Đường dẫn truy cập

Quyền lực của nhà lãnh đạo TQ gây 'ấn tượng' đối với Tổng thống Obama


Tổng thống Obama nói chuyện tại hội nghị Doanh nghiệp Bàn tròn trong thủ đô Washington 3/12/14
Tổng thống Obama nói chuyện tại hội nghị Doanh nghiệp Bàn tròn trong thủ đô Washington 3/12/14

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố thế lực của người tương nhiệm phía Trung Quốc gây ấn tượng mạnh đối với ông, và ông so sánh việc củng cố quyền lực nhanh chóng của ông Tập Cận Bình với hành vi tương tự của ông Đặng Tiểu Bình, người đã lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1978 đến năm 1992. Phát biểu tại hội nghị Doanh nghiệp Bàn tròn ở Washington hôm qua, ông Obama còn nói ông ‘ít lạc quan hơn’ về triển vọng cải thiện bang giao với Nga dưới quyền của ông Vladimir Putin.

Ông Obama cho biết cuộc hội kiến của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng trước nhân hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh là mang lại nhiều hiệu quả, đưa đến điều ông gọi là một thành tích đáng kể, trong đó có biến đổi khí hậu và các thoả thuận cắt giảm thuế quan. Ông đưa ra lời ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lên nhậm chức hồi tháng 3 năm 2013:

“Ông ấy đã củng cố quyền lực nhanh hơn và toàn diện hơn so với có thể là bất cứ ai sau thời ông Đặng Tiểu Bình (từ 1978 đến 1992). Và mọi người đều có ấn tượng rất mạnh trước thế lực của ông bên trong Trung Quốc sau một năm rưỡi hay hai năm.”

Nhưng ông Obama cảnh báo rằng có các nguy cơ gắn liền với việc ông ta thâu tóm quyền lực:

“… về các vấn đề như nhân quyền, về các vấn đề đàn áp giới bất đồng chính kiến. Ông ta lợi dụng chủ nghĩa dân tộc gây lo ngại cho các nước láng giềng và điều đó ta đã thấy thể hiện trong các vụ tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, cũng như về dãy đảo Senkaku hay Điếu ngư.”

Đồng thời, ông Obama nói Trung Quốc rất chú ý đến việc duy trì quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Ông Obama nói đối tác Trung Quốc của ông muốn một hiệp định đầu tư doanh nghiệp mà ông cho rằng có thể góp phần thay đổi môi trường làm ăn ở Trung Quốc.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ năm nói bang giao Trung-Mỹ bền vững và lành mạnh sẽ phục vụ cho quyền lợi của nhân dân cả hai nước. Bộ kêu gọi tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau trong khi xử lý thích đáng những điểm bất đồng.

Trong nhận định đưa ra hôm qua, ông Obama nói ông ít lạc quan hơn về triển vọng quan hệ tốt đẹp với Nga dưới quyền của Tổng thống Vladimir Putin:

“Tôi có một mối quan hệ rất thẳng thắn, bộc trực và thực tiễn với ông Putin, một phần bởi vì tôi nghĩ tình hình ở Ukraine đã đặt ông vào thế bất ngờ, ông đã tự khắc chế ra một đường lối dân tộc nhìn về quá khứ trong chính sách của Nga khiến cho các nước láng giềng của ông khiếp vía và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước ông.”

Ông Obama nói ông muốn có một giải pháp ngoại giao cho Ukraine, nhưng chủ trương ủng hộ các phần tử ly khai Nga ở miền đông Ukraine đang có lợi cho ông Putin bên trong nước Nga bất chấp các biện pháp chế tài của Tây phương:

“Nhưng, nếu quý vị hỏi tôi liệu tôi có lạc quan khi ông Putin bất chợt thay đổi thái độ, tôi không cho rằng điều đó sẽ xảy ra cho đến khi chính sự bên trong nước Nga bắt kịp những gì xảy ra trong nền kinh tế bên trong nước Nga, mà đó chính là một phần trong lý do vì sao chúng ta tiếp tục duy trì áp lực đó.”

Ông Ankit Panda, phó chủ biên tạp chí The Diplomat trong vùng châu Á Thái Bình Dương, nói rằng những gì mà ông Obama nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc không có gì là mới. Đó là điều mà những người theo dõi thời cuộc Trung Quốc vẫn nói lâu nay. Ông Panda cho rằng ông Tập Cận Bình đã thể hiện một phong cách lãnh đạo độc đáo:

“Ông ta được lòng cả những người dân thường và vừa bị e sợ lẫn tôn trọng bên trong đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, ngay tự thân sự kiện không có gì mới nhưng khi tổng thống nói lên điều đó, thì, đấy chính là điều mới. Ông thường tránh đưa ra các nhận định về cá tính của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như các phong cách lãnh đạo của họ.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG