Đường dẫn truy cập

Quy hoạch nhân sự, kế thừa và... ‘hồng phúc’ đính kèm đại họa (P2)


Gần đây, thiên hạ mới dám dự đoán “sự nghiệp chính trị” của bà Trần Huyền Trang có thể sẽ dang dở vì thân mẫu của bà vừa... bị bắt do... “nhận hối lộ”.
Gần đây, thiên hạ mới dám dự đoán “sự nghiệp chính trị” của bà Trần Huyền Trang có thể sẽ dang dở vì thân mẫu của bà vừa... bị bắt do... “nhận hối lộ”.

Cho dù là tâm một trận bão dư luận, bà Trang chỉ “tạm lui”, Nghị quyết số 26-NQ/TW vẫn còn giá trị, thiên hạ phán đoán bà chỉ cần nhẫn nại “kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới” thêm một thời gian.

Nếu chịu khó dành một chút thời gian xem qua tiểu sử ông Võ Văn Thưởng [1] ắt sẽ thấy “sự nghiệp” của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một chuỗi những vị trí, chức vụ được sắp đặt để “tuần tự nhi tiến” đến đỉnh quyền lực.

Đầu tiên là cán bộ rồi là Phó ban, Trưởng ban, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH), Ủy viên Ban Thường vụ (BTV), Phó Bí thư, Bí thư của Thành Đoàn TNCS TP.HCM, ngoài ra còn kiêm thêm vai trò Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) TP.HCM, Ủy viên BCH và Ủy viên BTV Trung ương Đoàn TNCS, Ủy viên BCH Đảng bộ TP.HCM, Bí thư Quận ủy 12 TP.HCM,... Chỉ sau 13 năm (1993 – 2006), ông Thưởng đã có thể đặt cả hai chân vào thượng tầng của hệ thống chính trị: Ủy viên dự khuyết của BCH TƯ đảng kiêm Bí thư Thường trực rồi Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam. Đại biểu Quốc hội,... Kể từ đó bước lên những bậc cao hơn: Ủy viên chính thức của BCH TƯ đảng, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực TP.HCM, rồi trở thành thành viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và được chọn làm Chủ tịch Nhà nước!

Những người tham gia vào việc lựa chọn, sắp đặt “con ông, cháu cha” như ông Thưởng làm lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương và những cá nhân được ví von là “hồng phúc dân tộc” như ông Thưởng đã cùng nhau soạn thảo và ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW (tháng 5/2018) nhằm “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ[2]. Theo nghị quyết này “đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược” phải được xây dựng theo hướng “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới” và Nghị quyết số 26-NQ/TW chính thức khởi động... “giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”!

Sở dĩ Nghị quyết số 26-NQ/TW xuất hiện và song hành với những tuyên bố đề cao “tôn trọng khác biệt”, những chính sách về “chiêu hiền, đãi sĩ”,... vì đó là nền tảng nhằm bảo đảm “con ông, cháu cha” tiếp tục nắm giữ vai trò lãnh đạo cao nhất của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam và ông Thưởng chính là ví dụ cụ thể, rõ ràng nhất về tâm địa của giới lãnh đạo thể chế chính trị tại Việt Nam. Hiền tài thuần túy nào “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW như... ông Thưởng để cạnh tranh với ông Thưởng nhằm đảm nhận các trọng trách như ông Thưởng? “Dân chủ XHCN” tạo điều kiện cho những thứ như Nghị quyết số 26-NQ/TW ra đời và tiếp tục chi phối cả hiện tại lẫn tương lai của xứ sở, dân tộc, biến Việt Nam thành nơi... của “con ông, cháu cha”, do... “con ông, cháu cha” khiển dụng, vì... “con ông, cháu cha” theo hướng... “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Tuy nhiên mọi thứ đều có mặt trái, Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng thế...

***

Dựa vào nghị quyết vừa kể, những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương đã khai thác tận tình chủ trương “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” theo tiêu chí “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới”.

Không có Nghị quyết số 26-NQ/TW sẽ không có chuyện chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc chọn, bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, ái nữ của bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Vĩnh Phúc) làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) của tỉnh. Sau khi du học ở Trung Quốc trở về, bà Trang được tuyển vào làm chuyên viên của Thành đoàn thành phố Vĩnh Yên (2013). Năm sau (2014) trở thành Phó Bí thư Thành đoàn Vĩnh Yên. Năm 2016 chuyển sang Sở KHĐT Vĩnh Phúc làm chuyên viên. Năm sau nữa (2017), bà Trang được Sở KHĐT Vĩnh Phúc cử đi Singapore tu nghiệp về quản lý tài chính. Về nước (2018) bà Trang được bổ nhiệm làm phó một phòng tại Sở KHĐT Vĩnh Phúc, rồi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, kế đó được chọn làm Phó Giám đốc Sở KHĐT Vĩnh Phúc lúc 31 tuổi [3]… Bởi “công tác cán bộ” được xây dựng dựa trên Nghị quyết số 26-NQ/TW, việc lựa chọn, bổ nhiệm bà Trang được khẳng định là “đúng quy trình[4], chuyện “thu hồi quyết định bổ nhiệm chỉ nhằm “giải độc dư luận”, thân mẫu bà Trang hoàn toàn vô sự [5]!

Cho dù là tâm một trận bão dư luận, bà Trang chỉ “tạm lui”, Nghị quyết số 26-NQ/TW vẫn còn giá trị, thiên hạ phán đoán bà chỉ cần nhẫn nại “kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới” thêm một thời gian. Gần đây, thiên hạ mới dám dự đoán “sự nghiệp chính trị” của bà Trang có thể sẽ dang dở vì thân mẫu của bà vừa... bị bắt do... “nhận hối lộ[6]. Tuy nhiên đó chỉ là dự đoán! Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của đảng CSVN, không thể dùng lý để đánh giá, nhận định về “công tác cán bộ”. Nhờ là “con ông, cháu cha” (ái nữ một Ủy viên BCH TƯ đảng đảm nhận vai trò Bộ trưởng Tài chính từ 1987 đến 1992), thân mẫu bà Trang thôi làm giáo viên trung học cơ sở để tham gia... công tác đoàn rồi chuyển sang... công tác đảng rồi thành quan đầu tỉnh. Bất kể hàng loạt scandal, trong đó có chuyện sắp đặt ái nữ lãnh đạo Sở KHĐT Vĩnh Phúc, cuối năm ngoái, trong đợt lấy phiếu tín nhiệm, thân mẫu bà Trang là người dẫn đầu về tỷ lệ được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tặng phiếu... “tín nhiệm cao” (97,87%). Hai tháng sau thân mẫu bà bị tống giam [7].

Bà Trang chỉ là một trong hàng loạt “hồng phúc dân tộc” bỗng nhiên bạc phúc như thế...

(Còn tiếp)

Chú thích

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chan-dung-tieu-su-dong-chi-vo-van-thuong-thuong-truc-ban-bi-thu-119230220204852228.htm

[2] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-26-nqtw-ngay-1952018-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tap-trung-xay-dung-doi-374

[3] https://tuoitre.vn/con-gai-lam-pho-giam-doc-so-bi-thu-tinh-uy-vinh-phuc-toi-noi-se-khong-khach-quan-20210301100636349.htm

[4] https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-nhiem-pho-giam-doc-so-khdt-31-tuoi-con-dan-con-quan-deu-binh-dang-20210301092346035.htm

[5] https://vov.vn/chinh-tri/vinh-phuc-thu-hoi-quyet-dinh-bo-nhiem-con-gai-bi-thu-tinh-uy-lam-pho-gd-so-kh-dt-867204.vov

[6] https://laodong.vn/phap-luat/cuu-bi-thu-vinh-phuc-hoang-thi-thuy-lan-nhan-hoi-lo-so-tien-lon-vu-hau-phao-1312627.ldo

[7] https://nhandan.vn/chu-tich-uy-ban-nhan-dan-tinh-vinh-phuc-co-qua-nua-tong-so-phieu-tin-nhiem-thap-post787729.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG