Các nhà lập pháp Hy Lạp hôm nay sẽ biểu quyết về gói cải cách thứ 2 mà họ cần thực hiện để nhận được ngân khoản cứu nguy của châu Âu.
Gói cải cách trên bàn nghị trình hôm nay bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo các khoản tiền gửi ở ngân hàng và tăng tốc tiến trình pháp lý và kiềm chế các chi phí của tiến trình.
Cuộc biểu quyết này được coi là ít gây tranh cãi hơn gói cải cách hồi tuần trước, trong đó bao gồm việc cắt giảm chi tiêu và các cải cách lương hưu nhưng đã được thông qua mặc dù có sự chống đối ngay trong chính đảng Syriza của thủ tướng.
Tờ báo ủng hộ chính phủ Avgi mô tả cuộc biểu quyết hôm thứ Tư là một “vụ tông thử” của đảng Syriza, một vụ việc sẽ định đoạt là chính phủ của ông Tsipras có thể tồn tại hay không hay là vị thủ tướng này phải từ chức.
Hôm thứ Hai, Hy Lạp đã mở cửa lại các ngân hàng lần đầu tiên trong vòng 3 tuần và đồng thời họ cũng tăng thuế và trả khoản nợ quan trọng cho 2 tổ chức cho vay quốc tế.
Người gửi tiền ồ ạt đến ngân hàng để rút tiền. Tuy các hạn chế đang được nới lỏng, việc rút tiền vẫn bị giới hạn ở mức 455 đô-la/tuần.
Trong vòng 3 tuần trước đó, chính phủ đã cho phép việc rút tiền ở mức 65 đô-la/ngày từ các máy rút tiền đặt trên phố.
Những người tiêu dùng Hy Lạp và khách du lịch cũng đối mặt với mức 13 - 23% thuế cao hơn trước trên một loạt các mặt hàng tiêu dùng, bao gồm cà phê, bữa ăn ở nhà hàng, vé taxi và phà tới các đảo của Hy Lạp. Sự thu thuế này là một phần của kế hoạch kiệm ước mới mà Hy Lạp buộc phải chấp nhận để mở lại thương lượng với các tổ chức cho vay cho một gói giải cứu trị giá 93 tỷ đô-la và sẽ là sự giải cứu thứ 3 trong vòng 5 năm.
Hy Lạp hôm thứ Hai cũng đã trả được 6,5 tỷ đô la cho 2 chủ nợ, là Ngân Hàng Trung Ương châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Thế Giới, sau khi có được 7 tỷ đô-la vay tạm thời từ một quỹ khẩn cấp của châu Âu.
IMF, có trụ sở chính ở Washington, nói một khi trả được khoản nợ hơn 2 tỷ đô-la thì tổ chức tiền tệ quốc tế này “sẽ sẵn sàng tiếp tục giúp đỡ Hy Lạp trong các nỗ lực của nước này để phục hồi ổn định tài chính và phát triển”.