Đường dẫn truy cập

Rồi sẽ đến Biển Đông


Hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Trước nguy cơ xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc, ở Việt Nam, nhiều người nhấp nhỏm lo lắng và tức giận nhưng cũng không ít người khác, ngay cả các cán bộ cao cấp, có khi thuộc giới lãnh đạo trung ương, lại thờ ơ đến mức dửng dưng.

Lý do của sự dửng dưng ấy là người ta cho cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa đều là những hòn đảo nhỏ xíu và xa lắc, phần lớn đều không có dân cư, hoặc nếu có, cũng cực kỳ ít ỏi, không đáng để chú ý, đừng nói là để phải hy sinh bất cứ một điều gì. Nói theo lời một cán bộ nào đó ở Việt Nam thường được nhắc nhở trên các tờ báo mạng: “Đó chỉ là những hòn đảo cho chim ỉa.”

Dễ ngỡ như có lý. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm trên 30 đảo, bãi đá và cồn san hô, nhưng phần đất nổi lên khỏi mặt nước lại khá nhỏ, với tổng diện tích khoảng 8 cây số vuông. Trường Sa bao gồm trên 100 đảo và bãi san hô, nhưng phần đất nổi lại nhỏ hơn Hoàng Sa, chỉ khoảng 3 cây số vuông. Đất đai ở cả hai nơi hầu như đều không thể trồng trọt được; có nơi còn không có cả nước ngọt, do đó, dân cư đều rất thưa thớt, chỉ khoảng vài ba trăm người (không kể bộ đội).

Tuy nhiên, đó chỉ là một sự ngụy biện. Hơn nữa, một sự ngụy biện ngu xuẩn. Hơn thế nữa, một sự ngụy biện ngu xuẩn một cách nguy hiểm.

Ngu xuẩn bởi nó phủ nhận một thực tế khác: Ở đó không phải chỉ có đảo, có đá và có san hô mà còn có nhiều tài nguyên khác, từ những thứ gần và dễ thấy nhất là tài nguyên sinh vật (thủy sản), đến những thứ sâu kín và quý giá hơn là tài nguyên khoáng sản với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên được giới nghiên cứu tiên đoán là rất dồi dào, lên đến hàng trăm tỉ thùng.

Ngu xuẩn cũng bởi nó bất chấp một khía cạnh khác, quan trọng không kém: ý thức quốc gia và lòng tự hào dân tộc. Bất cứ mảnh đất nào thuộc lãnh thổ một quốc gia cũng được xem là quý báu không phải chỉ vì giá trị vật chất mà còn vì những giá trị tinh thần của nó.

Người ta có thể cân đo đong đếm các trữ lượng tài nguyên nhưng không ai có thể cân đo đong đếm xương máu cha ông đã đổ ra để bảo vệ những mảnh đất ấy. Chính những xương máu ấy làm cho mọi mảnh đất đều trở thành thiêng liêng. Công việc bảo vệ những giá trị thiêng liêng ấy không còn thuộc phạm trù vật chất và quyền lợi mà thuộc về phạm trù tâm linh và đạo đức.

Sự ngu xuẩn ấy còn nguy hiểm vì hai lý do khác:

Thứ nhất, theo luật quốc tế, chủ quyền trên đảo bao giờ cũng đi liền với chủ quyền trên vùng biển chung quanh đảo. Quần đảo Hoàng Sa nhỏ, chỉ có mấy cây số vuông, nhưng vùng biển chung quanh nó lại lên đến 30.000 cây số vuông; diện tích vùng biển chung quanh quần đảo Trường Sa lên đến 410.000 cây số vuông. Đó là lý do tại sao, sau khi tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc ra tuyên bố chủ quyền trên cả vùng biển mênh mông với hình chữ U hiện đang gây xôn xao dư luận quốc tế. Nhân danh cái hình chữ U ấy, Trung Quốc đã ngăn cấm việc ngư dân Việt Nam đánh cá ngay trên vùng lãnh hải vốn, theo truyền thống và nguyên tắc, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thứ hai, chiếm đảo, Trung Quốc không những chiếm vùng biển chung quanh đảo mà còn sẽ chiếm cả vùng trời trên vùng biển ấy. Đó là những gì vừa mới xảy ra trong cuộc tranh chấp ở vùng biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Sau khi tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) / Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản), ngày 23 tháng 11 vừa qua, chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập khu vực nhận diện phòng không (“Air Defence Identification Zone” được gọi tắt là ADIZ) bao trùm toàn bộ vùng trời tương ứng với vùng biển họ muốn chiếm đoạt.

Theo quy định của chính phủ Trung Quốc, từ nay, bất cứ một chiếc máy bay, quân sự hoặc dân sự, nào đi ngang qua vùng trời trên vùng biển chung quanh quần đảo Điếu Ngư / Senkaku cũng đều phải thông báo trước cho Trung Quốc và chịu sự kiểm soát của Trung Quốc. Các lời phát biểu của giới lãnh đạo Trung Quốc về quyết định này còn khá lập lờ, lúc cứng lúc mềm, lúc quyết liệt lúc khoan hòa, lúc nhân danh chủ quyền lúc nhân danh sự an toàn quốc tế, nhưng mục tiêu chính, ai cũng thấy, chỉ là một: đến một lúc nào đó, họ có thể cấm máy bay một số nước họ xem là thù nghịch bay qua vùng trời ấy.

Giới nghiên cứu chính trị gọi đó là chiến thuật Salami (Salami tactics), kiểu “tằm ăn dâu” trong cách nói của người Việt: Chiếm từ từ dần dần mỗi ngày một chút. Một chút thôi. Nhìn sự chiếm cứ “một chút” ấy, người ta tưởng là nhỏ nên không chú ý. Họ lại tiếp tục chiếm thêm “một chút” nữa. Cũng không ai chú ý. Đến lúc nào đó, giật mình nhìn lại, toàn bộ đảo, biển và trời đều nằm trong tay Trung Quốc!

Hiểu được điều đó, cả Đài Loan lẫn Philippines và Singapore đều lên tiếng lo ngại là trong tương lai không xa chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương ứng với vùng biển chung quanh Hoàng Sa và Trường Sa.

Cứ tưởng tượng, một lúc nào đó, cả tàu thủy lẫn máy bay của Việt Nam, mỗi lần đi ngang qua Biển Đông, dù dưới nước hay trên trời, cũng đều phải xin phép chính phủ Trung Quốc. Khi Chú Ba vui, gật đầu: Được đi. Khi Chú Ba buồn, lắc đầu: Cả máy bay lẫn tàu thủy, nếu không thể bất động, đành phải chọn con đường lòng vòng, lòng vòng. Trời đất!

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG