Đường dẫn truy cập

Quốc tế báo động tình hình tự do báo chí tại Việt Nam


Chính phủ Việt Nam duy trì một trong những chính sách kiểm duỵêt truyền thông gắt gao nhất Châu Á, thể hiện rõ nhất qua việc nghiêm cấm báo chí tư nhân, kiểm soát chặt chẽ tất cả phương tiện truyền thông nhà nước.
Chính phủ Việt Nam duy trì một trong những chính sách kiểm duỵêt truyền thông gắt gao nhất Châu Á, thể hiện rõ nhất qua việc nghiêm cấm báo chí tư nhân, kiểm soát chặt chẽ tất cả phương tiện truyền thông nhà nước.
Hai tổ chức bảo vệ ký giả có uy tín trên thế giới đồng loạt lên án tình hình kiểm duyệt, đàn áp tự do báo chí tại Việt Nam chỉ vài ngày sau khi Hà Nội tuyên bố tôn trọng nhân quyền và bảo vệ quyền tự do báo chí trước Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhân kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp ngày 11/2 phổ biến báo báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí toàn cầu 2014 trong đó xếp hạng Việt Nam 174 trên 180 quốc gia được đánh giá.

Trưởng phụ trách khu vực Châu Á thuộc Phóng viên Không Biên giới cho VOA Việt ngữ biết điểm số và thứ hạng của Việt Nam năm qua tiếp tục tuột dốc.

Ông Benjamin Ismail nói:

“Việt Nam là một trong những quốc gia đàn áp tự do báo chí tệ hại nhất trên toàn cầu, là nhà tù lớn thứ nhì trên thế giới giam cầm các blogger và những người thể hiện quan điểm bất đồng với nhà nước trên mạng, chỉ sau Trung Quốc. Các chính sách đàn áp của đảng cộng sản Việt Nam là những thủ phạm tạo ra thực trạng này.”

Hà Nội liên tục ban hành các nghị định giới hạn quyền tự do báo chí như 72 hay 174 đối với người chia sẻ thông tin trên Facebook, bên cạnh các điều luật hình sự về an ninh quốc gia vốn mơ hồ nhưng thường được dùng để bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích nhà nước như điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hay điều 79 ‘âm mưu lật đổ chính quyền’
Ông Benjamin Ismail - Phóng viên Không biên giới RSF.
Khảo sát của Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ có trụ sở ở Mỹ công bố hôm nay 12/2 nêu rõ chiến dịch đàn áp của Hà Nội bắt đầu từ năm 2008 nhắm vào các ngòi bút độc lập được gia tăng cường độ trong năm 2013 vừa qua.

Đại diện cao cấp của CPJ ở Đông Nam Á, Shawn Crispin, nói với VOA Việt ngữ:

“Việt Nam đang nổi lên thành nhà tù lớn thứ hai ở Châu Á sau Trung Quốc và là nhà lao lớn thứ năm trên thế giới giam cầm các ký giả, theo khảo sát thống kê của CPJ trong năm qua. Con số các nhà báo bị giam cầm tăng đều trong khi nhà cầm quyền tiếp tục trấn áp quyền tự do internet và ban hành các luật lệ siết chặt quyền tự do báo chí, tự do thông tin của người dân.”

Cuộc khảo sát nhan đề ‘Các cuộc Tấn công Báo chí’, bản đánh giá thường niên của CPJ về tình hình tự do báo chí toàn cầu, nhận xét trong năm qua Việt Nam vẫn mạnh tay tống giam các blogger và ký giả độc lập, đa số bị kết tội bằng các điều luật chống nhà nước có nội dung mơ hồ chỉ vì họ viết bài thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng hay phê phán sự lãnh đạo và chính sách của nhà nước.

CPJ tố cáo chính phủ Việt Nam duy trì một trong những chính sách kiểm duỵêt truyền thông gắt gao nhất Châu Á, thể hiện rõ nhất qua việc nghiêm cấm báo chí tư nhân, kiểm soát chặt chẽ tất cả phương tiện truyền thông nhà nước, và sách nhiễu-đàn áp những người viết blog trái quan điểm với đảng cộng sản cầm quyền.

Việt Nam tiếp tục nằm trong ‘Danh sách Nguy cơ’ của CPJ liệt kê các nước đe dọa tự do báo chí nhất toàn cầu.

Việt Nam đang nổi lên thành nhà tù lớn thứ hai ở Châu Á sau Trung Quốc và là nhà lao lớn thứ năm trên thế giới giam cầm các ký giả.
Ông Shawn Crispin - Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ.
CPJ nói xu hướng đáng quan ngại là thời gian gần đây Hà Nội liên tục ban hành thêm các luật lệ cấm đoán tự do ngôn luận, bao gồm Nghị định 72 ra đời hồi năm ngoái, trong nỗ lực chế ngự môi trường blog và mạng internet.

Ông Shawn Crispin thuộc CPJ kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy quan tâm hơn nữa đến tự do báo chí tại Việt Nam và tăng cường các áp lực giúp cải thiện tình hình. Ông Crispin nói:

“Cộng đồng quốc tế nếu như trước đây từng chế tài và xem Miến Điện như một thể chế độc tài, phi dân chủ đáng chú ý ở khu vực thì giờ đây, khi Miến đang chuyển mình thay đổi, có lẽ đã đến lúc phải chuyển sự lưu tâm đó sang Việt Nam.”

Trong chuyến công du Đan Mạch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 9 năm ngoái và tại kỳ kiểm điểm nhân quyền định kỳ UPR ở Liên hiệp quốc đầu tháng này, Hà Nội khẳng định quyền tự do báo chí được bảo vệ, không bị giới hạn tại Việt Nam, với hàng trăm tờ báo và hàng triệu blogger tự do viết blog trên mạng.

Chúng tôi quan ngại về những trường hợp bị truy tố, bắt giam chỉ vì thực thi các nhân quyền căn bản. Nếu như Việt Nam thật sư có tự do báo chí thì tất cả những blogger và nhà báo bị cầm tù phải được trả tự do.
Đại diện Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ Shawn Crispin.
Đáp câu hỏi liệu Bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí có xem xét đến các số liệu này hay không khi đánh giá tình hình Việt Nam, ông Ismail thuộc Phóng viên Không biên giới phản hồi:

“Đó không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá tự do báo chí mà chủ yếu là các chính sách của nhà nước và khung pháp lý liên quan đến quyền tự do thông tin và tự do báo chí mới là điều đáng nói. Anh cho phát triển về số lượng nhưng cùng lúc lại tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn. Các con số anh chứng minh phát triển về lượng này không có nghĩa là anh để cho báo chí phát triển tự do. Bằng chứng là Hà Nội liên tục ban hành các nghị định giới hạn quyền tự do báo chí như 72 hay 174 đối với người chia sẻ thông tin trên Facebook bên cạnh các điều luật hình sự về an ninh quốc gia vốn mơ hồ nhưng thường được dùng để bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích nhà nước như điều 88 ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hay điều 79 ‘âm mưu lật đổ chính quyền’.”
please wait

No media source currently available

0:00 0:06:12 0:00
Tải xuống
Đại diện Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ, ông Crispin, nhấn mạnh:

“Điều chúng tôi muốn chỉ rõ là các blogger ở Việt Nam hễ lên tiếng về các vấn đề như chính trị, nhân quyền, hay nạn tịch thu đất đai thì trở thành mục tiêu đàn áp của nhà cầm quyền. Đó là những người chúng tôi muốn bảo vệ. Chúng tôi quan ngại về những trường hợp bị truy tố, bị bắt giam chỉ vì họ thực thi các nhân quyền căn bản. Nếu như Việt Nam thật sư có tự do báo chí thì tất cả những blogger và nhà báo bị cầm tù phải được trả tự do và tất cả những luật lệ đặt ra chủ yếu để trừng trị những tiếng nói độc lập phải được dỡ bỏ.”

Phóng viên Không biên giới nói Việt Nam trước nay luôn bác bỏ các chỉ trích từ quốc tế, nhưng để minh chứng các cáo buộc này là sai thì điều đơn giản trước tiên là Hà Nội hãy phóng thích tất cả những blogger, những người thể hiện quan điểm trên mạng đang bị tù đày. Đây cũng là điều mà lâu nay thế giới kêu gọi và áp lực Việt Nam phải thực hiện theo cam kết trong các Công ước quốc tế, nhất là với tư cách tân thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG