Đường dẫn truy cập

Quốc hội Nga đồng ý ngưng thỏa thuận Plutonium với Mỹ


Các nhà lập pháp Nga tham dự một phiên họp của Hạ viện Nga tại Moscow. (Ảnh tư liệu)
Các nhà lập pháp Nga tham dự một phiên họp của Hạ viện Nga tại Moscow. (Ảnh tư liệu)

Hạ viện Nga, Viện Duma, đã nhất trí thông qua một sắc lệnh đã được Tổng thống Vladimir Putin ký, đình chỉ một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc xử lý chất plutonium tinh chế tới cấp độ có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí.

Hồi đầu tháng này, ông Putin nói có một “mối đe dọa đang nổi lên đối với sự ổn định chiến lược”, hệ quả của các “hành động không thân thiện” của Washington.

Ông Putin nói thỏa thuận này sẽ được phục hồi nếu Mỹ rút quân đã triển khai gần biên giới Nga và hủy bỏ các biện pháp cấm vận đối với Nga.

Hôm thứ Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với các nhà lập pháp rằng Moscow có thể thực hiện các bước khác gây “đau đớn” cho Hoa Kỳ nếu Washington gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Theo thỏa thuận ký kết vào năm 2000 và được gia hạn thêm vào năm 2010, hai cường quốc hạt nhân có nghĩa vụ phải xử lý plutonium ở cấp độ vũ khí trong các chương trình quốc phòng của mình.

Sắc lệnh của Nga hôm thứ Tư còn cáo buộc Hoa Kỳ là không “bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng plutonium ở cấp độ vũ khí”.

Dựa trên thỏa thuận năm 2010, mỗi bên sẽ hủy bỏ 34 tấn plutonium bằng cách đốt trong các lò phản ứng hạt nhân. Đây là số lượng đủ lớn để có thể chế tạo gần 17.000 vũ khí hạt nhân.

Nga và Mỹ đều xem thỏa thuận này như một biểu tượng của chính sách xích lại gần nhau giữa Nga và Mỹ, và sự tăng cường hợp tác giữa hai nước hướng tới cấm phổ biến hạt nhân.

Nhưng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, và hậu thuẫn các phần tử ly khai thân Nga ở đông Ukraine, các quan hệ giữa Moscow và Washington đã tuột dốc xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Washington đã đóng vai trò chủ chốt dẫn các nước phương Tây tới chỗ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG