Đường dẫn truy cập

Vấn đề ý thức hệ và quyền lợi quốc gia


Vấn đề ý thức hệ và quyền lợi quốc gia
Vấn đề ý thức hệ và quyền lợi quốc gia

Lâu nay, đảng Cộng sản và chính phủ Việt Nam vẫn lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc là đồng minh chiến lược của Việt Nam. Tại sao? Ngoài lý do hai nước sát liền biên giới với nhau, còn một lý do khác được nêu lên và nhấn mạnh, thậm chí còn được xem trọng hơn lý do thứ nhất: cả hai đều theo chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là, nói cách khác, ở đây, vấn đề ý thức hệ được xem là yếu tố chính yếu để hình thành khối liên minh giữa hai quốc gia.

Lập luận đó, hiện nay, đang bị thách thức nghiêm trọng từ cả ba khía cạnh:

Thứ nhất, về phương diện lý thuyết, càng ngày giới nghiên cứu – và cả người bình thường nữa – đều thấy rõ một điều: trong quan hệ đối ngoại, vai trò của ý thức hệ, vốn thường nổi bật trong hệ thống tuyên truyền, thật ra, lại chỉ là thứ yếu so với quyền lợi quốc gia.

Thứ hai, về phương diện lịch sử, giới nghiên cứu cũng nhận định, một trong những đặc điểm nổi bật nhất của thời hậu-Chiến tranh lạnh, từ khoảng đầu thập niên 1990 đến nay, là sự suy thoái của ý thức hệ. Nguyên nhân gây ra xung đột quốc tế hiện nay, có thể quy vào ba yếu tố chính: chủng tộc, văn hóa và kinh tế. Không thấy ý thức hệ ở đâu cả.

Thứ ba, trên thực tế, từ mấy chục năm nay, quốc gia duy nhất uy hiếp và có những đe dọa trực tiếp đến độc lập và chủ quyền của Việt Nam không có ai khác hơn là Trung Quốc.

Bởi vậy, nhân danh ý thức hệ xã hội chủ nghĩa để xem Trung Quốc là một đồng minh chiến lược, bất chấp những xung đột càng ngày càng sâu sắc và có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh chỉ là một hành động mù quáng, nhằm tự lừa dối mình và nhắm mắt trước thực tại đang trở thành nguy kịch.

Thật ra, không phải bây giờ. Ngay trong thời chiến tranh lạnh, khi ý thức hệ đóng vai trò ngỡ như chủ đạo trong việc phân hóa thế giới, sự chia sẻ ngọn cờ xã hội chủ nghĩa đã không hề ngăn cản được những xung đột dằng dai và gay gắt giữa Liên Xô với Yugoslavia (từ giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960), với Ba Lan (năm 1956), với Hungary (cũng năm 1956), với Trung Quốc (năm 1963), với Czechoslovakia (năm 1968); hoặc giữa Trung Quốc với Yugoslavia (năm 1957 và 1973), v.v... Các cuộc xung đột ấy có khi chỉ quanh quẩn ở các vùng biên giới nhưng cũng có khi lan rộng thành các cuộc can thiệp thô bạo và đẫm máu. Lý do ư? Chắc chắn không phải là ý thức hệ rồi. Ngay giữa Liên Xô và Trung Quốc trước đây, cả hai đều tự xưng là xã hội chủ nghĩa, đều theo lời dạy của Marx và Lênin, nhưng cả hai đều không ngừng tranh chấp với nhau, chủ yếu vì quyền lợi của mỗi nước.

Nhưng không có nước nào có kinh nghiệm đau đớn về vai trò yếu ớt của ý thức hệ trong quan hệ quốc tế cho bằng Việt Nam. Thì cứ nhớ lại các cuộc chiến tranh sau năm 1975 mà xem. Vào lúc mọi người dân trong cả nước ngỡ súng đạn đã chấm dứt và hòa bình đã tới, ai đã tấn công Việt Nam? Trước hết là Campuchia. Ai nữa? - Và Trung Quốc! Cả Campuchia và Trung Quốc đều không phải là quốc gia tư bản. Cả hai đều, giống như Việt Nam, đều theo chủ nghĩa xã hội. Vậy mà họ vẫn tấn công Việt Nam.

Khi chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia, và sau đó, giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng nổ, giới quan sát chính trị thế giới đều sửng sốt. Trước, ai cũng tưởng đó là những người bạn tốt của nhau. Benedict Anderson, trong cuốn sách bây giờ đã trở thành kinh điển của chủ nghĩa quốc gia Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, xuất bản năm 1991, đã xem các cuộc chiến tranh đó như một sự kết liễu của ý thức hệ và sự lên ngôi của tinh thần dân tộc: Chúng cho thấy, cuối cùng, yếu tố quyết định mọi mối quan hệ quốc tế vẫn là quyền lợi của từng nước. Không có gì khác.

Những điều như vậy, thật ra, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ngay quan hệ giữa các nước tư bản cũng thế. Một mặt, người ta hay nói đến các nguyên tắc này nguyên tắc nọ trong bang giao quốc tế, nhưng mặt khác, trên thực tế, hầu như tất cả các nước đều áp dụng một thứ chủ nghĩa thực dụng triệt để trong các chính sách ngoại giao. Thực dụng đến độ hầu hết đều không có “bạn” theo cách hiểu thông thường của chúng ta. Những cái gọi là “bạn” hay “đồng minh” thường chỉ có tính giai đoạn. Yếu tố quyết định trong từng giai đoạn bao giờ cũng vẫn là quyền lợi. Chứ không phải là nguyên tắc hay ý thức hệ.

Ai cũng biết thế. Hình như là trừ... người lãnh đạo Việt Nam.

Đó là những người, thứ nhất, đã từng có nhiều kinh nghiệm về tham vọng bá quyền của Trung Quốc (khi cuộc chiến Việt – Trung xảy ra vào năm 1979, hầu hết giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay đều đã đến tuổi trưởng thành để có thể nhớ rõ những gì đã diễn ra!); thứ hai, cũng đã từng chứng kiến bao nhiêu hành vi lấn ép hay quấy nhiễu hầu như liên tục của Trung Quốc lúc thì ở biên giới lúc thì ở trên biển, đảo.

Vậy tại sao họ vẫn cứ khăng khăng cho Trung Quốc là đồng minh chiến lược được nhỉ?

Không thể hiểu được!

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG