Darrell Stevenson, một tay cao bồi chăn bò ở Mỹ và là một chủ trại chăn nuôi, không sang Nga để đóng phim cao bồi miền tây.
Điều ông làm là đưa bò thịt, công nghệ chăn nuôi của Mỹ và những kiến thức của những người chăn bò của Mỹ sang giúp cho nước Nga.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, ngành sản xuất thịt bò của Nga cũng sụp đổ theo. Người dân chỉ biết tiêu thụ dần mòn đàn bò mà họ có khi mà hệ thống duy trì đàn bò đã bị hỏng.
Ngày nay nước Nga, quốc gia rộng lớn nhất thế giới, phải nhập khẩu hầu hết lượng thịt bò mà họ tiêu thụ.
Số bò nuôi tại nước Nga giờ đây chưa bằng 1% của nước Mỹ, mặc dù đất đai của Nga rộng ngút ngàn và quốc gia này có đầy đủ nước.
Ông Stevenson cho biết: ”Có vô số cơ hội tại quốc gia này hiểu theo nghĩa các nguồn tài nguyên rộng lớn. Đất đai rộng mênh mông, cho dù là đất đã canh tác hay chưa được canh tác."
Năm ngoái, ông Stevenson cho chở bằng tàu và máy bay 1.400 con bò đen giống Angus từ Montana, ở miền tây nước Mỹ, đến đây.
Vài tháng trước chúng đã sinh được mấy con bò con đầu tiên, tại miền quê đất đen trù phú ở nước Nga.
Ông Stevenson, cùng với hai doanh nhân Nga, đã thiết lập một trại chăn nuôi với mục tiêu gây dựng cho Nga một đàn bò ở miền nam để sản xuất thịt bán trên thị trường.
Ông Stevenson cho biết mục tiêu dài hạn của Nga là làm sao tự túc được trong việc sản xuất đủ thịt heo, bò, gà để dùng trong nước.
Ông cho biết tiếp: "Chúng tôi đang giúp gây dựng một đàn bò tại địa phương, một đàn bò cho khu vực, và rồi ra một đàn bò cho toàn quốc. Chuyện phải đi đôi với công việc này là giảng giải, huấn luyện cho một lực lượng lao động."
Anh Viktor Korovkin sinh trưởng ở đây và đã chứng kiến một loạt những người ngoài đến lột hết những tài sản của nông trại tập thể cũ của làng này.
Khi công cuộc liên doanh Mỹ-Nga khởi sự ở đây, anh được thu dụng để làm người canh gác. Hiện nay thì anh là quản lý trại chăn nuôi. Anh cho biết công nghệ chăn nuôi của Mỹ tân tiến hơn công nghệ mà anh quen thuộc của Nga.
Cô Ekaterina Zimina sinh trưởng tại St.Petersburg, thành phố lớn hàng thứ nhì của Nga. Được huấn luyện trong ngành thú ý, năm ngoái cô đã sang trại chăn nuôi của ông Darrell Steveson ở Montana để học về kỹ thuật gây giống nhân tạo và chăm sóc bò con.
Cô cho biết ở nước Nga người ta thường chăn nuôi bò sữa nhốt trong chuồng, chứ không quen với việc chăn bò ngoài trời ở những trang trại rộng lớn.
Cô nói:"Rất khó tìm ra người thành thạo biết làm công việc chăn nuôi bò. Nước Nga nổi tiếng về những đàn bò sữa, nhưng cai quản công việc chăn nuôi bò lại hoàn toàn là một chuyện khác."
Với một nước Nga quyết tâm tự túc về lương thực, ngày càng có nhiều nhà đầu tư lái xe xuống phía nam thủ đô Mascova để xem trại bò mới do cao bồi Mỹ điều hành này.
Với đất đai rộng mênh mông bán với giá thật hạ và mùa nuôi trồng dài hơn hầu hết những nơi nuôi bò ở nước Mỹ, cô Ekaterina tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có thêm nhiều người Nga cưỡi ngựa chăn bò.
Cô nói: "Chúng ta có thể cho những người này biết rằng cao bồi chăn bò không phải là chuyện xảy ra trong phim ảnh. Cao bồi thực sự có mặt ở đời thường, công việc của họ rất nhọc nhằn, và người Nga cũng có thể trở thành những chàng cao bồi cưỡi ngựa chăn bò.
Trong lúc nước Nga cố gắng lấy lại thế tự túc về lương thực, chẳng mấy chốc người dân Nga sẽ được ăn thịt bò giống Angus nuôi ở miền quê đất đen trù phú tại miền nam quốc gia của họ.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, người dân Nga đã ăn mất gần hết số bò thịt mà họ có vì hệ thống chăn nuôi gây giống đã hỏng. Giờ đây các nhà chăn nuôi tại Hoa Kỳ đang tìm cách để giúp gây dựng lại các đàn bò cho nước Nga.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1