Đông đảo người dân đã nô nức đi trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh vừa được mở cửa sau nhiều năm chờ đợi, dẫn đến tình trạng quá tải, theo tìm hiểu của VOA.
Sau gần 30 năm chờ đợi, trong đó có 17 năm phê duyệt và 12 năm thi công, tuyến đường sắt đô thị số 1 của thành phố Hồ Chí Minh, hay còn gọi là tuyến Bến Thành-Suối Tiên, đã chính thức vận hành hôm 22/12.
Hình ảnh trên báo chí cũng như mạng xã hội Việt Nam trong những ngày qua cho thấy các toa tàu nghẹt cứng người trong khi tại nhà ga Bến Thành, nhà ga trung tâm đồng thời là nhà ga lớn nhất, biển người hàng ngàn người đứng xếp hàng từ trong tràn ra ngoài đợi tới lượt.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết nhà ga Bến Thành ‘chật cứng người’ còn trang mạng VnExpress tường thuật ‘đông nghịt người’ đến để đi metro Bến Thành-Suối Tiên, trong khi trang mạng Dân trí cho biết tuyến metro này ‘đã vỡ trận’ trong ngày đầu tiên khai trương.
Tình trạng quá đông đúc đã khiến nhà ga Bến Thành phải tạm đóng cửa để nhận khách theo từng đợt, VnExpress cho biết. Tờ Lao Động đưa tin có những lúc lượng khách lên tàu đông đến mức tàu ‘không thể đóng cửa’.
Tuổi Trẻ dẫn lời một người dân 64 tuổi ở Quận 12 có tên là Nguyễn Đình Đài cho biết ông đã ‘chờ đợi suốt 18 năm’, ‘đếm từng ngày từng tháng’ và ‘mơ ước một lần được trải nghiệm metro’ ở Việt Nam.
Trong vòng 30 ngày đầu tiên kể từ khi chính thức vận hành, người dân sẽ được đi metro Bến Thành-Suối Tiên miễn phí, báo chí trong nước đưa tin. Sau thời gian này, vé tàu sẽ có giá từ 7.000 cho đến 12.000 đồng tùy cự li di chuyển.
Sau ngày khai trương bị ‘vỡ trận’, sang ngày 23/12 lượng hành khách đi tàu đã giảm rất nhiều, từ 150.000 lượt xuống chỉ còn 40.000 lượt, tờ Lao Động cho biết.
Tuyến metro số 1 nối liền trung tâm với cửa ngõ phía đông thành phố, đến những địa điểm có đông đúc người đi lại như Đại học Quốc gia, Bến xe Miền Đông, Công viên Suối Tiên và Khu Công nghệ cao.
Tuyến metro này đi qua 14 nhà ga, trong đó có 3 ga ngầm khi đi ở khu vực trung tâm là Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son, và 11 ga trên cao. Các ga trên cao là Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Bến xe Suối Tiên.
Tổng thời gian di chuyển trên toàn tuyến metro có chiều dài 19,7 cây số là khoảng 30-32 phút, với thời gian giữa các ga trung bình từ 1 - 2 phút, tờ Tuổi Trẻ cho biết.
Để phối hợp với tuyến metro này, chính quyền thành phố cũng mở 17 tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga và mở bãi giữ xe máy xung quanh các ga để người dân thuận tiện di chuyển, báo Tin Tức cho biết.
Sự ra đời của tuyến đường sắt đô thị này đã đưa thành phố lớn nhất Việt Nam theo kịp các thành phố lớn khác trong khu vực như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur… trong lĩnh vực giao thông đô thị.
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đi sau thủ đô Hà Nội hơn 3 năm. Hồi tháng 11 năm 2021, Hà Nội đã vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam là tuyến Cát Linh-Hà Đông.
Diễn đàn