Dự kiến các tỉnh của Việt Nam sẽ giảm tới gần 90 sở sau khi sáp nhập, theo một dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ về sắp xếp lại các cơ quan thuộc chính quyền cấp tỉnh. Một chuyên gia xã hội học nói động thái này sẽ mất nhiều năm thực hiện với các “hậu quả xã hội to lớn”.
Dự thảo của Bộ Nội vụ, được công bố trên báo chí hôm 17/4, đề xuất rằng các tỉnh và thành phố chỉ có từ 18 sở trở xuống. Riêng thủ đô Hà Nội và đầu tàu kinh tế Tp. Hồ Chí Minh có thể có nhiều sở hơn, nhưng cũng không quá 20.
Nếu thực hiện phương án này, nhiều sở, ngành phải sáp nhập, giúp giảm ít nhất 88 sở, ngành trên toàn quốc.
Theo phác thảo của Bộ Nội vụ, các sở có “quan hệ liên thông” hoặc giải quyết những vấn đề giống nhau sẽ được sáp nhập.
Một số gợi ý trong đề xuất gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Tài chính sẽ trở thành Sở Tài chính-Kế hoạch; Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở GTVT-Xây dựng; hợp nhất Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Sở Công thương thành Sở Công-Nông-Thương; hợp nhất Sở Thông tin-Truyền thông với Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch thành Sở Văn hóa-Thông tin-Thể thao-Du lịch hoặc Sở Văn hóa-Thông tin-Thể thao; hay Sở Khoa học-Công nghệ và Sở Giáo dục-Đào tạo trở thành Sở Giáo dục-Khoa học-Công nghệ.
Kể cả các sở của chính quyền và các ban của Đảng Cộng sản tại địa phương cũng được Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập thí điểm. Đó là hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nếu được thực hiện, sở mới sẽ có tên là Sở Tổ chức-Nội vụ; hoặc hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra, và gọi là Kiểm tra-Thanh tra cấp tỉnh.
Một phương án khác do bộ nêu ra trong dự thảo có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, Hà Nội và Tp. HCM có tối đa 20 sở; các tỉnh còn lại có không quá 19 sở. Nếu chính phủ chấp nhận phương án này, sẽ giảm tối thiểu được 46 sở, ngành trên toàn quốc.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đánh giá đây là “động thái tích cực nhất từ trước đến nay” của Bộ Nội vụ nói riêng và của nhà nước Việt Nam nói chung, khi họ thể hiện nỗ lực làm tinh gọn và tăng tính hiệu quả của các cơ quan trong chính quyền.
Nữ tiến sĩ cho rằng không chỉ cá nhân bà mà nhiều người dân cũng hoan nghênh nỗ lực mà bà gọi là “thiết thực” này.
Đề xuất sáp nhập các sở được đưa ra trong bối cảnh chỉ ít ngày trước đó, Kiểm toán Nhà nước “phát hiện” các cơ quan công quyền “thừa” tới 57.000 nhân viên trong biên chế. Ngoài ra, hồi đầu tháng này, có tin Bộ Công an sẽ có “bước đột phá” là xóa toàn bộ các tổng cục, sáp nhập và giảm một nửa số cục từ con số 126 hiện nay.
Bà Hồng đưa ra nhận định với VOA về lý do đằng sau động thái của Bộ Nội vụ:
“Bây giờ áp lực của việc làm tinh gọn bộ máy nó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bài toán được đặt ra là nếu không tin giản bộ máy này, hệ thống [ngân sách] của nhà nước sẽ không thể nào gánh nổi cả một bộ máy cồng kềnh như vậy. Và tính kém hiệu quả của nó đã quá rõ ràng”.
Nếu không tin giản bộ máy này, hệ thống [ngân sách] của nhà nước sẽ không thể nào gánh nổi cả một bộ máy cồng kềnh như vậy. Và tính kém hiệu quả của nó đã quá rõ ràng.Tiến sĩ Khuất Thu Hồng.
Một báo cáo hồi tháng 3 của Bộ Tài chính cho hay trong 2 tháng đầu năm, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước chiếm 83,1%, còn chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 4,2%.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh được báo chí trong nước trích dẫn nói rằng “muốn chi thường xuyên giảm xuống có nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản bộ máy”. Tiến sĩ Doanh khẳng định “nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra, thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được”.
Dù vấn đề dường như rất cấp bách, song tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng việc sáp nhập các sở địa phương sẽ không diễn ra nhanh chóng. Bà nói với VOA:
“Tôi sợ rằng khó mà tính bằng tháng, mà phải tính bằng năm và phải có những lộ trình. Việc thu gọn bộ máy, sáp nhập một loạt các đơn vị như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy, những vấn đề xã hội rất lớn. Nếu việc này không được triển khai theo lộ trình, nó có thể để lại các hậu quả, các vấn đề xã hội rất hệ trọng”.
Thông tin trên báo chí Việt Nam về đề án sáp nhập các sở không đề cập đến Bộ Nội vụ có đặt ra phương án nào hay không để giúp giảm thiểu những tác động đến các công chức bị ảnh hưởng sinh kế khi đề án trở thành hiện thực.
Nữ viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội bày tỏ hy vọng rằng nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự sẽ có những chương trình, sáng kiến để giúp những người “đột ngột mất sinh kế” có thể đi qua giai đoạn quá độ một cách “an toàn”.