Người dân phải được phép chỉ trích nhà nước, đảng, hay thể chế chính trị nếu họ không hài lòng về các chính sách của nhà cầm quyền. Những phản ánh đó phải được lắng nghe chứ không phải bị nhà nước cấm đoán và cho là bất hợp pháp rồi dùng các luật lệ mơ hồ để hình sự hóa những hoạt động ôn hòa thể hiện quan điểm của công dân
Đây là giải thưởng quốc tế do RSF phối hợp với đại công ty internet Google tổ chức hằng năm nhằm đánh động sự quan tâm của mọi người về nhu cầu cần phải bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm trên mạng internet qua việc vinh danh những ngòi bút mạng đã bất chấp sự đàn áp, can đảm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền tại các nước trên thế giới.
Blogger Chênh được cộng đồng mạng khắp nơi bình chọn là người đoạt giải từ danh sách 9 ứng viên được RSF đề cử.
Sau lễ trao giải hôm 12/3 tại Pháp đánh dấu ngày Thế giới Chống kiểm duyệt, báo Nhân dân của nhà nước Việt Nam đăng bài tố cáo RSF “tiếp tay cho cái xấu, cổ vũ cho người đã có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam”.
Cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Việt Nam nói việc trao giải thưởng này cho blogger Chênh là bêu xấu hình ảnh, “can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam”.
Tờ Nhân dân chỉ trích rằng các nhân vật bất đồng chính kiến tại Việt Nam được vinh danh các giải thưởng nhân quyền là những "quân bài" trong chiến lược "diễn biến hòa bình" mà “các thế lực thù địch đang rắp tâm triển khai”, “làm ảnh hưởng tới uy tín của đảng và nhà nước Việt Nam”, “lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do internet để tiến hành hoạt động chống đối nhằm gây bất ổn chính trị ở Việt Nam.”
RSF nói họ hết sức ngạc nhiên trước phản ứng của phía Việt Nam và quan điểm trái nghịch của tờ báo Nhân dân về ý nghĩa của các giải thưởng nhân quyền quốc tế.
RSF khẳng định bằng việc trao giải cho blogger Chênh, họ ghi nhận và vinh danh sự can đảm của các blogger và cư dân mạng tại Việt Nam đang bị cầm tù hay bị đàn áp, đồng thời gửi đi thông điệp rằng quyền tự do thông tin của người dân quan trọng hơn bất kỳ hình ảnh Việt Nam ngụy tạo nào mà nhà cầm quyền Hà Nội đang cố gắng cổ xúy.
Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong tổ chức RSF, nói với VOA Việt ngữ:
“Tôi nghĩ đây là cơ hội thích hợp để thiết lập một cuộc đối thoại giữa chúng tôi với Việt Nam. Người dân phải được phép chỉ trích nhà nước, đảng, hay thể chế chính trị nếu họ không hài lòng về các chính sách của nhà cầm quyền. Những phản ánh đó phải được lắng nghe chứ không phải bị nhà nước cấm đoán và cho là bất hợp pháp rồi dùng các luật lệ mơ hồ để hình sự hóa những hoạt động ôn hòa thể hiện quan điểm của công dân. Nhà nước Việt Nam không cho phép những điều này thì rõ ràng không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận tại Việt Nam.”
Về cáo buộc của báo Nhân dân rằng RSF trao giải cho các “phần tử chống đối” chính phủ Hà Nội là thể hiện sự thù nghịch, chống lại nhà nước Việt Nam, ông Ismail khẳng định:
“Chúng tôi chống lại những chính sách ngăn cấm, đi ngược lại quyền tự do thông tin tại Việt Nam và khuyến khích Hà Nội cải thiện nhân quyền, tôn trọng công dân của mình. Chúng tôi ủng hộ những nhà tranh đấu dũng cảm tại Việt Nam dấn thân cho dân chủ-nhân quyền. Chúng tôi mong có cuộc đối thoại với Việt Nam về các quan điểm khác biệt này.”
Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp nói về lâu về dài, việc bảo vệ cho quyền tự do con người sẽ góp phần nhiều nhất trong việc cải thiện sự tôn trọng của quốc tế đối với Việt Nam.