằm cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam’.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao bốn thập kỷ trước, và xứ sở mặt trời mọc hiện là nhà đầu tư trực tiếp cũng như quốc gia cung cấp khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam.

Tokyo mới đây cũng đã đề nghị Hà Nội giúp giải quyết vụ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân Nhật và đã nhận được cam kết hỗ trợ từ Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Mời quý vị đọc thêm các bài liên quan:

Vì sao Nhật nhờ Việt Nam giúp đàm phán với Bắc Hàn?

Người biểu tình Việt Nam và Philippines sát cánh chống Trung Quốc?

Cùng khai thác biển Đông sẽ hóa giải tranh chấp?

Biển Đông ‘đánh thức’ tinh thần dân tộc của người Việt?

VOA Express

XS
SM
MD
LG