Dường như hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang... lên đồng tập thể sau khi đảng CSVN công bố bài “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” được cho là của ông Nguyễn Phú Trọng (1).
Chẳng hạn Thông tấn xã Việt Nam (TTX VN) hết tuyên bố “Bài viết của Tổng Bí thư - Khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng vào Đảng và dân tộc” (2) đến khẳng định “Bài viết của Tổng Bí thư - Tiếp thêm sức mạnh cho mục tiêu phát triển đất nước” (3). Thậm chí khi khẳng định như vừa đề cập, TTX VN bảo rằng đó là ý kiến của “nhiều nhà khoa học”.
Về lý, hai đã thuộc... số nhiều! Có thể vì vậy nên TTX VN chỉ cần hỏi ý kiến... hai người: Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh và Tiến sỹ Trần Quang Đẩu. “Nhà khoa học” Hà Quý Quỳnh hiện là... Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ và Kiểm tra thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, còn “Nhà khoa học” Trần Quang Đẩu hiện làm việc tại... Văn phòng Đảng ủy của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có những... “nhà khoa học” làm các loại việc như ông Quýnh, ông Đẩu và nên dành chút thời gian để xem link bên dưới bài này rồi tự đánh giá về tính chất, mức độ “khoa học” khi hai “nhà khoa học” nhận định về “bài viết của Tổng bí thư”.
Không chỉ có TTX VN, vừa có và có lẽ sẽ còn có nhiều bài như thế về “bài viết của Tổng bí thư”. Ví dụ kế tiếp là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Theo VTV thì... “Quốc tế ấn tượng với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Nếu chỉ cần tính ngoài Việt Nam đã là... “quốc tế” thì VTV không nói ngoa.
VTV dẫn ý kiến của ba người. Người thứ nhất là “Giáo sư Valeria Vershinina, Học viện Quan hệ quốc tế Moskva”. Kẻ viết bài này không biết tiếng Nga nên chỉ có thể dựa vào điều mà VTV cho là ý kiến của bà giáo sư này. Bà khen ý của ông Trọng nêu trong bài viết (tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển) là: “Một tư tưởng có vai trò quan trọng nhằm củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân với sự lãnh đạo của đảng”. Cả ý kiến của ông Trọng lẫn nhận xét của bà giáo sư người Nga đều thuộc loại “đúng thì không mới và mới thì không đúng”.
Cách nay hàng chục năm “tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển” đã được xác định là mục tiêu phải sớm đạt nhưng đến giờ, hoạt động được “tập trung” nhiều nhất và “ưu tiên” hàng đầu chỉ là tổ chức các hội nghị bất thường. Đến nay, 9/13 hội nghị cả chính thức lẫn bất thường của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa này là loại bỏ các cá nhân từng được khẳng định là... “tinh hoa”. Chẳng lẽ “tư tưởng” mà bà giáo sư người Nga khen là “quan trọng” chỉ tạo được kết quả là sau khi tự khen đã rất “sáng suốt” mới lựa chọn được như vậy, rồi tiếp tục tự khen là “kiên quyết” khi loại bỏ hàng loạt như vậy?
Chưa kể làm sao có thể tin đảng CSVN sẽ “củng cố” được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của mình khi số vụ án liên quan đến “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của nhà nước” tăng vọt? Đủ tự tin vào khả năng “củng cố niềm tin” thì đâu cần trấn áp để bị chỉ trích dữ dội như vậy.
Người thứ hai được VTV dẫn ý kiến nhằm khẳng định “Quốc tế ấn tượng với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” là “Nhà báo Mỹ Amiad Horowitz”. Dùng Google có thể tìm thấy những thông tin cho biết nhà báo này là “học viên chuyên ngành về Việt Nam và Hồ Chí Minh của Học viện Báo chí và Truyền thông thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”, có bài được đăng trên một số tờ báo ở Ấn Độ và People's World có mục tiêu là vận động cho chủ nghĩa xã hội ở Mỹ (4). VTV cho biết nhà báo đã sống ở Việt Nam hơn một thập niên này “tin tưởng dưới sự lãnh đạo của đảng, nhân dân Việt Nam có thể tiến tới hoàn thành thắng lợi những mục tiêu chung của đất nước”.
Người thứ ba được VTV dẫn ý kiến là bà Jung Rina – Phụ trách Văn phòng thường trú của Asia Today (một cơ quan truyền thông của Nam Hàn) tại Việt Nam. Bà Jung Rina bảo rằng: “'Năm 2023, Việt Nam đã khởi tố mới hơn 730 vụ án với hơn 2.100 bị can phạm tội về tham nhũng. Tôi nghĩ không dễ để vạch trần mặt tiêu cực. Thông điệp trong bài viết của Tổng Bí thư thể hiện ý chí của đảng và nhà nước Việt Nam trong việc xử lý các vụ án tham nhũng một cách toàn diện, nghiêm minh và nghiêm khắc”.
Tuy 730 vụ án với hơn 2.100 bị can phạm tội về tham nhũng không phải là ít nhưng chẳng lẽ chỉ có những người như ông Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước), ông Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế của BCH TƯ đảng khóa 13),... nhận “trách nhiệm chính trị”, còn ông Nguyễn Phú Trọng vô can?
Chống tham nhũng – chỉnh đốn đảng chỉ bằng... “thông điệp”, dứt khoát không nhận “trách nhiệm chính trị” dù là “người đứng đầu” khi tham nhũng gia tăng, hiện trạng kinh tế - xã hội càng ngày càng tồi tệ, số người bế tắc về sinh kế càng ngày càng đông nên dắt díu nhau đi tìm cơm áo ở ngoại quốc càng ngày càng nhiều, chỉ riêng Nam Hàn, năm 2018, người ta còn kinh ngạc khi hơn 11.000 người ghi danh tham dự một kỳ thi tiếng Hàn để được sang Nam Hàn làm thuê (6) thì năm nay, chuyện riêng ở Nghệ An, mỗi ngày có hơn 1.000 người đổ đến ghi danh tham dự kỳ thi chọn người sang Nam Hàn làm thuê đã trở thành bình thường (6),... mà vẫn là... nghiêm minh và nghiêm khắc”?
***
Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam hành xử giống như... lên đồng tập thể mỗi khi Tổng bí thư đảng CSVN phát hành sách hay có bài viết đã trở thành thông lệ, bất chấp thực trạng kinh tế - xã hội, bất kể nhân tâm – dân ý, thậm chí các hệ thống tại Việt Nam còn lôi cả các “nhà khoa học” và “cộng đồng quốc tế” rồi “công luận quốc tế” vào cuộc tụng ca. Điều đó cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng có chỗ... hơn người! Chỉ còn thiếu chuyện Tổng bí thư đảng CSVN nói gì đám đông cũng đồng loạt rút sổ tay, cặm cụi ghi chép “lời vàng, ý ngọc” của ông Nguyễn Phú Trọng là ông Trọng có thể sánh vai với ông Kim Jong Un ở Bắc Triều Tiên!
Chú thích
(4) https://www.peoplesworld.org/authors/amiad-horowitz/
(5) https://thanhnien.vn/hon-11600-nguoi-xep-hang-thi-tieng-han-185767672.htm
Diễn đàn