Đường dẫn truy cập

Quốc hội Việt Nam lên án Trung Quốc ‘vi phạm nghiêm trọng chủ quyền’


Đây là lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được đưa ra trước hơn 500 đại biểu Quốc hội kể từ khi xảy ra vụ đụng độ ở khu vực gần Bãi Tư Chính vào tháng 7/2019.
Đây là lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được đưa ra trước hơn 500 đại biểu Quốc hội kể từ khi xảy ra vụ đụng độ ở khu vực gần Bãi Tư Chính vào tháng 7/2019.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 vào sáng 21/10, Quốc hội Việt Nam đã đề cập đến những diễn tiến căng thẳng gần đây trên Biển Đông và nói rằng các tàu Trung Quốc đã “vi phạm nghiêm trọng” vùng biển của Việt Nam. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lại khẳng định “không bao giờ nhân nhượng” đối với vấn đề độc lập, chủ quyền khi ông đọc báo cáo trước nghị trường.

Đây là lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được đưa ra trước hơn 500 đại biểu Quốc hội kể từ khi xảy ra vụ đụng độ ở khu vực gần Bãi Tư Chính giữa lực lượng cảnh sát biển Việt Nam với các tàu hải cảnh Trung Quốc vào đầu tháng 7, sau khi Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 tới hoạt động trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội Việt Nam ngày 21/10 nói rằng “việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng”, theo tường thuật của báo Dân Trí.

Thường trực Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh, đề nghị cần phải nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng và chủ động phân tích, dự báo tình hình khu vực và thế giới để có đối sách thích hợp trong việc bảo vệ chủ quyền.

Cũng tại buổi họp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, sau khi lặp lại phát biểu “không nhân nhượng” về vấn đề chủ quyền mà ông đã đưa ra hồi tháng trước, đã khẳng định về “chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta” trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến Biển Đông, theo Zing.

Việc Trung Quốc nhiều lần đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 ra, vào hoạt động trong vùng biển của Việt Nam trong nhiều tháng qua với lý do “khảo sát” đã đẩy mối quan hệ Việt-Trung lên mức căng thẳng đỉnh điểm, kể từ sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014.

Bất chấp Hà Nội nhiều lần lên tiếng và kể cả gửi công hàm chính thức phản đối, Trung Quốc không những không dừng lại các hoạt động trên mà còn tiếp tục đưa cả tàu cẩu Lam Kình vào vùng EEZ của Việt Nam và giàn khoan Thạch Du 982 vào hoạt động trên Biển Đông tại vùng nước sâu 3.000 mét vào cuối tháng trước, South China Morning Post tường thuật.

Vào tháng 8, một nhóm nhân sỹ trí thức Việt Nam đã tìm cách “trao tận tay” bản Tuyên bố Biển Đông với hơn 1.000 chữ ký cho các nhà lập pháp tại Hà Nội để yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, nỗ lực của các trí thức Việt Nam đã không thành công khi Văn phòng Quốc hội yêu cầu phải có lịch hẹn trước mới được tiếp xúc và làm việc.

Cho đến thời điểm hiện tại, sau khi các chóp bu Việt Nam như Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh… và một số tướng lĩnh lên tiếng gần đây về vấn đề Biển Đông, Hà Nội vẫn chưa cho thấy dấu hiệu rõ ràng nào về khả năng sẽ khởi kiện Trung Quốc trong tương lai gần, giống như Philippines đã làm và đã thắng kiện tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào năm 2016.

VOA Express

XS
SM
MD
LG