Các buổi họp Quốc hội trong nước gần đây được dư luận chú ý.
Các cuộc thảo luận về sự kiện phá sản của đại công ty quốc doanh Vinashin và sự kiện khai thác bauxite trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn.
Đã có nhiều tiếng nói ngay thật, chững chạc, có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, dựa vững vào sự thật, vào văn kiện pháp lý về chức năng, quyền hạn của chính phủ, của thủ tướng, của bộ trưởng đề đề ra những kiến nghị, yêu cầu thích hợp.
Nhiều báo chí lề phải, chuyên nghe theo gậy chỉ huy của tuyên giáo và công an, nay cũng chuyển sang phản ánh khá trung thực các lời phát biểu nảy lửa trên diễn đàn Quốc hội.
Thời buổi thông tin hiện đại bén nhậy, không ai dám kiểm duyệt, cắt xén các lời phát biểu tại Quốc hội. Các blog Ba Sàm, Gốc Sậy…qua máy ghi âm, thuật lại tỷ mỷ đầy đủ từng lời phát biểu của các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Dương Trung Quốc, Nguyễn Đức Kiên…nêu rõ trách nhiệm của chính phủ, của thủ tướng, của từng bộ trưởng liên quan, như các bộ trưởng Kế hoạch đầu tư, Công thương, Tài chính, Tài nguyên môi trường, của Thanh tra chính phủ trong 2 sự kiện chấn động này.
Xã hội dân sự đã đĩnh đạc bước vào phòng họp Quốc hội, khi các đại biểu đồng tình đề nghị lập ra Ban điều tra lâm thời để xem xét trách nhiệm các thành viên chính phủ, và thủ tướng phải ngừng trách nhiệm để chờ quốc hội đánh giá theo luật định. Có đại biểu nói giữa hội trường rằng nếu như ở một nước dân chủ có pháp luật nghiêm, để tổn thất công quỹ 100.000 tỷ đồng như vụ Vinashin thì chính phủ đã phải từ chức, đã bị mất chức và còn bị truy tố, kể cả thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng liên quan.
Có đại biểu còn nêu lên sắp tới khi bỏ phiếu về vụ Vinashin và về vụ bauxite, các đại biểu sẽ thực hiện «duy danh đầu phiếu», nghĩa là ghi rõ tên mình để cho công luận, cử tri biết rõ thái độ, trách nhiệm từng người trước nhân dân và lịch sử.
Trên đây là những nét đẹp mới, chứng minh xã hội dân sự, xã hội công dân đang lừng lững bước tới ở giữa xã hội đang thức tỉnh, với những cuộc xuống đường, cầu nguyện, kiến nghị tấp thể của dân oan, bãi công của lao động, hàng vạn blogger xuất hiện, trao đổi đối thoại sôi nổi, tự do mà cường quyền cay cú không sao ngăn cản nổi ; và nay xã hội dân sự đã lấn hẳn vào giữa quốc hội rồi.
Tuy nhiên các cuộc thảo luận giữa Quốc hội có mạnh dạn, có phần khác trước, nhưng vẫn chưa nói lên được một số điều đáng nói: đó là trách nhiệm trước hết của Bộ chính trị và đặc biệt của tổng bí thư Đảng cộng sản, người đã dám ký tên trong Tuyên bố chung, cam kết với Trung Quốc thỏa thuận khai thác bauxite khi chính phủ và Quốc hội chưa hề bàn và quyết định về vấn đề hệ trọng này.
Và nay lối thoát thật là khó. Quốc hội cần bàn cho kỹ lối thoát ra khỏi hiểm họa này ra sao. Vì hiểm họa bùn đỏ bauxite sinh ra từ hiểm họa của thái độ ươn hèn, phụ thuộc, bị mua chuộc của các nhân vật cầm đầu đảng trước sự lấn lướt sai bảo của bá quyền bành trướng Bắc Kinh.
Quốc hội còn họp hơn 2 tuần lễ nữa. Để xem xã hội dân sự sẽ lấn thêm cái «Quốc hội gọi dạ bảo vâng» ra sao, khi hơn 90% đại biểu là đảng viên. Dù sao đã có những nét mới mẻ.
Cho đến khi có một Quốc hội do đông đảo cử tri lựa chọn từng đại biểu, trong một cuộc bầu cử tư do, có tranh cử tự do, giữa nhiều tổ chức chính trị do chính công dân lập nên, để cùng nhau ganh đua phục vụ đại chúng, lấy lá phiếu của cử tri làm trọng tài.
* Blog của Tiến sĩ Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.