Sau phản ứng khá mạnh từ dư luận và giới y khoa về dấu hiệu “bỏ lọt tội phạm” trong vụ truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 người khác liên quan đến vụ chạy thận gây chết người ở tỉnh Hòa Bình, ngày 21/3, Bộ Y tế lần đầu tiên lên tiếng nói rằng Bộ này mong việc điều tra, truy tố “đảm bảo khách quan, minh bạch” và “không bao che cho đối tượng nào”.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình ngày 22/2, bác sĩ Hoàng Công Lương, 34 tuổi bị truy tố về tội “vô ý làm chết người” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai người khác bị cáo buộc tội danh tương tự là Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh và Trần Văn Sơn – Cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Vẫn theo cáo trạng, bác sĩ Lương, người được Trưởng khoa giao phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện, đã thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, được sử dụng trong quy trình chạy máy lọc thận, vào ngày 20/4/2017.
Rõ ràng việc chấp nhận sử dụng hóa chất nguy hại trong việc xử lý thiết bị mà không bao gồm thêm quy trình kiểm soát chặt chẽ thì đó là một thiếu sót ở góc độ quản lý.Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn.
Cáo trạng cho rằng “với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, bị can Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ quy định nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định và thuộc trách nhiệm của Trưởng khoa”.
“Nhưng sáng ngày 29/5/2017, khi mới chỉ nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì Hoàng Công Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại Đơn nguyên thận – BVĐK Hoà Bình diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 08 người tử vong”, cáo trạng nêu.
Sau khi bản cáo trạng được đưa ra, rất nhiều người trong giới y khoa Việt Nam đã lên tiếng bênh vực bác sĩ Hoàng Công Lương, cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong việc điều tra, truy tố.
Từ Hà Nội, Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhận định với VOA-Việt ngữ:
“Bản thân quy trình xử lý thiết bị đó là không phù hợp, không đảm bảo chất lượng. Nếu có tồn dư thì sẽ có nguy cơ gây tử vong cho bệnh nhân. Rõ ràng việc chấp nhận sử dụng hóa chất nguy hại trong việc xử lý thiết bị mà không bao gồm thêm quy trình kiểm soát chặt chẽ thì đó là một thiếu sót ở góc độ quản lý. Bác sĩ Hoàng Công Lương hay bất cứ ai khác nếu rơi vào hoàn cảnh đó thì đều là nạn nhân. Thảm họa vẫn luôn xảy ra”.
Cùng với chuỗi phản ứng của dư luận, tuần rồi mạng xã hội lan truyền tin về việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bác sĩ Hoàng Công Lương, dẫn dến thông báo của Bộ Y tế hôm 20/3 “cảnh báo” người dân rằng đây là “tin giả” và họ “cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ tin tức trên mạng”, theo Tuổi Trẻ.
Nếu tôi là người có cương vị trong Bộ Y tế, tôi sẽ đề nghị xem xét lại trách nhiệm của tất cả những người có liên quan, chứ không thể chỉ truy tố 3 người như thế này được. Vì nếu chỉ đưa ra truy tố 3 người, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, thì rõ ràng đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn.
Trước "cảnh báo" này, Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói ông không ngạc nhiên vì đã thấy bản tin không ổn ngay từ đầu.
“Trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì rõ ràng tin đó không đúng. Bản thân một người làm trong bộ máy nhà nước thì không thể có một đề nghị trái pháp luật như thế được”.
Nhưng điều quan trọng hơn mà ông và giới y khoa băn khoăn là trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ này và quy trình điều tra, xét xử của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn nói:
“Nếu tôi là người có cương vị trong Bộ Y tế, tôi sẽ đề nghị xem xét lại trách nhiệm của tất cả những người có liên quan, chứ không thể chỉ truy tố 3 người như thế này được. Vì nếu chỉ đưa ra truy tố 3 người, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương, thì rõ ràng đã có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Trả lời trong cuộc họp báo ngày 21/3, một tháng sau khi VKS đưa ra cáo trạng, đại diện Bộ Y tế, TS. Nguyễn Huy Quang-Vụ trưởng Vụ Pháp chế, mới nói rằng Bộ này “mong cơ quan bảo vệ pháp luật, khi xem xét điều tra, truy tố vụ án này, cần bảo đảm tính khách quan, minh mạch, đúng người đúng tội, không bao che cho đối tượng nào kể cả lãnh đạo, cán bộ làm trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình”, theo Dân Trí.
Theo ông Quang, các bác sĩ chỉ được đào tạo kỹ năng thực hành y khoa cấp cứu cho người bệnh, còn việc mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị do bộ phận quản lý trang thiết bị quản lý.
“Do đó, bác sĩ không phải là người chịu trách nhiệm về trang thiết bị”, quan chức của Bộ Y tế nói.
Kết luận của Bộ Công An cho biết nguyên nhân dẫn đến tai biến gây tử vong cho 8 bệnh nhân là do tồn dư hóa chất độc hại trong nguồn nước chạy thận cao gấp hàng trăm lần mức cho phép.
Việc truy tố 3 bị can diễn ra sau khi gia đình của 8 nạn nhân đâm đơn kiện Bệnh viện Hòa Bình và đòi bồi thường 2 tỷ đồng. Các gia đình cho rằng bệnh viện đã không tuân thủ quy trình lọc thận và vi phạm đạo đức nghề nghiệp.